Hà Nội

Khi nào cần nuốt nguyên viên thuốc?

06-10-2009 09:45 | Dược
google news

Viatril-S với hoạt chất chính là glucosamin được chỉ định điều trị các bệnh thoái hóa xương khớp, thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát như thoái khớp gối, khớp háng, cột sống, khớp vai, viêm quanh khớp, loãng xương, gãy xương teo khớp, viêm khớp mạn và cấp.

Năm nay tôi 66 tuổi, bị thoái hóa các khớp và loãng xương nên thường xuyên phải uống viatril-S. Cứ cách 4 tháng tôi lại uống 3 lọ (mỗi lọ 80 viên), mỗi ngày uống 4 viên trước bữa ăn 15 phút theo chỉ định của bác sĩ. Xin hỏi tôi có thể mở viên nhộng lấy bột bên trong uống và vứt vỏ đi có được không? Nếu uống cả vỏ (viên nang) kéo dài như vậy có ảnh hưởng gì không?

           Nguyễn Thị Thìn (Hà Nội)

Viatril-S với hoạt chất chính là glucosamin được chỉ định điều trị các bệnh thoái hóa xương khớp, thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát như thoái khớp gối, khớp háng, cột sống, khớp vai, viêm quanh khớp, loãng xương, gãy xương teo khớp, viêm khớp mạn và cấp. Như vậy, thuốc của bác đang uống đã được bác sĩ chỉ định rất đúng. Bác cứ yên tâm dùng thuốc và tuân thủ theo đúng chỉ dẫn trên.

Khi uống thuốc viên cần phải nuốt nguyên viên thuốc không nên mở viên nhộng ra lấy bột bên trong để uống. Tình trạng này sẽ gây hao hụt dược chất, đôi khi còn làm hỏng mục đích điều trị. Thực tế, khi nghiên cứu một dạng thuốc nào đó các nhà dược học đã có những nghiên cứu, tính toán liều, đưa thuốc theo ý muốn đến nơi cần tác dụng (giải phóng hoạt chất) để tránh các tương tác ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc, tránh kích ứng. Đôi khi còn để che lấp mùi vị khó chịu của thuốc nữa...

Như vậy nếu bệnh nhân ngại uống, có thể dùng dạng thuốc tiêm (tác dụng nhanh, ít hao hụt, nhưng không tiện sử dụng). Nếu ngại uống viên nang, có thể dùng dạng bột gói (tan nhanh, nhưng dễ bị hao hụt, có mùi vị...). Thành phần chủ yếu nguyên liệu làm ra vỏ nang là gelatin, không ảnh hưởng gì, không gây độc với cơ thể, thải trừ bình thường, không có tích lũy. Tuy nhiên, ngoài dùng thuốc (hóa trị liệu) bác nên phối hợp với nhiều phương pháp điều trị khác (vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, các thiết bị hỗ trợ) để tăng tác dụng và giảm lượng thuốc đưa vào cơ thể. 

DSCKII. Nguyễn Hữu Minh


Ý kiến của bạn