1. Tác dụng của methadone
Methadone là một loại thuốc thay thế điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện như heroin. Việc uống methadone giúp: Giảm nguy cơ lây lan HIV/AIDS khi sử dụng bằng đường uống thay vì tiêm chích và tạo ra "hội chứng cai thuốc" nhẹ hơn, giúp người nghiện dễ chấp nhận quá trình cai nghiện.
Methadone không gây hưng phấn khi sử dụng đúng mục đích và có thể giảm tác dụng hưng phấn của các loại thuốc phiện khác. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp chữa khỏi chứng nghiện thuốc phiện và người sử dụng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để giảm nguy cơ lạm dụng và phụ thuộc thuốc.
Methadone giải quyết được vấn đề lệ thuộc ma túy. Bệnh nhân có thể giảm/mất hoàn toàn hội chứng cai: Không còn ngáp, vã mồ hôi, nóng lạnh, mệt mỏi, đau xương khớp, mất ngủ, dòi bò trong xương, không còn bồn chồn, lo lắng…
2. Khi nào có thể ngừng dùng methadone?
Thông thường, cần 2 - 4 tuần mới mất hẳn cơn thèm ma túy. Liều methadone sẽ được tăng dần đến khi nào bệnh nhân mất hoàn toàn hội chứng cai, không còn thèm nhớ, giấc ngủ trở lại bình thường, không giật mình, không còn nằm mơ đi tiêm chích, không ác mộng thì được duy trì ở liều điều trị ổn định.
Thời gian điều trị liều ổn định kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào thời gian sử dụng và độ dung nạp của người bệnh. Sau một thời gian điều trị methadone, ít nhất là 1 năm, nếu người bệnh đã ổn định và mong muốn ngừng điều trị, có thể ngừng điều trị.
Lưu ý, để ngừng điều trị methadone, cần giảm liều từ từ, tránh ngừng đột ngột vì có thể gây ra các triệu chứng cai nghiện nghiêm trọng, đôi khi đòi hỏi sự chăm sóc y tế đặc biệt.
Việc giảm dần methadone có thể dẫn đến tình trạng cai thuốc nhẹ, bao gồm: Đau bụng, lo lắng, thèm ăn, trầm cảm, tiêu chảy, mệt mỏi, sốt, nổi da gà, tăng nhịp tim, đau cơ, chuột rút, buồn nôn, sổ mũi, run rẩy, đổ mồ hôi, khó ngủ, nôn, chảy nước mắt, ngáp… Những triệu chứng này có thể khoảng nửa tháng, sau đó giảm dần.
2.1. Quy trình giảm liều
- Mỗi lần giảm liều phải cách nhau ít nhất 2 tuần.
- Liều methadone giảm tối đa trong 1 lần không vượt quá 10% liều đang sử dụng.
- Lượng methadone giảm đi mỗi lần càng thấp, thời gian giảm liều càng dài thì hiệu quả thành công càng cao và giúp giảm nguy cơ tái nghiện.
- Khi liều methadone giảm tới 20mg/ngày là giai đoạn khó khăn nhất đối với người bệnh do đó tốc độ giảm liều cần phải chậm hơn.
Lưu ý: Trong quá trình giảm liều, nếu người bệnh gặp phải những khó khăn không thể thích ứng được, có thể xem xét lại liều điều trị methadone cho bệnh nhân:
- Tăng liều methadone điều trị cho bệnh nhân đến khi đạt liều phù hợp.
- Giữ nguyên liều methadone đang điều trị và theo dõi đến khi bệnh nhân sẵn sàng tiếp tục giảm liều.
2.2. Ngừng điều trị tự nguyện
Sau một thời gian giảm liều, có thể ngừng hoàn toàn methadone. Tuy nhiên cần thực hiện các chăm sóc y tế và hỗ trợ tâm lý xã hội ít nhất trong 06 tháng sau khi ngừng điều trị methadone.
2.3. Ngừng điều trị bắt buộc
- Khi người bệnh xuất hiện các tình huống chống chỉ định với thuốc methadone (hiếm gặp).
- Người bệnh không tuân thủ quy định chuyên môn của cơ sở điều trị, vi phạm nội quy của cơ sở điều trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của nhân viên y tế, an ninh tại cơ sở điều trị (đánh nhau, ăn cắp, buôn bán và sử dụng ma túy tại cơ sở điều trị, gây gổ và hành hung nhân viên công tác tại cơ sở điều trị).
2.4. Điều trị lại
Một số người bệnh khi ngừng điều trị methadone có thể tăng thèm nhớ và có nguy cơ sử dụng lại heroin. Đối với những người bệnh này cần được điều trị lại methadone càng sớm càng tốt, trong một số trường hợp việc điều trị lại có thể tiến hành khi họ chưa sử dụng lại heroin.
Quy trình điều trị lại thực hiện như điều trị cho người bệnh mới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm tuổi thanh thiếu niên.