Khi nào chườm nóng - Khi nào chườm lạnh

26-12-2013 11:02 | Tin nóng y tế
google news

Chườm nóng hay chườm lạnh luôn là nỗi băn khoăn của nhiều người khi vướng bệnh. Nếu không hiểu đúng mà chườm sai thì không những không hỗ trợ chữa bệnh mà còn khiến bệnh nặng thêm.

Chườm nóng hay chườm lạnh luôn là nỗi băn khoăn của nhiều người khi vướng bệnh. Nếu không hiểu đúng mà chườm sai thì không những không hỗ trợ chữa bệnh mà còn khiến bệnh nặng thêm.

Nhiệt trị liệu là một phương pháp điều trị của vật lý trị liệu, trong đó sử dụng các tác nhân gây nhiệt để mang lại hiệu quả điều trị. Tùy theo nhiệt độ của tác nhân gây nhiệt, chia thành 2 loại: nhiệt nóng và nhiệt lạnh.

Chườm nhiệt nóng

Nhiệt nóng (có nhiệt độ từ trên 37oC đến khoảng 45-50oC) có tác dụng rất lớn đối với cơ thể con người. Chúng được biết đến với những tác dụng như: gây giãn động mạch nhỏ và mao mạch tại chỗ, có thể lan rộng ra một bộ phận hay toàn thân. Tác dụng giãn mạch làm tăng cường tuần hoàn, làm giảm co thắt, giảm đau tăng cường dinh dưỡng và chuyển hóa tại chỗ, từ đó có tác dụng giảm đau đối với các chứng đau mạn tính.

Với hệ thần kinh cơ, nhiệt nóng có tác dụng an thần điều hòa chức năng thần kinh, thư giãn cơ co thắt, điều hòa thần kinh thực vật. Do đó có tác dụng tốt với các chứng đau mạn tính gây co cơ. Mức độ giảm đau của điều trị nhiệt phụ thuộc vào loại đau và nguyên nhân đau. Tác dụng giảm đau do các cơ chế: Do tăng cường tuần hoàn tại chỗ làm nhanh chóng hấp thu các chất trung gian hóa học gây đau như bradykinin, prostaglandin...


	Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dùng nhiệt trong điều trị bệnh

Chườm nóng có tác dụng giãn mạch, làm tăng cường tuần hoàn, làm giảm co thắt, giảm đau,tăng cường dinh dưỡng và chuyển hóa tại chỗ.

Kích thích nhiệt nóng được dẫn truyền theo các sợi thần kinh to sẽ ức chế cảm giác đau được dẫn truyền theo các sợi thần kinh nhỏ. Do làm thư giãn cơ.

Hiện nay, nhiệt nóng được chỉ định sử dụng trong giảm đau, giảm co thắt cơ trong các chứng đau mạn tính như: đau thắt lưng, đau cổ vai cánh tay, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, đau khớp, đau cơ...; tăng cường dinh dưỡng tại chỗ trong các trường hợp vết thương, vết loét lâu liền, làm nhanh liền sẹo; làm giãn cơ để phục vụ các kỹ thuật trị liệu khác như xoa bóp, vận động...

Tuy nhiên, với các ổ viêm đã có mủ, viêm cấp, chấn thương mới đang sung huyết, các khối u ác tính, lao, vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, giãn tĩnh mạch da thì không dùng được phương pháp này.

Chườm nhiệt lạnh (thường dưới 15oC)

Có hai cách sử dụng nhiệt lạnh: - Nhiệt lạnh kéo dài sẽ có tác dụng làm các mạch máu nhỏ co lại dẫn đến tốc độ dòng máu chậm lại và giảm tuần hoàn tại chỗ, giảm chuyển hóa, giảm tiêu thụ ôxy, giảm tính thấm thành mạch và khả năng xuyên mạch của bạch cầu, giảm phù nề, giảm phản ứng viêm và đau cấp, giảm trương lực cơ. Vì vậy, điều trị bằng nhiệt lạnh có tác dụng làm giảm phù nề, giảm đau cấp.

Tác động nhiệt lạnh không liên tục (như chà xát đá) thì sự tác động lên vận mạch lúc đầu gây co mạch sau đó gây giãn mạch sung huyết làm tăng lưu lượng tuần hoàn, tăng tầm vận động khớp ở bệnh nhân co cứng khớp, giảm co giật cơ.

Nhiệt lạnh được chỉ định trong các chứng đau cấp như: đau ngay sau chấn thương, đau răng, đau đầu. Có tác dụng hạn chế xuất huyết, phù nề ; hạn chế viêm cấp; hạ thân nhiệt khi sốt cao; giảm đau trong một số trường hợp tổn thương thần kinh ngoại vi, đau co cứng cơ.

(TH)


Ý kiến của bạn