Khi nào cơ sở khám chữa bệnh bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động?

07-12-2023 05:51 | Y tế

SKĐS - Nếu để xảy ra sự cố y khoa, cơ sở khám chữa bệnh có thể bị đình chỉ một phần hoặc toàn hộ hoạt động. Thời gian đình chỉ tối đa lên đến 2 năm.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnhCác hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

SKĐS - Trong Điều 7 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 quy định nghiêm ngặt về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Theo quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động trong các trường hợp sau đây: Hoạt động để xảy ra sự cố y khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến mức phải đình chỉ hoạt động hoặc không đảm bảo các quy định liên quan đến điều kiện hoạt động và giấy phép hoạt động.

Việc đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thời hạn đình chỉ phải căn cứ vào nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả của sự cố y khoa hoặc phần điều kiện hoạt động không còn bảo đảm. Thời gian đình chỉ hoạt động sẽ từ 1 tháng đến 24 tháng.

Khi nào thì cơ sở khám chữa bệnh bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động?- Ảnh 2.

Tùy theo nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả của sự cố y khoa mà 1 cơ sở khám chữa bệnh có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 2 năm.

Trong thời hạn bị đình chỉ hoạt động, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã hoàn thành việc khắc phục đầy đủ các nội dung yêu cầu tại văn bản đình chỉ, cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trở lại.

Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động trong trường hợp: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động không đúng quy định; Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có sai sót thông tin.

Ngoài ra, nếu sau 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không hoạt động, tạm dừng hoạt động trong 24 tháng liên tục hoặc đã chấm dứt hoạt động cũng sẽ bị thu hồi giấy phép.

Đặc biệt, trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc không hoàn thành việc khắc phục thiệt hại sau thời gian bị đình chỉ cũng sẽ ngay lập tức bị thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Khi nào thì cơ sở khám chữa bệnh bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động?- Ảnh 3.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu không hoạt động trong 1 khoảng thời gian nhất định theo quy định sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Theo Điều 49 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, điều kiện tối thiểu để 1 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể hoạt động là được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động (bên cạnh đó còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cơ bản trong quá trình hoạt động).

Theo đó, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thêm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa điểm khác thì mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một giấy phép hoạt động riêng.

Nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm các thông tin cơ bản sau đây: Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Hình thức tổ chức; Địa chỉ hoạt động; Phạm vi hoạt động chuyên môn; Thời gian làm việc hằng ngày.

Trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh đề nghị cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động mà phải cấp mới, cấp lại, điều chỉnh.

Để được cấp mới giấy phép hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thuộc trường hợp lần đầu đề nghị cấp giấy phép hoặc bị thu hồi giấy phép và đề nghị cấp mới. Ngoài ra, nếu cơ sở khám chữa bệnh thay đổi hình thức tổ chức hoặc địa điểm thì có quyền xin cấp mới giấy phép.

Trong khi đó, để được cấp lại giấy phép hoạt động, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thuộc các trường hợp sau: Giấy phép hoạt động bị mất; Giấy phép hoạt động bị hư hỏng; Giấy phép hoạt động có sai sót thông tin.

Nếu cơ sở khám chữa bệnh có sự thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, quy mô hoạt động; thời gian làm việc; địa điểm (nhưng không đổi tên, địa chỉ) hoặc hết thời hạn đình chỉ mà không hoàn thành việc khắc phục đầy đủ các nội dung yêu cầu có thể thực hiện điều chỉnh giấy phéo hoạt động.

Xem thêm video được quan tâm:

Những chính sách mới về BHYT có hiệu lực từ 1/2023 mà người dân cần biết.


Thành Long
Ý kiến của bạn