Khi nào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giao về địa phương tổ chức?

30-06-2023 10:00 | Thời sự

SKĐS - PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu từng địa phương tự tổ chức, mọi khâu sẽ nhân lên 63 lần. Việc này đặt ra vấn đề về tính an toàn, bảo mật, đặc biệt là đề thi cho 15 môn.

Bao giờ công bố đáp án và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023?Bao giờ công bố đáp án và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023?

SKĐS - Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), bắt đầu từ hôm nay (30/6) sẽ triển khai công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tại họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay mang tính chất "ba chung": chung đề, chung đợt và chung kết quả. Ngoài phục vụ xét tốt nghiệp, kết quả thi còn để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có hơn 100 giáo viên phổ thông, giảng viên đại học tham gia ra đề thi tốt nghiệp THPT trong gần một tháng. "Họ gánh áp lực của 63 tỉnh thành".

"Việc mỗi tỉnh ra đề thì mức độ khó, dễ khác nhau, có đảm bảo sự công bằng không? Với nguồn lực, điều kiện tập trung của Bộ GD&ĐT, tức là cấp Quốc gia, chúng tôi rất nỗ lực nhưng đầy gian nan. Việc tổ chức đầy khó khăn vậy, từng tỉnh làm liệu có được không?". 

Khi nào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giao về địa phương tổ chức? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lấy ví dụ hai thí sinh ở khác địa phương, cùng thi các môn Toán, Lý, Hoá, nhưng vì đề khác nhau nên kết quả cũng sẽ chênh lệch. Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đây chưa phải thời điểm thích hợp để giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về từng địa phương. "Đây không phải vấn đề Bộ có 'ôm' hay không. Bộ có muốn mà không phù hợp thì cùng không 'ôm' được", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Phân tích thêm về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu từng địa phương tự tổ chức, mọi khâu sẽ nhân lên 63 lần. Việc này đặt ra vấn đề về tính an toàn, bảo mật, đặc biệt là đề thi cho 15 môn.

Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng, trong các công đoạn của kỳ thi, khâu ra đề thi là khó khăn, vất vả nhất. Đề thi phải đảm bảo tính công bằng, đánh giá chất lượng thí sinh vùng miền trên cả nước. Do đó nếu giao về cho các địa phương, công tác tổ chức sẽ khó khăn hơn nhiều.

Ngoài ra, nếu giao về các địa phương sẽ khó đảm bảo sự công bằng cho học sinh trên phạm vi cả nước, bởi có thể sẽ có tỉnh ra đề dễ và có địa phương ra đề khó. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề về kinh tế, xã hội.

Theo ông Chương, thực tế hiện kỳ thi đã có sự phân cấp về địa phương rất cao, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

6 nhóm vấn đề khẳng định thành công của Kỳ thi

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được đánh giá thành công, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế, thể hiện ở 6 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương sâu sát, kịp thời. Điều này thể hiện từ việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ GD&ĐT, các hướng dẫn, Chỉ thị của các tỉnh/thành và nhiều văn bản khác.

Khi nào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giao về địa phương tổ chức? - Ảnh 3.

Thí sinh tham đự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Cùng với đó, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức Kỳ thi được dự báo; trong đó xác định ngay từ đầu diễn biến phức tạp của việc sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận để có biện pháp phòng, chống.

Thứ hai là công tác phối hợp thống nhất, xuyên suốt, nhuần nhuyễn, kịp thời từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành. Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ có 2 từ khóa quan trọng là tăng cường chỉ đạo và phối hợp tổ chức Kỳ thi. Trách nhiệm của bộ ngành, địa phương cũng được phân công rõ; trong đó UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương.

Thứ ba, công tác chuẩn bị tổ chức chủ động, kịp thời, chu đáo, toàn diện của địa phương, hướng tới Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn.

Thứ tư, công tác an ninh, an toàn được bảo đảm; trong đó có vai trò chủ động rất lớn của lực lượng công an.

Thứ năm, công tác truyền thông về Kỳ thi của ngành và phản ánh về Kỳ thi của cơ quan truyền thông, báo chí hết sức chủ động, kịp thời, đúng, trúng. Nhìn chung, các phương tiện truyền thông đại chúng đánh giá tốt về Kỳ thi, Kỳ thi giảm nhiều áp lực, căng thẳng.

Thứ 6, về công tác chuyên môn, hệ thống văn bản chỉ đạo đầy đủ, toàn diện, ngày càng khoa học, chặt chẽ, bao quát hơn; công tác tập huấn cho các chủ thể tham gia Kỳ thi kỹ lưỡng; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đề thi, in sao đề thi, công tác thanh tra kiểm tra… được chuẩn bị, triển khai nghiêm túc.

TP. HCM là một trong những địa phương đề xuất phương án nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về từng địa phương nhiều nhất. Từ tháng 8/2016, UBND thành phố đã trình Bộ thẩm định "Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT riêng từ năm 2017", nhưng không được phê duyệt.

Hiện, các tỉnh, thành tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Trừ công đoạn ra đề, địa phương cơ bản làm hết các phần việc, bao gồm: coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp.

Kết thúc thi tốt nghiệp THPT: Chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chứcKết thúc thi tốt nghiệp THPT: Chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức

SKĐS - Sau khi kết thúc môn thi cuối cùng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT hôm nay, chiều muộn 29/6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc họp báo tổng kết Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.


Đỗ Vi - Thành Long
Ý kiến của bạn