Hà Nội

Khi nào cần xét nghiệm ký sinh trùng?

19-02-2021 10:15 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh do ký sinh trùng là một bệnh rất phổ biến, trong đó nhiễm ký sinh trùng đường ruột nói chung và giun, sán, đơn bào, nấm nói riêng là bệnh rất hay gặp.

Bệnh do ký sinh trùng nếu không được chữa kịp thời sẽ dẫn tới một số bệnh lý khác như: viêm phúc mạc, viêm ruột thừa, thiếu máu nhược sắc, giảm protein máu kèm theo rối loạn tim mạch... Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm ký sinh trùng kịp thời sẽ bảo vệ sức khỏe và giảm chi phí điều trị.

Nguyên nhân gây nhiễm ký sinh trùng

Điều kiện khí hậu Việt Nam thích hợp cho các loại ký sinh trùng phát triển, trong khi đó, các loại thức ăn nấu chưa chín như thịt bò, cá, thịt cua, ếch hay rau sống... là nguồn mang rất nhiều mầm bệnh giun sán. Các loại rau củ và trái cây chưa được rửa sạch, thịt tái, trứng ốp la còn sống... theo quan niệm của nhiều người thì đó là những thức ăn bổ dưỡng, nhưng thực ra nó chứa mầm bệnh giun sán rất cao.

Khi nào cần làm xét nghiệm?

Xét nghiệm ký sinh trùng là cách để chẩn đoán bệnh vi sinh - ký sinh trùng nhằm giúp người bệnh có kết quả chính xác nhất về tình trạng bệnh đang mắc phải. Thông thường, nhiều người cho rằng chẩn đoán bệnh ký sinh thường bằng cách xét nghiệm máu. Tuy nhiên lại không đơn giản như vậy. Để có thể biết được bệnh nhân có thực sự bị bệnh do ký sinh trùng hay không và tình trạng như thế nào thì bác sĩ sẽ chỉ định làm một số loại xét nghiệm khác nhau.

Với những người mắc bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, khi thấy có những nguy cơ mắc bệnh dù là dấu hiệu nhỏ nhất, cũng nên đi xét nghiệm ký sinh trùng để chắc chắn mình có bị bệnh hay không. Đồng thời qua đó có biện pháp xử lý hiệu quả, kịp thời.

Khi nào cần xét nghiệm ký sinh trùng?Nhiễm ký sinh trùng có thể dẫn tới viêm  phúc mạc.

Một số biểu hiện của bệnh do ký sinh trùng: Người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu và dị ứng ngoài da; đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày; táo bón hoặc tiêu chảy, có thể tiêu chảy kèm máu; đầy bụng khó tiêu; buồn nôn, nôn; chán ăn, tắc ruột ở trẻ nhỏ do lòng ruột bị tắc vì chứa quá nhiều giun; đau bụng dưới, đau thượng vị, đau quanh rốn; dị ứng (phát ban, nổi mề đay); thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi); ảnh hưởng thần kinh (kém tập trung, giảm trí nhớ, lo âu); trẻ em có một số triệu chứng như: nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học kém...

Một số phương pháp xét nghiệm ký sinh trùng

Để xác định bệnh, thông thường sẽ có 2 phương pháp là: chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán xét nghiệm.

Chẩn đoán lâm sàng: Thông qua các biểu hiện của cơ thể để bác sĩ chẩn đoán, tuy nhiên, người bị nhiễm ký sinh trùng lại chưa có những triệu chứng rõ ràng, cụ thể. Thậm chí có những trường hợp còn giống với các bệnh khác cho nên việc chẩn đoán lâm sàng thường gặp nhiều khó khăn và chưa khẳng định được chắc chắn. Để có thể chắc chắn bệnh thì cần thực hiện xét nghiệm ký sinh trùng.

Chẩn đoán xét nghiệm: Qua bước khám lâm sàng để bổ sung và khẳng định kết quả chính xác thì phương pháp xét nghiệm rất cần thiết. Thông qua các xét nghiệm trong một số loại bệnh phẩm có thể phát hiện được ký sinh trùng như: Soi trên lam máu tế bào ngoại vi có thể phát hiện được các loại ký sinh trùng trong máu (nếu có) như: ký sinh trùng sốt rét, giun chỉ bạch huyết...Xét nghiệm miễn dịch huyết thanh trong máu. Soi phân của người bệnh để tìm ra các sinh vật đơn bào, ấu trùng giun lươn, giun sán. Xét nghiệm mô bệnh học: sinh thiết có thể phát hiện được một số ký sinh trùng như nhóm sán dây lợn, sán dây bò... Xét nghiệm soi tươi hoặc PCR có thể phát hiện được một số loại ký sinh trùng trong các một số loại bệnh phẩm như: dịch sinh học, chất thải, dịch mủ, chất nôn... Xét nghiệm soi tươi từ tế bào sừng (móng, vảy da...). Xét nghiệm vật chủ trung gian gây bệnh. Qua thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày có thể sẽ là nguồn trung gian gây bệnh như tôm, cá, cua, ruồi, rau, đất, nước... Ngoài ra còn một số xét nghiệm khác hỗ trợ rất tốt trong việc chẩn đoán bệnh ký sinh trùng như: xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để kiểm tra bạch cầu ái toan tăng cao hay không, men gan, tổng phân tích nước tiểu...


BS. Thanh Sang
Ý kiến của bạn