Hà Nội

Khi nào cần dùng thuốc trị ho?

11-12-2018 11:54 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh ở trong và ngoài đường hô hấp gây nên. Ho cũng thường xuất hiện nhiều vào mùa đông với hai biểu hiện chính là ho khan và ho đờm. Vậy ứng phó với tình trạng ho như thế nào?

Ho – một phản xạ tốt của cơ thể

Thông thường, phản xạ ho sẽ xảy ra khi bị cảm lạnh, nhiễm virus cúm, các tình trạng dị ứng, các bệnh có ảnh hưởng đến đường hô hấp (hen, viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa...), hút thuốc lá (chủ đông hoặc thụ động), ô nhiễm không khí, bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản, thuốc điều trị (một số thuốc như thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp có thể gây ho)...

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm làm sạch đường thở, không bị ứ đọng các chất dịch tiết, chất kích thích, vật lạ, vi khuẩn... Đây là một cơ chế để bảo vệ tốt bộ máy hô hấp. Hầu hết ho không cần phải điều trị. Ho có nguyên nhân từ cảm lạnh và cảm cúm thường sẽ tự biến mất.

Không dùng thuốc giảm ho trong các bệnh như viêm phế quản cấp, hen phế quản, khí phế thũng, viêm phổi... Trong những trường hợp này ho để tống đờm dãi ra ngoài cơ thể, làm sạch đường thở (có lợi). Việc uống thuốc giảm ho sẽ gây ứ đọng các chất đờm dãi, dịch... ở đường hô hấp, gây cản trở sự hô hấp và gây ứ khí phế nang, làm giảm khả năng chống lại vi trùng, làm cho bệnh nặng hơn.

Khi nào cần dùng thuốc trị ho?Nên dùng các loại thuốc dân gian trị ho cho trẻ

Khi nào phải dùng thuốc?

Để điều trị ho, trước hết là phải điều trị nguyên nhân gây ho. Khi nguyên nhân gây ho được giải quyết thì ho cũng sẽ hết. Bởi vậy, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán xác định ho do nguyên nhân nào? Tuy nhiên, khi ho nhiều làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khoẻ thì việc điều trị triệu chứng cắt cơn ho, giảm ho (đối với ho khan) và làm cho đờm long, loãng và thoát ra ngoài dễ dàng (đối với ho có đờm), thông qua phản xạ ho lại rất cần thiết.

Các thuốc giảm ho thường dùng như dextromethorphan... Đây là thuốc cắt cơn ho tác động ức chế lên thần kinh trung ương làm mất phản xạ ho. Tuy nhiên khi dùng các thuốc này cần lưu ý: Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Thuốc có thể gây buồn ngủ và không dùng dextromethorphan cùng các thuốc ức chế thần kinh trung ương và rượu (vì sẽ làm tăng tác dụng an thần của thuốc). Thời gian tối đa dùng thuốc không quá 7 ngày.

Thuốc kháng histamin cũng là thuốc trị ho thông dụng, giúp chống dị ứng, giảm ho, thường được dùng ở dạng si-rô hay thuốc nước cho dễ uống (nhất là với trẻ em, người cao tuổi) như si-rô phenergan (promethazine), théralène (alimenazine)… Nhược điểm của thuốc là an thần nên cần chú ý khi làm những công việc cần có sự tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc... khi uống thuốc.

Đối với ho có đờm, thuốc thường dùng như terpin hydrat, acetylcystein, bromhexim...

Terpin hydrat là thuốc có tác dụng hydrat hóa dịch nhầy phế quản, có tác dụng long đờm, giúp lông mao biểu mô phế quản hoạt động dễ dàng để tống đờm ra ngoài. Thông thường mỗi đợt điều trị chỉ nên dùng từ 3 đến 5 ngày để tránh nhờn thuốc. Acetylcystein (thuốc tiêu chất nhày), làm giảm độ quánh của đờm và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho, còn bromhexin hydroclorid cũng là thuốc tiêu đờm (long đờm), có tác dụng điều hoà và tiêu nhầy đường hô hấp.

Không dùng thuốc này phối hợp với thuốc giảm (chống) ho, vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp. Cần thận trọng khi dùng cho người bệnh hen (vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm), người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu không có khả năng khạc đờm có hiệu quả (nguy cơ ứ đờm ở những trường hợp này). Khi dùng các thuốc này cần uống nhiều nước để giúp làm lỏng đờm.

Không tự ý dùng kháng sinh trị ho. Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp ho do nguyên nhân nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm amiđan cấp mủ, viêm phế quản, viêm phổi...

Trong trường hợp ho có sốt, khó thở, ho kéo dài hơn 1 tuần, thở khò khè... người bệnh cần đi khám để tìm nguyên nhân, điều trị thích hợp.


BS. Đinh Ngọc San
Ý kiến của bạn