Nhằm chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Nghệ An cử 16 cán bộ y bác sĩ tăng viện cho thành phố Đà Nẵng. Đây là những cán bộ y bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm, sức khỏe tốt, và luôn nêu cao tinh thần tình nguyện, trách nhiệm, chiến đấu với dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng..., Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc gặp gỡ, ghi nhận những tâm tư tình cảm của các chiến sĩ áo Blouse trắng trước giờ lên tuyến đầu “Chia lửa” cùng Đà Nẵng.
Chung tay, góp sức , sẻ chia cùng Đà Nẵng
“Khi dịch bệnh xảy ra thì toàn dân đều phải có trách nhiệm tham gia chống dịch. Mọi người đều phải phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Đặc biệt là y bác sĩ thì càng phải có trách nhiệm chia sẻ những khó khăn này, cùng chung tay góp sức “chia lửa” cùng đồng nghiệp nơi tuyến đầu để cứu chữa bệnh nhân và đẩy lùi dịch COVID-19. Bác sĩ CK II Trịnh Xuân Nam, Phó Bí thư Đảng Ủy, Trưởng khoa Nội A – Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chia sẻ.
Vậy nên, ngay khi Sở Y tế Nghệ An có công văn yêu cầu cử đoàn cán bộ vào tăng viện cho thành phố Đằng Nẵng, bản thân tôi tự nhận thấy chuyên môn của mình phù hợp yêu cầu nên tự nguyện đề xuất với lãnh đạo bệnh viện để được đi. Bên cạnh đó với vai trò là lãnh đạo nên tôi cần nêu gương về hoạt động tình nguyên, với tinh thần nói đi đôi với làm, tất cả vì người bệnh... để các y bác sĩ trẻ ở Bệnh viện học tập và hăng hái hơn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Hy vọng, vào thành phố Đà Nẵng trong dịp này, với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong nhiều năm công tác, tôi sẽ hỗ trợ được các đơn vị điều trị, phục vụ chăm sóc người bệnh; tham gia hoạt động sàng lọc ở những đơn vị y tế thực hiện nhiệm vụ theo dõi, cách ly người bệnh thuộc diện F1, F2”. Bác sĩ Trịnh Xuân Nam bày tỏ.
Còn Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Hữu Tuấn, Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu cách ly, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - tuyến đầu chống dịch của tỉnh ngay từ những ngày đầu xuất hiện ca bệnh mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam cho hay: Ngay khi thành phố Đà Nẵng bùng phát dịch, Việt Nam bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, tôi đã thấy những người thầy, người anh mình lao vào tâm dịch hỗ trợ, tăng cường cho Đà Nẵng. Tôi ngưỡng mộ và mong muốn cũng được vào cống hiến một phần sức lực như họ. Khi nhận được điện thoại của Ban Giám đốc Bệnh viện hỏi “Em có đi tăng cường cho Đà Nẵng được không, tôi tình nguyện xung phong đi ngay”.
Tôi xác định rõ: thành phố Đà Nẵng bây giờ là tung tâm của dịch, rất cần sự đóng góp sức lực của tất cả mọi người, của các nhân viên y tế. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng chính là một trường học lớn. Tôi muốn được vào tâm dịch để học tập, học hỏi thêm về hoạt động điều trị thực tế để rồi khi trở về được cống hiến, góp sức nhiều hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh nhà.
Khi được chọn tăng viện cho Tp.Đà Nẵng, gia đình rất ủng hộ và động viên tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì Đà Nẵng thân yêu. Tôi cũng không có gì lo lắng bởi đã hiểu về COVID-19, cơ chế lây nhiễm. Bản thân có sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền. Khi vào Đà Nẵng, chắc chắn tôi sẽ tuân thủ các biện pháp, chủ động phòng lây nhiễm và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Hy vọng rằng mình sẽ được hỗ trợ, tham gia điều trị bệnh nhân nặng phải thở máy, phải hồi sức cấp cứu.
“Đi tăng viện cho thành phố Đà Nẵng, hết dịch em sẽ về!” Đây là chia sẻ đầy trách nhiệm của Cử nhân xét nghiệm Hoàng Thị Lý, Khoa Hóa Sinh, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
“Thực ra không phải đến bây giờ mà từ đầu mùa dịch, y bác sĩ và nhân viên y tế trong bệnh viện chúng em đã đăng ký xung phong tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, đi bất cứ ở đâu và làm việc bất cứ thời gian nào khi được đơn vị, ngành y tế phân công yêu cầu. Bọn em suy nghĩ rất đơn giản: Mình đang còn trẻ, khỏe thì cần có ý thức cống hiến, hỗ trợ Đà Nẵng, tham gia chống dịch cùng mọi người.
