Hà Nội

Khi nào có thể tẩy giun cho trẻ?

09-06-2023 10:15 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm giun đường ruột nhất. Ở nước ta có tới 70 - 80% trẻ bị nhiễm giun đường ruột. Lý do là trẻ rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh, trẻ hay nghịch đất cát, mút tay bẩn, nằm ở sàn nhà… khiến dễ bị nhiễm các loại giun, sán.

Cách tẩy giun an toàn hiệu quả cho trẻ emCách tẩy giun an toàn hiệu quả cho trẻ em

SKĐS - Nhiễm giun nếu không được xử trí sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn. Cách đơn giản nhất là tẩy giun định kỳ cho cả gia đình.

Nhiều cha mẹ có con nhỏ thường băn khoăn không biết nên tẩy giun cho trẻ khi nào, trẻ hơn 1 tuổi có thể tẩy giun được chưa?

Tác hại khi trẻ bị nhiễm giun

Ở Việt Nam thường gặp các loại giun đường ruột như: Giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris Trichiura) và giun móc (Ancylostoma Duodenale/Necator Americanus). Đối tượng thường hay bị nhiễm giun là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non, đặc biệt ở một số nơi trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi đã có thể bị nhiễm giun.

Trẻ em ở các nước đang phát triển, các nước vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam thường mắc nhiều loại giun với cường độ nhiễm rất cao và nhiễm phối hợp hai hoặc ba, bốn loại giun.

Trẻ bị nhiễm giun là do ăn phải trứng giun có trong thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc qua bàn tay bẩn, ấu trùng giun xâm nhập qua da. Đối với một số loại giun như giun móc, ấu trùng giun sẽ xâm nhập cơ thể qua da hay niêm mạc do tiếp xúc với đất bẩn.

Khi vào cơ thể, giun gây ra nhiều tác hại và hút chất dinh dưỡng, làm cho trẻ dễ bị tổn thương về sức khỏe. Những tác hại có thể gặp khi nhiễm giun như: Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu, chậm lớn... sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả về trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động, gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa gây viêm, giun chui ống mật, có thể gây tử vong.

Khi nào có thể tẩy giun cho trẻ? - Ảnh 2.

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm giun đường ruột nhất. Ảnh minh hoạ.

Trẻ bị nhiễm giun sán có những dấu hiệu gì?

Khi bị nhiễm giun, ngoài các dấu hiệu như lâm râm đau bụng, chướng bụng, trẻ có thể mất cảm giác ngon miệng. Nhiễm giun nặng còn gây thiếu máu, mệt mỏi, buồn nôn và ói mửa, trẻ sẽ biếng ăn, giảm cân, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

- Giun kim cư trú ở ruột già

Nhiễm giun kim thường hay gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây ngứa xung quanh vùng hậu môn. Giun cái chui ra trong đêm và đẻ trứng gần hậu môn gây ngứa sẽ làm trẻ khó ngủ, đi tiểu có thể bị đau, trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, đôi khi có lẫn máu và chất nhầy. Do ngứa nên trẻ gãi nhiều, làm hậu môn xây xát rất dễ nhiễm khuẩn. Có thể phát hiện thấy giun kim ở hậu môn vào buổi tối khi trẻ bị ngứa.

- Giun đũa thường cư trú ở ruột non

Trẻ bị nhiễm giun đũa hay đau bụng quanh rốn, có thể bị tiêu chảy, nôn ra giun, đi ngoài ra giun. Khi bị nhiễm nặng có thể gây tắc ruột, viêm ruột thừa. Sốt và ho khan, có thể phát hiện trong vòng 4 - 16 ngày sau khi tiếp xúc với trứng giun.

- Giun tóc cư trú ở ruột già

Khi nhiễm nhiều giun tóc thì mới có biểu hiện rõ các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Nếu nhiễm nặng sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột già, gây hội chứng lỵ. Trẻ sẽ bị đau bụng, mót rặn, đi ngoài nhiều lần, phân ít, có chất nhầy lẫn máu, nặng hơn có thể gây trĩ, sa trực tràng.

