Khi nào mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử của riêng mình?

14-06-2018 13:00 | Tin nóng y tế

SKĐS - Sáng 14/6/2018, tại Hà Nội, Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khởi động xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân. Vì sao mỗi người dân cần phải có hồ sơ sức khỏe điện tử? Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được thiết kế như thế nào? Báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS - TS Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế, cơ quan được Bộ Y tế giao trách nhiệm xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR)

PV: Ông có thể cho biết, tại sao trong thời điểm này chúng ta bắt tay vào xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân?

PGS. TS Trần Qúy Tường: Không phải bây giờ chúng ta mới có ý tưởng xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) cho mỗi người dân. Ý tưởng mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử đã được nung nấu từ rất lâu. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cách đây nhiều năm. Và, trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như hiện nay thì việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử là rất cần thiết, có tính thời sự cao, bảo đảm cho người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử từ khi bắt đầu cất tiếng khóc chào đời đến khi mất đi, càng cần phải sớm thực hiện.

PGS - TS Trần Qúy Tường Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế (thứ 2 từ phải sang)

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới(Nghị quyết 20-NQ/TW) được ban hành, đã đưa ra mục tiêu và các giải pháp nhằm nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nghị quyết chỉ rõ nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có việc triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.Thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân, đồng thời thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh.

Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 12/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế ban hành Chương trình hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW tại Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 06/03/2018.

Để thực hiện Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An tham gia vào Đề án Y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 – 2020 (viết tắt là Đề án YTCS).

Một trong những nhiệm vụ trong Đề án YTCS là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) bước đầu đáp ứng các nội dung theo Quyết định số 831/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 11/03/2017 về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. EHR bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.

PV: Ý nghĩa của việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử là như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Trần Qúy Tường: Đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lýthông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác,đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Đối với người thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB)của mỗi người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn. Mặt khác, big data là nền tảng để phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Trong thời đại ngày nay, việc quản lý thông tin có nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý xã hội, có nhiều người còn khẳng định “thông tin quý hơn dầu mỏ!”.

Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tếdễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Như vậy, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết 20-NQ/TW.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về cấu trúc thiết kế xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử? Và việc xây dựng phần mềm này, có buộc người dân phải kê khai lại hồ sơ sức khỏe?

PGS. TS Trần Qúy Tường: Chúng tôi được Bộ trưởng Bộ Y tế giao xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID) và hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân.Điều này, không gây phiền hà cho người dân và thông tin dữ liệu của người dân được bảo mật tuyệt đối.

Phần mềm EHR với kiến trúc mở dựa trên tiêu chuẩn trong nước và quốc tế tạo nền tảng kết nối liên thông, từng bước hình thành mạng lưới kết nối đa hình giữa hệ thống EHR với các hệ thống thông tin y tế (phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế, phần mềm bệnh án điện tử, cổng thông tin thanh toán KCB BHYT của BHXH Việt Nam).

EHR là hệ thống quản lý hồ sơ ghi chép tình trạng chăm sóc và lịch sử sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi (bảo đảmquản lý dữ liệu lâm sàng của cá nhân suốt đời, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế, tính an toàn và riêng tư của hồ sơ).

EHR được tạo thành từ nhiều nguồn thông tin/dữ liệu khác nhau bao gồm thông tin/dữ liệu từ các bệnh viện, phòng khám, bác sỹ, nhà thuốc, phòng xét nghiệm, … Thông tin rất quan trọng này sẽ giúp các chuyên gia y tế có đầy đủ thông tin trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân có thể tự mình tìm kiếm và xem hồ sơ sức khỏe của mình trên mạng và tự tạo mã khóa để bảo mật hồ sơ của riêng mình. Hoặc khi người dân đi khám, chữa bệnh, cơ sở y tế sẽ hướng dẫn người dân tiếp cận hồ sơ sức khỏe của mình và tạo mã khóa để bảo mật hồ sơ sức khỏe cho mỗi người dân. Người dân không phải đi khám để lập hồ sơ sức khỏe, không phải kê khai lại hồ sơ sức khỏe và không mất chi phí về hồ sơ sức khỏe điện tử.

PV: Câu hỏi cuối, xin ông cho biết khi nào người người dân Việt Nam có được hồ sơ sức khỏe điện tử cho cá nhân mình?

PGS. TS Trần Qúy Tường: Hôm nay chúng tôi khởi động nhưng thực tế quá trình thực hiện đã được bắt tay từ đầu năm 2018. Từ nay, đếntháng 12/2018, nhà thầu xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.

Tháng 1/2019 – tháng 6/2019: Triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm.

Từ tháng 7/2019 tổ chức triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đến nửa cuối năm 2019 tôi nghĩ mỗi chúng ta sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân. Khi người dân đến cơ sở y tế, người thầy thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần 1 click chuột máy tính sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị!


PV
Ý kiến của bạn