1. Trường hợp nào cần niềng răng?
Thông thường, niềng răng được áp dụng trong các trường hợp: Răng hô, răng móm, răng thưa, răng lệch lạc, lệch khớp cắn…
1.1. Răng hô
Răng hô (răng vẩu/ khớp cắn sâu) có hàm trên phát triển vượt mức bình thường, gây mất thẩm mỹ nhất là khi nhìn nghiêng và chính diện. Với những trường hợp răng hô nhiều cũng ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, có thể ảnh hưởng đến xương hàm và khớp thái dương sau này.
Nhờ phương pháp niềng răng, răng hô sẽ giảm tình trạng hô, răng đều hơn. Tùy tình trạng hô nặng/nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng hoặc thời gian niềng răng trong bao lâu. Một số trường hợp có thể cần phải kết hợp phẫu thuật hàm mới đạt yêu cầu.
1.2. Răng móm
Răng móm (khớp cắn ngược) là tình trạng răng hàm trên thụt vào, hàm dưới chìa ra ngoài răng hàm trên. Răng móm khiến khuôn mặt như lưỡi cày, có thể do di truyền, hoặc do thói quen mút tay, mút môi, đẩy lưỡi…
1.3. Răng thưa
Răng thưa là các răng mọc xa nhau, ở giữa các răng có kẽ hở. Răng thưa gây mất thẩm mỹ, nhất là thưa răng cửa. Răng thưa gây khó chịu khi ăn uống vì thức ăn mắc vào các kẽ răng, do đó tốn nhiều thời gian vệ sinh răng.
Niềng răng trong điều trị răng thưa giúp các khoảng trống của các răng khít lại, đồng thời các răng trở nên đều đặn hơn. Nhờ đó, thức ăn sẽ không bị dính nhiều vào kẽ răng và rút ngắn thời gian vệ sinh răng. Thời gian niềng răng thưa thường kéo dài từ 3 - 6 tháng.
1.4. Răng lệch lạc
Răng lệch lạc (răng khấp khểnh) thường mọc không đều trên cung hàm, cái ra ngoài, cái vào trong, răng này mọc chồng lên răng khác…
Nguyên nhân có thể do những thói quen mút tay, đẩy lưỡi, nhổ răng không đúng cách, cung hàm hẹp, mọc răng khôn… Để biết chính xác nguyên nhân gây lệch lạc răng cần thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Răng lệch lạc cần điều trị từ 2 - 3 năm.
1.5. Răng cắn hở
Răng căn hở là trường hợp hai hàm răng không cắn được vào nhau. Tình trạng này khiến cho việc ăn nhai trở nên khó khăn, nói ngọng, phát âm không chuẩn, hôi miệng…
Khớp cắn hở có nguyên nhân do các thói quen mút ngón tay, đẩy lưỡi, thở miệng... Việc điều trị răng cắn hở mất rất nhiều thời gian.
1.6. Răng cắn sâu
Răng cắn sâu là khi hàm trên che phủ hàm dưới, khiến cằm bị ngắn đi, gương mặt kém cân đối. Do tiếp xúc mặt nhai không khớp, do đó có thể gây nhức mỏi hàm, khớp nhai và khớp thái dương hàm bị ảnh hưởng.
2. Độ tuổi nào niềng răng hiệu quả?
Niềng răng là kỹ thuật khó, phức tạp nên nắm bắt được độ tuổi niềng răng hiệu quả giúp nắn chỉnh các răng nhanh chóng trở về vị trí đúng trên cung hàm, rút ngắn thời gian điều trị là điều cần thiết. Theo đó, 7 tuổi là thời điểm thích hợp để khám điều trị nắn chỉnh răng, bởi ở độ tuổi này răng đã thể hiện khuynh hướng tăng trưởng và lệch lạc răng, xương cũng đã phát triển dần ổn định có thể nắn chỉnh hình thái răng mà không sợ thay đổi về sau.
Khẩu xương cái của răng khi bệnh nhân còn nhỏ tuổi đang phát triển, còn mềm, chưa ổn định hẳn nên việc niềng răng sẽ tiến hành dễ dàng hơn.
Độ tuổi niềng răng hiệu quả có thể được chia thành các giai đoạn sau:
2.1. Từ 7-9 tuổi
Bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá và đưa ra giải pháp nắn chỉnh răng tốt nhất. Mục đích là dự phòng, can thiệp, sửa chữa những lệch lạc răng, tạo khoảng xương hàm phù hợp cho các răng. Lúc này trẻ được sử dụng các khí cụ niềng răng thay vì sử dụng mắc cài hay khay niềng.
2.2. Từ 12-13 tuổi
Lúc này răng đã mọc đầy đủ và ổn định, xương hàm cũng phát triển ổn định hơn, khỏe mạnh hơn. Việc can thiệp các biện pháp chỉnh nha sẽ giúp các răng di chuyển tới vị trí đúng trên cung hàm, thẩm mỹ hơn. Niềng răng sẽ mất khoảng thời gian là 18 tháng, nếu phải nhổ răng để tạo khoảng trống dịch chuyển răng thì thời gian niềng răng là 24 tháng.
2.3. Dưới 35 tuổi
Nếu bệnh nhân đã trưởng thành và bỏ lỡ 2 độ tuổi niềng răng phù hợp trên cũng không nên quá lo lắng. Bởi việc niềng răng vẫn mang lại hiệu quả ngay cả khi trưởng thành. Tốt nhất nên niềng răng chỉnh nha trước 35 tuổi để có được kết quả như mong đợi và an toàn khi điều trị.
Ở giai đoạn này, răng của người trưởng thành đã hoàn toàn ổn định, xương hàm cứng chắc nên việc dịch chuyển răng khó khăn hơn. Người bệnh cần xác định trước về thời gian niềng răng sẽ lâu hơn, khoảng từ 1-2 năm tùy vào mức độ sai lệch của răng.
Việc niềng răng sớm trước 35 tuổi sẽ giúp người bệnh có được hàm răng đều đẹp, cải thiện ăn nhai và tránh được các vấn đề về bệnh lý răng miệng khi răng mọc khấp khểnh, lệch lạc. Hàm răng đều, khỏe mạnh sau khi niềng răng cũng sẽ giúp người bệnh duy trì răng chắc chắn lâu dài khi về già.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống nước dừa nhiều có tốt không?