- Giun móc cư trú ở đoạn trên ruột non

Miệng bám vào niêm mạc ruột để hút máu, trung bình một con giun móc có thể hút 0,2 ml máu/ngày. Đường lây nhiễm giun móc do ấu trùng chui qua da hoặc đường miệng sau khi ăn phải ấu trùng từ rau sống, tay bẩn, đất cát... Nhiễm giun móc hay gặp ở trẻ lớn, sống ở vùng nông thôn, do tiếp xúc nhiều với đất, cát và phân bón… Tại chỗ ấu trùng chui qua da, có nốt hồng ban dị ứng hoặc các mụn nhỏ.

Ở giai đoạn ấu trùng qua phổi thì sẽ xuất hiện ho, ngứa họng, viêm họng. Trẻ nhiễm giun móc thường mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn đau âm ỉ, đau cả lúc no, lúc đói, táo bón, đi ngoài phân đen, chóng mặt, ù tai, da xanh, thiếu máu. Nếu điều trị không kịp thời, trẻ có thể bị thiếu máu nặng, sẽ rất nguy hiểm.

Nhìn chung nếu thấy trẻ gầy yếu, da xanh, hay bị đau bụng, ngứa hậu môn, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, ăn uống khó tiêu, bụng chướng, chậm lớn… cần phải cho trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Khi nào có thể tẩy giun cho trẻ? - Ảnh 3.

Mặc dù không có triệu chứng thì cha mẹ vẫn có thể tẩy giun định kỳ cho trẻ. Ảnh minh hoạ.

Khi nào có thể tẩy giun cho trẻ?

Mặc dù không có triệu chứng thì cha mẹ vẫn có thể tẩy giun định kỳ cho trẻ. Vì nước ta thuộc khí hậu nhiệt đới, môi trường thuận lợi cho giun phát triển, nên có tỉ lệ nhiễm giun cao. Trong đó, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao vì thường hiếu động, nghịch ngợm, hay cầm nắm mọi thứ nhiễm bẩn.

Việc tẩy giun định kỳ tại cộng đồng được khuyến cáo với trẻ trên 2 tuổi, cần tẩy giun định kì từ 6 tháng đến 1 năm. Hoặc khi trẻ đủ 12 tháng tuổi là bắt đầu tẩy giun, nếu sớm hơn thì cần có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám trước khi tẩy giun.

Bốn loại thuốc tẩy giun được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng cho trẻ em là Albendazol, Mebendazol, Pyrantel Embonate và Levamisole. Trong đó, Mebendazol và Albendazol được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Liều lượng thuốc phụ thuộc vào từng độ tuổi:

- Với trẻ em từ 12 tháng đến dưới 24 tháng tuổi: Dùng một liều duy nhất Albendazol 200mg hoặc Mebendazole 500mg.

- Với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: Dùng một liều duy nhất Albendazol 400mg hoặc Mebendazole 500mg.

Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không phụ thuộc vào bữa ăn. Với trẻ em khó nuốt trọn viên thuốc, có thể nghiền nhỏ viên thuốc, hoặc nhai và nuốt với một ít nước đun sôi để nguội.

Lưu ý, trẻ có thể đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, nổi ban, mề đay, khó thở, sốc phản vệ (hiếm). Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi 48 giờ sau khi trẻ uống thuốc tẩy giun, đồng thời chụp lại ảnh loại thuốc tẩy giun đã dùng (vỏ hộp thuốc) để cho bác sĩ xem khi cần đến.

Để phòng ngừa việc tái nhiễm giun, cha mẹ cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ như:

  • Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay chơi đùa, tiếp xúc với đất;
  • Luôn cắt móng tay sạch sẽ, bỏ thói quen mút tay;
  • Luôn cho trẻ đi giày dép, không đi chân đất; thực hiện ăn chín uống sôi…
  • Vệ sinh nhà cửa cũng như các dụng cụ đồ chơi sạch sẽ sau mỗi khi trẻ chơi.

Mời độc giả xem thêm video:

Giun Sán: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị Phòng Ngừa | SKĐS

BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn