Học sinh nín thở chờ đợi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT
Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 là 2+2, tức là thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc Toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn tùy vào năng lực của học sinh. Nhiều giáo viên và học sinh đồng tình ủng hộ phương án này và mong được Chính phủ chấp thuận, vì vừa giúp giảm tải, vừa đi đúng hướng đánh giá khả năng của người học ở cấp THPT.
Dự kiến sẽ thi 4 môn thay vì 6 môn như hiện tại, tất cả học sinh lớp 11 đều cảm thấy vui mừng vì đồng nghĩa với đó là sẽ giảm áp lực ôn tập.
Trần Tùng Lâm (học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Trì, Phú Thọ) mong phương án 2+2 sẽ được lựa chọn. "Nếu phương án này được chọn thì số môn thi bắt buộc sẽ giảm thì áp lực thi cử của chúng em cũng giảm đi rất nhiều. Khi đó, chúng em sẽ có nhiều thời gian để ôn tập kỹ hơn cho kỳ thi và có thời gian để định hướng rõ ràng về nghề nghiệp sau này. Chúng em rất lo lắng và nín thở chờ đợi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn".
Ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng 4 môn, em Đặng Lê Ngọc Đại (Trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng phương án này vừa giảm áp lực thi cử cho học sinh, vừa giảm bớt chi phí cho gia đình, xã hội. "Học sinh được lựa chọn những môn phù hợp với mình nhất chứ không phải theo một khuôn mẫu nhất định".
Phương án thi 2+2 có thể đánh giá được toàn diện năng lực người học
Theo nhiều giáo viên, khi học sinh tốt nghiệp THCS và bước vào bậc học THPT, các em đã được lựa chọn các môn yêu thích, phù hợp với sở trường và đáp ứng ngành nghề mà các em chọn ở trường đại học. Thích học môn nào - chọn thi môn đó cũng là đi đúng định hướng chương trình mới.
Cô Nguyễn Dung (giáo viên Trường THPT Công nghiệp, Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, năm 2025, chương trình mới sẽ áp dụng đồng bộ ở tất cả các bậc học từ tiểu học đến THPT. Đây cũng là năm đầu tiên, học sinh bắt đầu tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục mới. "Về đề xuất phương án thi 2+2 của Bộ GD&ĐT có thể đánh giá được toàn diện năng lực người học. Khi học sinh được chọn 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại trong chương trình sẽ đảm bảo học sinh có năng khiếu, thiên hướng theo lĩnh vực nào có thể lựa chọn, định hướng nghề nghiệp và xét tuyển đại học.
Ai có thế mạnh về Khoa học tự nhiên có thể chọn thêm Vật lý và Hóa học. Ai có thế mạnh về Khoa học xã hội có thể chọn thi 2 môn Địa lý và Lịch sử. Với những em thích Ngoại Ngữ thì có thể thi môn lựa chọn là Tiếng Anh. Nếu được như vậy thì các em học sinh sẽ giảm bớt áp lực và kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi đều mong Chính phủ sớm chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi như đề xuất của Bộ GD&ĐT".
Cô Nguyễn Phương Liên (Hiệu trưởng Trường Liên cấp Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Mong Chính phủ sớm có quyết định cuối cùng về thi tốt nghiệp THPT 2025 càng sớm càng tốt để chúng tôi có phom đề chung và biết cách tổ chức ôn tập cho các con trong tương lai".
Theo NGND, PGS.TSKH Hồ Sĩ Đàm - nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên chương trình môn Tin học 2018, việc Bộ GD&ĐT công bố 4 môn thi trong số 11 môn học theo phương án 2 +2 là cơ sở để các trường đại học xây dựng mới, điều chỉnh cấu trúc mới và công bố sớm tất cả các tổ hợp tuyển sinh cho tất cả các ngành đào tạo là một việc hết sức cần thiết.
Điều này thiết thực tạo ra sự liên kết giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, tạo thành một hệ thống giáo dục hiệu quả từ phổ thông đến đại học, đặc biệt góp phần thực hiện chủ trương lớn về giáo dục định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông trung học.
Việc làm này giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội nhận thức đúng chủ trương và hiện thực hóa đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đây cũng nhằm hiện thực hóa chủ trương lớn là phát triển giáo dục phổ thông và đào tạo đại học phải là một hệ thống giáo dục xuyên suốt từ bậc phổ thông đến đại học mà trên thực tế nhiều năm nay chưa có cơ hội để làm được.
"Đây sẽ là một giải pháp mới, có tính đột phá rất ý nghĩa, có giá trị thiết thực, góp phần quan trọng cho quá trình nâng cao chất lượng việc dạy và học ở phổ thông, đồng thời tạo nguồn tuyển sinh có chất lượng tốt, cơ sở bền vững cho chất lượng đầu ra của các trường đại học cho nguồn nhân lực chất lượng cao".
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, chiều mai (29/11), Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Về phía Bộ GD&ĐT, chi phí mỗi buổi thi tốt nghiệp THPT là hơn 400 tỷ đồng, nên phương án thi 4 môn không chỉ giảm áp lực mà giảm cả chi phí. Theo Bộ GD&ĐT, đây là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối Khoa học Xã hội nhiều hơn Khoa học Tự nhiên như hiện nay.