Xét nghiệm tổng quát là gì?
Thông thường, khi thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ có xét nghiệm tổng quát. Đây là xét nghiệm giúp phát hiện ra các bệnh lý dựa trên tổng phân tích nước tiểu, sinh hóa máu cơ bản, công thức máu… Việc thực hiện xét nghiệm tổng quát hàng năm cũng là cách tốt nhất để giúp bạn bảo vệ sức khỏe nhất là với những đối tượng có lối sống chưa khoa học và không quan tâm, chăm sóc sức khỏe bản thân.
Xét nghiệm tổng quát sẽ bao gồm các xét nghiệm dưới đây:
Xét nghiệm sinh hóa máu với mục đích:
- Phát hiện ra nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thông qua chỉ số đường huyết, HbA1c.
- Phát hiện nguy cơ mắc các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, tim mạch thông qua xét nghiệm mỡ máu.
- Phát hiện nguy cơ mắc bệnh gút thông qua xét nghiệm chỉ số acid uric.
- Dựa vào các chỉ số như: AST, GGT, ALT, Bilirubin… để kiểm tra, đánh giá hoạt động của gan.
- Chỉ số Ure và Creatinin để đánh giá hoạt động của thận.
Xét nghiệm công thức máu: Thông qua xét nghiệm này có thể đánh giá, phân tích được các thành phần của máu. Dựa vào đó các bác sĩ sẽ phát hiện ra những vấn đề về máu như: nhiễm trùng máu, thiếu máu và nhiều bệnh lý khác.
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu: Dựa vào các chỉ số (thông thường là 10 chỉ số) các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ/tình trạng các bệnh lý về nhiễm trùng đường tiểu, bệnh lý thận, đái tháo đường, nhiễm khuẩn…
Khi nào cần làm xét nghiệm tổng quát
Theo lời khuyên của bác sĩ, bất kỳ đối tượng nào cũng nên làm xét nghiệm tổng quát định kỳ từ 1-2 lần/năm. Tần suất xét nghiệm có thể thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Tuổi, thể trạng sức khỏe, môi trường làm việc, tiền sử gia đình và bản thân có mắc bệnh lý gì không… Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho từng bệnh nhân.
Với những người bệnh có yếu tố nguy cơ cao tần suất xét nghiệm có thể nhiều hơn so với người bình thường. Bên cạnh đó, tùy vào từng người bệnh cụ thể các bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm phù hợp.
Ví dụ như những đối tượng trong khoảng 18- 30 tuổi, các bác sĩ có thể chỉ định thêm những xét nghiệm liên quan đến bệnh truyền nhiễm, HIV, viêm gan B. Hoặc với những người trong độ tuổi sinh sản có thể cần xét nghiệm thêm để đánh giá chức năng của tuyến giáp hoặc chức năng sinh sản.
Còn với những người ở độ tuổi ngoài 40, có thể sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư, xét nghiệm đánh giá các bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính…
Cần lưu ý gì trước khi xét nghiệm tổng quát
Để kết quả xét nghiệm tổng quát được chính xác nhất, người bệnh cần lưu ý:
- Đa phần các xét nghiệm đều nên thực hiện vào buổi sáng để có kết quả chính xác nhất. Có một số xét nghiệm không cần nhịn ăn nhưng với xét nghiệm nước tiểu người bệnh cần nhịn ăn từ 6-8 tiếng trước đó. Không sử dụng chất kích thích (trà, cà phê, rượu bia…) vì có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Với các loại xét nghiệm mỡ máu, đường huyết, định lượng vitamin… cần nhịn ăn từ 10 đến 12 giờ trước khi lấy mẫu xét nghiệm.
- Nếu người bệnh đang điều trị hoặc uống các loại thuốc trong thời gian dài cần báo với bác sĩ trước khi lấy mẫu. Các bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp hoặc tư vấn ngừng uống thuốc trước khi lấy mẫu xét nghiệm.
Xem thêm video được quan tâm:
Người đàn ông phải đi cấp cứu khi mỡ máu tăng gần 50 lần do nghiện rượu | SKĐS