Khi nào có thể vận hành đường sắt Nhổn – ga Hà Nội?

07-12-2023 15:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Giám đốc BQL đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho hay, dự kiến trong quý II/2024 có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa tuyến vào khai thác thương mại.

Tại phiên chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14 của HĐND TP. Hà Nội ngày 7/12, nhiều đại biểu đã tập trung chất vấn liên quan đến lĩnh vực giao thông, hạ tầng giao thông.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Luyến (Tổ Đan Phượng) nêu hiện trạng dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội sau nhiều lần điều chỉnh, quá trình triển khai thi công gặp nhiều khó khăn thì hiện tiến độ triển khai chậm, cầm chừng, rào chắn lòng lề đường đang gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân. 

Ông Nguyễn Văn Luyến chất vấn, với tiến độ và khó khăn nêu trên, BQL dự án đường sắt đô thị Hà Nội có giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ dự án để về đích đúng cam kết?

Trả lời chất vấn, Giám đốc BQL đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, sau nhiều nỗ lực, cố gắng cùng các chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt, việc thành phố ứng khoảng 700 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả, đơn vị tư vấn đã quay trở lại vào đầu tháng 11/2023 và lập lại kế hoạch thực hiện đoạn trên cao của dự án.

Giải quyết hết vướng mắc đưa đường sắt Nhổn – ga Hà Nội vận hành vào quý II/2024- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 14 của HĐND TP. Hà Nội. Ảnh: Viết Thành.

Cũng theo ông Minh, dự kiến trong quý II/2024 có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa tuyến vào khai thác thương mại. Đối với đoạn ngầm, hiện nay thì nhà thầu cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện "ba ca, bốn kíp" với tinh thần bảo đảm hoàn thành tiến độ dự án.

Đại biểu Lê Thu Hằng (Tổ Tây Hồ) chất vấn về Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên đã kéo dài rất lâu, cần bảo đảm theo đúng tiến độ thành phố giao đến hết năm 2024.

Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội Nguyễn Chí Cường thông tin, Dự án cầu vượt nút giao An Dương, đường Thanh Niên kết hợp với việc thay thế một phần đê đất sang đê bê tông được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 815 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1 thực hiện được áp dụng một số cơ chế đặc thù là được giao thầu toàn bộ các gói thầu, nên việc triển khai thi công nhanh hơn và đáp ứng được tiến độ dự án. Trong triển khai giai đoạn 2, do vướng các vấn đề về giải pháp kỹ thuật nên dự án bị chậm 1,5 năm. Tháng 6-2022, dự án đã bảo đảm các điều kiện khởi công. Đến nay, toàn bộ hệ thống tường chắn đê đã cơ bản hoàn thành, đơn vị thi công đang bắt đầu triển khai việc đào đê và thay thế phần đê đất.

Giải quyết hết vướng mắc đưa đường sắt Nhổn – ga Hà Nội vận hành vào quý II/2024- Ảnh 2.

Đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo tiến độ được giao, đến hết năm 2024, mới kết thúc thời gian thực hiện. Tuy nhiên, thành phố đã yêu cầu rút ngắn tiến độ 6 tháng. Nhà thầu cũng đã cam kết sẽ khắc phục khó khăn, đặc biệt, khi giá vật tư đang tăng rất cao để quyết tâm triển khai thực hiện theo tiến độ rút ngắn.

"Hiện, dự án đang được triển khai thi công 3 ca liên tục. Ban cam kết từ nay cho đến Tết Nguyên đán 2024, sẽ hoàn thành khoảng 1km, gồm 300m từ khách sạn Thắng Lợi đến Xuân Diệu và 700m từ đường Lạc Long Quân đến Nhật Tân", ông Nguyễn Chí Cường nêu.

Trước đó, Thường trực HĐND thành phố phản ánh tình trạng giao thông đô thị trên địa bàn qua đợt giám sát tháng 11, 12. Trong đó, việc chậm triển khai quy hoạch giao thông, thiếu bãi đỗ xe; tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm chưa hiệu quả…

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20%-26%. Nhưng thực tế hiện nay tỷ lệ này mới đạt khoảng trên 12,1%. Quy hoạch mục tiêu diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3%-4%, nhưng tỷ lệ này hiện chưa đến 1%. Quy hoạch tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt từ 50%-55%, hiện nay mới đạt khoảng 19%.

Đường sắt đô thị quy hoạch 10 tuyến với 413km, hiện nay kết quả mới thực hiện được 2 đoạn tuyến với 27km, đạt khoảng 6,5% quy hoạch. Hệ thống xe buýt nhanh quy hoạch 11 tuyến với 316km, hiện nay mới thực hiện được 1 tuyến Cát Linh - Yên Nghĩa với 14km, đạt 4,4% quy hoạch.

Theo ghi nhận thực tế của HĐND thành phố, nhiều dự án giao thông, tuyến vành đai, đường xuyên tâm trên địa bàn thành phố chậm triển khai theo quy hoạch.

Hà Nội xin lùi thời gian báo cáo Thủ tướng liên quan đến việc đấu giá 3 mỏ cát cao bất thườngHà Nội xin lùi thời gian báo cáo Thủ tướng liên quan đến việc đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường

SKĐS - Ông Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, ngày 29/11 Hà Nội có văn bản báo cáo tình hình kết quả thực hiện và kiến nghị Thủ tướng cho phép đến ngày 15/12 báo cáo cụ thể về vụ đấu giá 3 mỏ cát có giá cao bất thường.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn