Khi nào cần tầm soát polyp đại tràng?

11-07-2023 16:12 | Ung thư

SKĐS - Polyp đại tràng là sự tăng sinh của khối u xuất phát từ các tế bào nội mô lót bên trong lòng đại tràng. Đây là bệnh lý rất thường gặp, có một tỷ lệ nhỏ biến đổi thành ung thư đại tràng sau một thời gian dài làm cho rất nhiều người lo lắng. Vậy khi nào cần tầm soát polyp đại tràng?

Vai trò tầm soát polyp đại tràng

Đại tràng là nơi phân hủy thức ăn nên rất dễ sinh ra các vi khuẩn gây bệnh và xuất hiện các polyp. Vì vậy polyp đại tràng là một dạng tổn thương niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh hình thành lên các cục giống như một khối u nhưng không phải là khối u, nó có cuống hoặc không có cuống.

Các khối polyp này có thể lành tính hoặc ác tính phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u trong đại tràng. Trong trường hợp để lâu, polyp lớn, nguy cơ ung thư hoặc tiền ung thư đại tràng là rất cao.

Theo phân loại kích thước:

  • Polyp nhỏ: kích thước dưới 5mm
  • Polyp vừa: kích thước từ 5-10 mm
  • Polyp lớn: kích thước > 10mm, càng to, nguy cơ ung thư càng cao

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ung thư đại tràng xuất phát từ polyp đại tràng chiếm tới 85%. Chính vì vậy, việc tầm soát polyp đại tràng đóng vai trò quan trọng để tầm soát ung thư đại tràng.

Khi nào cần tầm soát polyp đại tràng và các phương pháp cần biết - Ảnh 1.

Hầu hết các polyp là lành tính, chỉ một số ít polyp đặc biệt mới có nguy cơ chuyển dạng thành ung thư và trong 1 khoảng thời gian dài từ 5-10 năm.

Cần khám tầm soát khi có các triệu chứng:

  • Xuất hiện đại tiện phân nhầy máu
  • Hay đau bụng, đầy bụng, khó tiêu
  • Xuất hiện rối loạn đại tiện: táo bón, tiêu chảy trên 1 tuần
  • Đại tiện có thay đổi màu sắc phân
  • Có biểu hiện thiếu máu chưa tìm được nguyên nhân

Đối với người dù không có triệu chứng nào cũng cần tầm soát polyp đại tràng khi:

  • Người có tuổi > 50.
  • Người có yếu tố nguy cơ: hút thuốc, nghiện rượu, thừa cân béo phì, đái tháo đường type 2.
  • Người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư đại tràng, polyp đại tràng, bị khối u khác như ung thư buồng trứng, ung thư tử cung trước 50 tuổi.
  • Người có bệnh lý polyp di truyền: hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình, hội chứng Peutz – Jeghers. Hội chứng đa polyp tuổi thiếu niên…

Các phương pháp tầm soát polyp đại tràng cần biết

- Nội soi đại trực tràng: Đây là phương pháp chính xác, hiệu quả và tối ưu để phát hiện và can thiệp điều trị cắt polyp, với những trường hợp polyp quá to > 3cm, nội soi giúp định vị polyp và giúp ích các can thiệp khác như phẫu thuật nội soi hay mổ mở.

Khi nào cần tầm soát polyp đại tràng và các phương pháp cần biết - Ảnh 2.

Nội soi đại trực tràng: Đây là phương pháp chính xác, hiệu quả và tối ưu để phát hiện và can thiệp điều trị cắt polyp.

- Chụp X-quang đại tràng cản quang: Ngày nay ít được sử dụng.

- Chụp CT dựng hình đại tràng ảo: Đây là phương pháp không xâm lấn, nhưng để khẳng định và can thiệp vẫn phải chuyển qua nội soi đại trực tràng.

- Xét nghiệm tìm máu trong phân: Đây là phương pháp tầm soát polyp đại tràng cũng như ung thư đại tràng rất tốt, chi phí thấp, dễ thực hiện, có thể tầm soát cho một cộng đồng lớn, khi có máu trong phân, chỉ định nội soi đại trực tràng hoặc đường tiêu hóa trên sẽ được đưa ra.

Điều trị polyp đại tràng như nào?

Khi có polyp đại tràng nhiều người lo lắng sẽ tiến triển thành ung thư và đây là mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, bản thân từ polyp nghĩa là bướu thịt lành tính. Hầu hết các polyp là lành tính, chỉ một số ít polyp đặc biệt mới có nguy cơ chuyển dạng thành ung thư và trong 1 khoảng thời gian dài từ 5-10 năm.

Khi mắc polyp đại tràng các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sau.

- Nội soi đại tràng cắt polyp: Đây là phương pháp tối ưu, lựa chọn đầu tay với 1 loạt ưu điểm vượt trội mà không phương pháp nào có thể so sánh được như: can thiệp không xâm lấn, không đau, rất ít biến chứng, sau thủ thuật bệnh nhân có thể quay về cuộc sống hàng ngày mà không phải kiêng khem, hay áp dụng chế độ nào và có thể áp dụng với phần lớn các polyp đại tràng.

- Phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt polyp: Áp dụng với trường hợp polyp quá to, được đánh dấu qua nội soi đại tràng vị trí polyp, hoặc chủ động cắt qua nội soi đại tràng chấp nhận nguy cơ thủng, sau đó phẫu thuật nội soi ổ bụng vá lỗ thủng

- Phẫu thuật cắt đoạn ruột: Với những trường hợp đặc biệt có nhiều polyp lớn trong đại tràng có nguy cơ tắc ruột, hoặc nguy cơ ung thư.

Tóm lại: Khi nói đến nội soi đại tràng rất nhiều người lo lắng, không những vậy, việc tầm soát nội soi đại tràng sau khi cắt polyp cũng khá phức tạp, gây ra nhiều lo lắng cho người bệnh.

Thực tế, hầu hết các trường hợp có đau bụng ở những đoạn đại tràng gập góc khi đưa dây soi qua. Tuy nhiên, mức đau không nhiều và khi dây soi qua được các đoạn gập góc, cảm giác đau sẽ hết.

Cần nhấn mạnh rằng, cắt polyp qua nội soi hoàn toàn không đau. Một số ít đại tràng giãn, xoắn hoặc gập góc, nhất là các trường hợp sau can thiệp phẫu thuật vùng bụng. thì sẽ đau nhiều. Các trường hợp này nên lựa chọn nội soi gây mê. Nếu người bệnh quá lo lắng, sợ hãi, cũng có thể lựa chọn nội soi đại tràng gây mê. Người bệnh sẽ không hề bị đau, chỉ ngủ một giấc ngắn, thức dậy là cuộc soi đã hoàn thành.

Polyp đại tràng và các yếu tố nguy cơ gây bệnhPolyp đại tràng và các yếu tố nguy cơ gây bệnh

SKĐS - Polyp đại tràng là tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có loại có cuống hoặc không cuống. Đa phần polyp là lành tính nhưng một số có khả năng tiến triển thành ác tính - ung thư.

Dự báo trong 10 ngày tới: Bắc Bộ Có Xu Hướng Hạ Nhiệt, Nắng Nóng Dần Chấm Dứt | SKĐS

BS. Nguyễn Thị Bích Hạnh
Ý kiến của bạn