Răng khôn là gì
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8. Đây là răng hàm mọc cuối cùng trong hàm răng của cơ thể.
Tại sao gọi là răng khôn? Vì răng số 8 thường mọc sau độ tuổi trưởng thành từ 18 tuổi trở đi. Răng khôn do mọc sau cùng và vòm miệng thường không đủ chỗ để chúng mọc. Vì vậy răng khôn thường gây ra tình trạng như răng mọc lệch, mọc kẹt dẫn đến sưng, đau nhức. Răng khôn gần như không có chức năng về thẩm mỹ hay chức năng nhai.
Trong những trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm có thể gây sưng phần nướu răng, dễ đọng thức ăn gây hôi miệng, viêm nướu…
Khi nào cần nhổ răng khôn?
Việc nhổ răng khôn sẽ được chỉ định trong trường hợp răng mọc lệch, mọc kẹt gây biến chứng tại chỗ (nhiễm trùng lặp đi lặp lại, sưng đau ảnh hưởng đến sinh hoạt, có thức ăn kẹt lại…). Hoặc trong nhiều trường hợp có thể gây biến chứng nặng toàn thân. Lúc này bệnh nhân sẽ được chỉ định nhổ răng khôn.
ThS.BS Đậu Thị Kiều Trang cảnh báo các biến chứng có thể gặp khi nhổ răng khôn.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp răng khôn nào cũng phải nhổ.
Trước khi nhổ răng khôn, bệnh nhân cần được đi khám chuyên khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám, chụp X-quang để đánh giá tình trạng răng. Dựa trên thăm khám lâm sàng bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị nhổ răng cho bệnh nhân. Đồng thời qua thăm khám cẩn thận cũng sẽ tiên lượng được các vấn đề khi nhổ. Lúc này việc nhổ răng sẽ không gây nguy hiểm gì cho bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân không được thăm khám tình trạng sức khỏe toàn thân, chụp X-quang… trước khi nhổ sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng.
Biến chứng khi nhổ răng khôn
Nhổ răng khôn có nguy hiểm không? Nhổ răng khôn là một thủ thuật khá đơn giản, tuy nhiên cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín. Nếu không tiên lượng tốt, bệnh nhân nhổ răng khôn có thể gặp một số biến chứng như:
- Tổn thương dây thần kinh hàm dưới. Đây là dây thần kinh nằm sát vị trí thường mọc của răng khôn. Do vậy nếu không chụp X-quang để quan sát vị trí của dây thần kinh so với chân răng thì có thể gây tổn thương dây thần kinh khi nhổ. Khi tổn thương dây thần kinh dây thần kinh hàm dưới có thể gây ra tê bì môi, má phía răng khôn nhổ.
- Khi bác sĩ nhổ thô bạo, không đúng kỹ thuật có thể gây vỡ xương ổ răng. Thậm chí nặng hơn có thể gây vỡ xương hàm bệnh nhân.
- Nếu nhổ răng không đúng chỉ định và không đúng kỹ thuật có thể gây tổn thương cho răng bên cạnh (răng số 7).
- Nếu không đánh giá kỹ sau khi nhổ răng, bệnh nhân có thể bị bỏ sót chân răng.
- Nhiễm trùng sau nhổ răng khôn (nhiễm trùng huyệt nhổ răng khôn). Nguyên nhân do bệnh nhân vệ sinh răng không sạch sẽ hoặc không thăm khám/ tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Hoặc do dụng cụ nhổ răng không được khử trùng đúng tiêu chuẩn.
Sau khi nhổ răng khôn, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối theo đúng chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp hạn chế việc nhiễm trùng hay các biến chứng khác sau khi nhổ răng.
Ngay khi vị trí mọc răng khôn có các dấu hiệu bất thường như sưng đau, thức ăn bị kẹt lại… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám sớm.
Xem thêm video được quan tâm:
Thực Hư Uống Nước Lá Và Hoa Đu Đủ Trị Được Bệnh Ung Thư? |SKĐS