Khi vào Đà Nẵng, em hy vọng sẽ được tham gia hỗ trợ lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện công tác xét nghiệm. Trước COVID-19, em không hề lo sợ bởi tin vào chuyên môn của mình cũng như bản thân sẽ được trang bị phòng hộ đầy đủ. Chắc chắn rằng em sẽ cố gắng hết sức để làm tốt nhiệm vụ.
Nhận thông báo từ bệnh viện được đi Đà Nẵng chống dịch em chưa gọi về báo với bố mẹ. Nhưng từ trước đó, em cũng nói qua dự định của mình và bố mẹ hoàn toàn ủng hộ việc này. Bố mẹ dặn “Con mà đi thì cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đi hăng hái, làm bình an, về thắng lợi. Về rồi mà kiếm người yêu”. Đi tăng viện lần này, hết dịch em sẽ về!
Còn đối với Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Khánh, Khoa Xét Nghiệm, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chia sẻ: Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 này, y bác sĩ chính là tấm khiên che chắn, mang lại bình yên cho người dân.
Khi Sở Y tế có công văn gửi Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cử bác sĩ, kỹ thuật viên tăng viện chống dịch COVID-19 cho Tp. Đà Nẵng, là một đảng viên, cán bộ y tế trẻ Nguyễn Văn Khánh đã liên lạc với Trưởng khoa Xét nghiệm đề đạt tình nguyện để tham gia.
“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tăng viện cho Tp.Đà Nẵng; càng hạnh phúc hơn khi được vợ và gia đình ủng hộ. Vợ tôi cũng là một cán bộ y tế đang công tác tại Bệnh viện Phổi Nghệ An. Bố thì là một đảng viên, cựu chiến binh. Bởi vậy, khi nghe được thông báo vào Đà Nẵng, mọi người đồng tình cao, động viên tôi lên đường “chống giặc” COVID-19.
Qua báo đài đưa thông tin, tôi xác định rõ tình hình dịch COVID - 19 ở Đà Nẵng hiện vẫn rất phức tạp, nhiều ca bệnh nặng, ca bệnh mới vẫn gia tăng hàng ngày. Tôi nghĩ rằng, khi vào vùng dịch, bản thân sẽ phát huy được chuyên môn của mình đó là thực hiện các xét nghiệm liên quan sinh hóa, các chỉ tiêu về chức năng của những bộ phân trong cơ thể như gan, thận... hỗ trợ điều trị. Bản thân sẽ cố gắng, nêu cao quyết tâm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 này, y bác sĩ chính là tấm khiên che chắn, mang lại bình yên cho người dân.
“Được hòa mình cuộc chiến chống COVID-19 của đất nước, đồng hành cùng Tp.Đà Nẵng, tôi cảm thấy hết sức vinh dự, tự hào”. Đây là chia sẻ đầy nhiệt huyết của Bác sĩ Lê Quang Đức, Khoa Xét Nghiệm, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Tham gia tăng viện cho Tp. Đà Nẵng chống dịch COVID-19, với tôi, đây chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi y bác sĩ. Trên trận tuyến chống lại dịch bệnh, mỗi người có một thiên chức riêng, song với y bác sĩ đó là nhiệm vụ đi đầu, xông pha vào trận tuyến. Được hòa mình vào sự nghiệp chung của đất nước, đồng hành cùng Tp.Đà Nẵng có lẽ không chỉ riêng bản thân mà bất cứ ai cũng cảm thấy vinh dự, tự hào.
Chúng tôi đi tăng viện cho Đà Nẵng đợt này đều mang trong mình tư tưởng quyết thắng đại dịch, xác định rõ hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng này thì mới về. Mong muốn rằng, sau chúng tôi sẽ có thêm những cán bộ y tế khác tiếp tục sẵn sàng lên đường chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch, phục vụ, điều trị COVID-19 ở các bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng nói riêng cũng như phòng chống dịch bệnh trên mọi miền tổ quốc nói chung.
Trước đó ngày 14/8, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 3080/SYT-TCCB đề nghị Sở Y tế Nghệ An hỗ trợ cử 16 cán bộ y tế (6 bác sỹ và 10 KTV) vào Đà Nẵng để tham gia hỗ trợ các bệnh viện dã chiến của TP Đà Nẵng. Ngay trong đêm 14/8, Sở Y tế Nghệ An đã có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến chỉ đạo.
Sáng 15/8/2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Tiến sỹ Bùi Đình Long đã ký công văn số 5436/UBND-VX đồng ý cử 16 nhân viên y tế gồm: (2 Bác sỹ hồi sức cấp cứu; 2 BS truyền nhiễm; 2 BS xét nghiệm;03 Kỹ thuật viên (KTV) huyết học;04 KTV sinh hóa; 03 KTV vi sinh) tăng viện, hỗ trợ, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến ở thành phố Đà Nẵng.
Dự kiến sáng 20/8, đoàn cán bộ 16 y bác sĩ của Nghệ An sẽ lên đường vào tăng viện “chia lửa” cùng Đà Nẵng./.