Con số thiệt hại về người tiếp tục tăng
Tối 12/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo nhanh thống kê thiệt hại do mưa lũ từ các địa phương.
Theo đó, tính đến 20h ngày 12/9, mưa lũ đã làm 336 người chết, mất tích (233 người chết, 103 người mất tích).
Lào Cai là địa phương thiệt hại nhiều nhất về với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), gồm: Bảo Yên 110, Sa Pa 9, Bát Xát 17, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2; trong đó lũ quét, sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên ngày 10/9 làm 106 người chết, mất tích (47 người chết, 59 người mất tích).
Thiệt hại lớn thứ 2 là Cao Bằng với 52 người (43 người chết, 9 người mất tích). Tâm lũ Yên Bái có 50 người (48 người chết, 2 người mất tích) gồm TP Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 9, Văn Chấn 2, Trấn Yên 4.. Các địa phương còn lại là Quảng Ninh 15 người chết, Hải Phòng 2 người chết, Hải Dương 1 người chết, Hà Nội 1 người chết, Hòa Bình 7 người chết, Lạng Sơn 3 người chết, Bắc Giang 2 người chết, Tuyên Quang 5 người chết, Hà Giang 2 người (1 người chết; 1 người mất tích), Lai Châu 1 người chết, Vĩnh phúc 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền), Phú Thọ 11 người (1 người chết do sạt lở đất; 1 người chết do lũ; 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ), Sơn La 1 người mất tích do lũ cuốn, Thái Nguyên 2 người chết do lũ.
Như vậy tổng số người chết, mất tích tăng 6 người chết tại Yên Bái, Vĩnh Phúc 1 người mất tích đã tìm thấy xác. Tìm thấy 70 người chạy lên núi lánh nạn tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà - không phải vị trí sạt lở đất, lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Người bị thương, số liệu tổng kết đến thời điểm này có 807 người, trong đó: Quảng Ninh 536, Hải Phòng 49, Hải Dương 5, Hà Nội 23, Bắc Giang 7, Bắc Ninh 52, Hà Giang 1, Lạng Sơn 10, Lào Cai 69, Yên Bái 23, Cao Bằng 17, Phú Thọ 5, Bắc Kạn 3, Hòa Bình 3, Vĩnh Phúc 2, Thanh Hóa 2.
Ninh Bình, Hà Nam ngập sâu trong nước lũ
Hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình đã di dời hàng ngàn hộ dân do nước lũ sông Đáy, sông Hoàng Long dâng cao vượt mức báo động 3 (ngày 11 và 12/9).
Hiện tại, Ninh Bình ghi nhận có hơn 1.000 hộ dân ở 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, huyện Gia Viễn có 444 nhà dân bị ngập và cô lập tại các xã: Gia Thịnh, Gia Tiến, Gia Phong, Gia Hòa và 2 điểm trường tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh bị ảnh hưởng ngập nước; 561 nhà bị ngập tại các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong thuộc huyện Nho Quan. Ước tính thiệt hại ban đầu do mưa, lũ khoảng 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, do mưa lớn kéo dài, hiện tỉnh Ninh Bình có khoảng 4.367ha diện tích lúa bị ngập úng, sâu nước, chủ yếu ở huyện Kim Sơn, Gia viễn, Yên Khánh…; ghi nhận tình trạng sạt chân mái đê hữu Đáy phía đồng dài 50m tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn; nứt bể xả trạm bơm Gia Trấn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình, mực nước trên sông Hoàng Long và sông Đáy tại Ninh Bình đã vượt báo động 3, trên mức đỉnh lũ năm 2017 (0,01m) - năm thiên tai nặng nề.
Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông tiếp tục lên cao, nâng cấp độ rủi ro thiên tai do lũ lên cấp 3. Cảnh báo tác động của lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn, nguy cơ cao ngập lụt trên diện rộng ở khu vực ven sông, vùng trũng thấp; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.
Do ảnh hưởng của lũ trên sông Đáy, tại Hà Nam đã gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông, các công trình nuôi trồng thủy sản trên sông và sản xuất nông nghiệp ven sông Đáy.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, khi mực nước sông Hồng lên cao, các vùng thấp ngoài đê bị ngập. Từ sáng nay, 12/9, mực nước sông Hồng bắt đầu xuống, nước rút thì mức ngập ở các vùng này cũng giảm. Tuy nhiên, do nước rút chậm, cho nên mức ngập này giảm chậm, không thể nhanh.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, nước sông Hồng đang giảm dần, trong khoảng 2-3 ngày tới, những vùng thấp ngoài đê sẽ hết ngập. Riêng khu vực ven sông Bùi, sông Tích, quá trình này có thể lâu hơn, khoảng 1 tuần.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nỗi đau người sống sót trong vụ lũ quét cuốn phăng cả bản Làng Nủ: “Mất tất cả rồi…”.