Khi nào mới cần dùng kháng sinh trong điều trị cảm cúm?

27-01-2022 19:36 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đã bắt đầu một mùa cảm cúm - bệnh do virus gây ra, với những triệu chứng khó chịu. Đa phần bệnh nhân muốn dùng kháng sinh để mong mau khỏi bệnh, nhưng điều này có đúng không, và nguy hiểm thế nào nếu dùng sai thuốc?

Trên thực tế có rất nhiều đơn thuốc được kê kháng sinh (hoặc bệnh nhân tự ý mua kháng sinh về dùng) khi chỉ có các triệu chứng cảm cúm thường. Vì sao lại thế và khi nào cần dùng kháng sinh? Chúng ta cùng khám phá tình trạng này qua bài viết dưới đây.

1. Áp lực sử dụng kháng sinh đến từ phía bệnh nhân

Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng có hiện tượng lạm dụng kháng sinh khi bị cảm cúm, cảm lạnh.

Theo một báo cáo từ Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE) thì các bệnh viện và những dịch vụ ngoài giờ cũng gia tăng việc kê toa thuốc kháng sinh.

Điều này phần lớn là do từ phía các bệnh nhân cố tình tìm kiếm các bác sĩ gia đình ngoài giờ hoặc từ các trung tâm chăm sóc, bởi tại những nơi này, bệnh nhân có khả năng nhận được thuốc kháng sinh thường xuyên hơn từ bác sĩ.

Cảm cúm có nên dùng kháng sinh?  - Ảnh 1.

Các triệu chứng của cảm cúm khiến bệnh nhân khó chịu, do đó có tâm lý lạm dụng thuốc để mong mau khỏi bệnh.

Cũng trong báo cáo này cho biết: Mặc dù kháng sinh chỉ điều trị các chứng nhiễm trùng do vi khuẩn và không có tác dụng với virus, nhưng khoảng ½ các bác sĩ gia đình đã thừa nhận rằng họ đã kê toa cho bệnh nhân ngay cả khi họ không cần. Theo đó, 90% bác sĩ nói rằng họ cảm thấy bị áp lực từ chính bệnh nhân.

Đây là một thực trạng đáng lo ngại bởi sự gia tăng sử dụng kháng sinh đang là vấn đề toàn cầu.

- Thứ nhất là sự gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh làm cho việc chữa trị các bệnh lây nhiễm trở nên nan giải hơn.

-Thứ hai là nếu cung cấp thuốc cho bệnh nhân mà họ không cần thiết dùng tới chúng thì nguy cơ tác dụng phụ vượt xa hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào.

Kháng sinh không phải là "thuốc tiên", song thật khó để thay đổi nhận thức của công chúng. Bệnh nhân có thể dùng kháng sinh cho các căn bệnh tương tự như trong quá khứ và chính vì sự phục hồi nhanh nên họ nghĩ nó là tiên dược. Các căn bệnh trong mùa đông thường kéo dài, ví dụ như ho hoặc cúm có thể kéo dài 2- 3 tuần hoặc hơn thế, do vậy bệnh nhân thường sốt ruột và tự tìm cách điều trị.

2. Các triệu chứng của cảm cúm và khi nào nên dùng kháng sinh?

1. Đau họng

Hầu hết các chứng viêm họng, đau họng đều có nguyên nhân từ nhiễm virus. Nếu virus là thủ phạm gây ra chứng đau họng thì không cần thiết phải dùng kháng sinh. Lúc này, cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng, trái cây và dùng các bài thuốc có sẵn trong nhà, như: Mật ong, chanh, gừng pha với nước ấm sẽ có hiệu quả giảm đau họng.

Cảm cúm có nên dùng kháng sinh?  - Ảnh 3.

Với triệu chứng đau họng do cảm cúm, có thể sử dụng mật ong, chanh pha cùng nước ấm giúp giảm đau.

Với những triệu chứng không thể cải thiện và tình hình ngày càng trở nên trầm trọng, sốt, khó nuốt… thì có thể nghĩ tới viêm amidal. Lúc này nên đến gặp bác sĩ để được khám và kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp.

2. Ho tức ngực

Vào thời điểm giao mùa, không khí ẩm, lạnh thất thường, thì khi nhiễm cảm cúm, cơn ho có thể kéo dài lên đến 3 tuần. Đây cũng là điều bình thường, kể cả khi có đờm xanh cũng không cần sử dụng kháng sinh.

Chỉ khi bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi, cơn ho kèm với sốt dai dẳng, khó thở, đau ở ngực hay đờm vấy máu… Lúc này cần gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc kháng sinh.

3. Đau tai

Đau tai trong đợt nhiễm cảm cúm cũng là hiện tượng khá thường gặp, đặc biệt là đối với trẻ em. Sử dụng kháng sinh lúc này là không cần thiết.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đau tai tiến triển nặng lên, kể cả khi đã sử dụng thuốc giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen) nhưng tình trạng đau không bớt mà còn tồi tệ hơn; có hiện tượng chảy mủ ở tai… Lúc này cần phải sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.

4. Viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng sưng trong xoang thường là do nhiễm virus mà có dùng kháng sinh cũng không hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chỉ cần hít hơi nước nóng (có thể lựa chọn tùy cách phù hợp, nhưng chú ý tránh hơi nước nóng quá dẫn đến bỏng niêm mạc mũi). Hơi nóng sẽ làm mềm chất bài tiết và nó dễ dàng ra ngoài ra mũi và làm giảm tình trạng viêm xoang. Nếu nghẹt mũi quá có thể dùng thuốc thông mũi, tuy nhiên không nên lạm dụng.

Cảm cúm có nên dùng kháng sinh?  - Ảnh 4.

Trước khi dùng kháng sinh, cần có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ.

Khi tình trạng viêm xoang không được cải thiện sau một tuần hoặc triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, thì có thể cần sử dụng kháng sinh. Bởi sự kém thoát dịch trong viêm xoang có thể tạo điều kiện cho bội nhiễm vi khuẩn.

Mời độc giả xem thêm video:

Tin vui: TP. HCM sẽ mở bán trú trường học sau tết | SKĐS

ThS.Hải Đăng
Ý kiến của bạn