1. Mụn trứng cá là gì?
Mụn trứng cá là dạng bệnh nang lông tuyến bã, với các tổn thương da do sự tăng tiết chất bã nhờn, đọng lại ở các lỗ chân lông, kèm theo hiện tượng viêm nhiễm ở nang lông tuyến bã.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là mụn trứng cá tuổi dậy thì, hay người có cơ địa da dầu. Tùy theo đặc điểm và mức độ của từng loại mụn, mụn trứng cá có thể bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn nhọt, mụn mủ, các nốt sần…
Theo thống kê, loại mụn này ảnh hưởng đến 75% người trong độ tuổi từ 11 đến 30 tuổi. Điều này được giải thích do ở độ tuổi này, tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh gây bí bách da và dẫn đến viêm nhiễm do sự tích tụ của bụi bẩn, vi khuẩn...
2. Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá
Nguyên nhân của bệnh trứng cá khá phức tạp, có liên quan tới nhiều yếu tố như nội tiết, tiêu hoá đặc biệt là tuyến sinh dục…
Vai trò của các tạp khuẩn trên da, trong đó tụ cầu, liên cầu và nhất là Corinebacterium cũng được đề cập đến. Các vi khuẩn này thường ở trong nang lông, có khả năng thuỷ phân chất bã thành acid béo, gây kích thích và gây viêm tổ chức nang lông.
Ngoài ra, trứng cá có thể do dị ứng một số thức ăn, thuốc (bromua, corticosteroid, thuốc bôi goudron…) hoặc do tiếp xúc với một số hoá chất (dầu, mỡ, nhựa đường…) hoặc do thiếu vitamin B2.
3. Điều trị mụn trứng cá bằng các loại thuốc uống
Điều trị mụn trứng cá phụ thuộc vào tình trạng và mức độ của mụn. Do đó, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc để trị mụn. Việc điều trị mụn bằng thuốc cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định. Thuốc trị mụn hoạt động bằng cách giảm sản xuất dầu, giảm sưng tấy hoặc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
Với mức độ nhẹ, người bệnh có thể sử dụng các loại kem, sữa rửa mặt hoặc thuốc điều trị tại chỗ không kê đơn để trị mụn.
Tuy nhiên, không phải tất cả làn da bị mụn trứng cá đều có hiệu quả bằng thuốc trị mụn dạng bôi. Trong khi đó, thuốc uống sẽ đem lại tác dụng toàn thân để cải thiện làn da từ bên trong trong. Trong phần lớn các trường hợp, những loại mụn này cần dùng thuốc uống.
Mụn trứng cá nặng đôi khi được gọi là mụn trứng cá dạng nang hoặc mụn trứng cá dạng nốt, tạo ra các nốt mụn lớn, sâu và bị viêm. Lúc này, thuốc bôi không thể đủ sâu để điều trị hiệu quả những loại mụn này.
Bên cạnh đó, mụn trứng cá cũng thường xuất hiện trên các vùng khác của cơ thể, như lưng, ngực, vai... nên việc bôi thuốc sẽ khá khó khăn để tiếp cận. Còn các thuốc uống trị mụn trứng cá thì có thể hoạt động trên các nốt mụn viêm sâu bất kể vị trí của chúng.
3.1.Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh dạng uống đã được sử dụng để điều trị mụn trứng cá trong nhiều năm. Giống như thuốc kháng sinh tại chỗ, thuốc kháng sinh uống hoạt động bằng cách làm giảm vi khuẩn Propionibacteria acnes trên da. Đây là chủng vi khuẩn gây ra mụn. Hơn nữa, thuốc kháng sinh uống cũng giúp giảm viêm da.
Các loại thuốc kháng sinh uống phổ biến nhất được kê đơn để điều trị mụn trứng cá bao gồm: Erythromycin, tetracycline, minocycline và doxycycline. Do sự gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc, kháng sinh uống chỉ nên được sử dụng để điều trị mụn trứng cá khi kết hợp với điều trị tại chỗ và không dùng quá 6 tháng.
3.2. Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai đường uống có tác dụng điều trị mụn thông qua việc điều chỉnh nồng độ nội tiết tố androgen, ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn trong cơ thể.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc tránh thai thường gặp như: Buồn nôn, nhức đầu, đau bụng, đau ngực... Trường hợp nặng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như tăng huyết áp, hình thành các cục máu đông, đau tim…
Do đó, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc tránh thai để trị mụn.
3.3. Isotretinoin
Isotretinoin được chỉ định trong trường hợp bị mụn trứng cá nặng hoặc các thuốc điều trị trên không hiệu quả. Thuốc giúp thu nhỏ các tuyến bã nhờn, làm giảm lượng dầu trên da...
Không sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai, do nguy cơ gây dị tật bẩm sinh rất cao, phụ nữ cho con bú.
4. Lời khuyên của thầy thuốc
Mụn trứng cá là tình trạng phổ biến nhưng lại rất ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người mắc. Do đó, dẫu không thể ngăn ngừa hoàn toàn mụn trứng cá, mọi người có thể thực hiện một số cách chăm sóc tại nhà để giảm nguy cơ phát sinh mụn trứng cá.
- Rửa mặt hằng ngày bằng sữa rửa mặt không chứa dầu.
- Sử dụng mỹ phẩm trang điểm gốc nước hoặc có nhãn ghi "không gây dị ứng" để giảm tình trạng làm tắc nghẽn lỗ chân lông và sinh mụn.
- Tẩy trang và làm sạch da thật sạch trước khi ngủ.
- Tắm hoặc rửa mặt sau khi tập thể dục.
- Cột tóc (nếu tóc dài) để không che khuất khuôn mặt.
- Tránh đội mũ, băng đô bó sát đầu, quần áo ở các khu vực dễ nổi mụn.
- Chế độ ăn cần hạn chế đường, mỡ. Nên ăn nhiều rau, trái cây ít ngọt, tập thể dục thể thao đều đặn, chế độ làm việc không quá căng thẳng sẽ góp phần hạn chế sự bùng phát các tổn thương mụn trứng cá và cải thiện chức năng của da.
- Tôn trọng cấu trúc da.
- Sử dụng thuốc điều trị cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
5 thực phẩm hủy hoại vòng 1 của chị em khủng khiếp.