Khi nào cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch?

06-04-2019 11:33 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong điều trị, có những trường hợp ngoài các thuốc dùng điều trị bệnh chủ yếu, bác sĩ sẽ kê đơn thêm thuốc tăng cường miễn dịch. Vậy đó là những thuốc nào và dùng khi nào?

Vai trò miễn dịch của cơ thể

Miễn dịch là cơ chế sinh học giúp giữ được sự liên kết giữa các tế bào và mô nhằm bảo đảm sự toàn vẹn cơ thể bằng cách loại bỏ những thành phần hư hỏng cũng như chất độc và sinh vật xâm hại. Có thể nói, miễn dịch là một hệ thống gồm cấu trúc và tiến trình sinh học giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh tật. Nhiều người có khả năng không mắc một số bệnh tật nào đó mặc dù sống trong môi trường có nhiều vi khuẩn gây bệnh nhờ sự miễn dịch.

Như vậy, để hiểu một cách đơn giản, miễn dịch là khả năng phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập.

Khi nào cần dùng thuốc?

Thuốc tăng cường miễn dịch có tác dụng hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt; trên cơ sở này sẽ gia tăng sự đáp ứng miễn dịch hoặc tác động kích thích các cytokin, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể chống lại tác nhân ảnh hưởng. Nếu sự đáp ứng của cơ thể bị suy giảm do già yếu, bệnh tật, suy dinh dưỡng... thì cần phải sử dụng các loại thuốc tăng cường miễn dịch ngoài các loại vắc-xin chủ động tạo ra sự miễn dịch.

Thuốc tăng cường miễn dịch cho cơ thể chỉ dùng khi thật cần thiết.

Thuốc tăng cường miễn dịch cho cơ thể chỉ dùng khi thật cần thiết.

Thuốc tăng cường miễn dịch thường sử dụng gồm:

Vitamin: Thực tế có các bệnh lý liên quan đến gốc tự do và các chất tích tụ trong mỡ làm suy giảm miễn dịch. Một số vitamin có tác dụng chống lại gốc tự do nên có thể tăng cường miễn dịch như vitamin C, beta-carotene, viamin E... Vitamin C có thể khử gốc tự do, cần cho sự tạo thành collagen, tu sửa mô tế bào và tham gia một số phản ứng ôxy hóa-khử; tham gia chuyển hóa phenylalanin, tyrosin, acid folic, norepinephrin, histamin, sắt và một số hệ thống enzym chuyển hóa thuốc, sử dụng carbohydrat, tổng hợp lipid và protein, chức năng miễn dịch, đề kháng nhiễm khuẩn, giữ gìn sự toàn vẹn mạch máu và hô hấp tế bào. Vitamin E sử dụng làm chất chống ôxy hóa, ngăn cản ôxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào và sự tạo thành các sản phẩm ôxy hóa độc hại như sản phẩm peroxyd hóa do chuyển hóa các acid béo chưa bão hòa, phản ứng lại với các gốc tự do là nguyên nhân gây tổn hại màng tế bào do ôxy hóa mà không tạo ra các gốc tự do khác trong quá trình đó. Beta-carotene cũng có thể khử gốc tự do tại màng lipid tế bào, chúng được chuyển hóa thành vitamin A là chất thiết yếu của cơ thể với tác dụng chống ôxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại; sử dụng để làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa ung thư và một số bệnh lý khác...; điều trị suy dinh dưỡng, giảm nguy cơ tử vong, giảm nguy cơ cháy nắng; chúng còn trực tiếp làm tăng tế bào T của hệ miễn dịch nên tăng sự sản xuất kháng thể.

Interferon: Là những cytokin tự nhiên có hoạt tính chống virut, chống tăng sinh và điều tiết miễn dịch. Tác dụng chống virut và chống tăng sinh có liên quan với những biến đổi trong tổng hợp RNA, DNA và các protein tế bào, kể cả các gene tế bào ung thư. Chống virut với tác dụng ức chế sự sao chép virut trong các tế bào nhiễm virut. Chống tăng sinh với tác dụng ngăn chặn tăng sinh tế bào. Điều tiết miễn dịch với tác dụng tăng hoạt tính thực bào của đại thực bào và tính độc hại tế bào đặc thù của các tế bào lympho đối với các tế bào đích. Hiện nay, các nhà khoa học xác định có 3 nhóm interferon chính gồm: alpha, beta và gamma; mỗi nhóm có một tác dụng điều trị khác nhau tùy theo bệnh lý.

Nguyên tố vi lượng: Cũng có khả năng tăng cường miễn dịch như chất kẽm, selen... Kẽm là chất giúp cân bằng nội tiết, tăng cường miễn dịch, giúp tái tạo da và tóc; chúng rất cần thiết cho phụ nữ có thai và trẻ em; do kẽm là chất chống ôxy hóa nên có khả năng giúp giảm tốc độ lão hóa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp nhanh lành vết thương, giúp sự tăng trưởng, làm cơ thể mạnh lên, từ đó tăng đáp ứng miễn dịch; kẽm cùng với vitamin A, B6, E giúp tuyến ức tăng khả năng miễn dịch. Selen là thành phần thiết yếu của nhiều chất chống ôxy hóa và enzym trong cơ thể, chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới chống ôxy hóa do tham gia nhiều quá trình sinh học.

Ngoài ra, một số chất chống ôxy hóa từ thực phẩm và thảo dược như tỏi, hành, kinh giới, cây kế St. Mary, hạt nho, ginkgo biloba... cũng có tác dụng tăng cường miễn dịch. Tỏi, hành, kinh giới có nhiều chất flanovoid giúp ngăn ngừa sự phát triển các virut trong cơ thể và sự tạo thành các gốc tự do. Cây kế St. Mary cũng có nhiều flavonoid, đặc biệt là silymarin có tác dụng loại bỏ gốc tự do trực tiếp và gián tiếp. Hạt nho có nhiều proanthocianidins giúp ngăn ngừa sự hao tổn vitamin E. Ginkgo biloba chứa ginkgolides và flavonoid khác như quercetin giúp giảm tác hại của quá trình ôxy hóa và hỗ trợ việc chống ôxy hóa của cơ thể.

Những lưu ý cần thiết

Việc dùng các loại thuốc tăng cường miễn dịch phải có chỉ định, tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ điều trị; không được tự ý sử dụng dù đó là các loại vitamin hay khoáng chất. Vitamin và nguyên tố vi lượng nên bổ sung bằng thực phẩm ăn hàng ngày như rau xanh, hoa quả...; chỉ bổ sung bằng thuốc khi cơ thể thiếu hụt trầm trọng, nếu dùng thừa sẽ gây rối loạn trong cơ thể. Interferon cũng chỉ dùng khi thật cần thiết và đúng thời điểm sử dụng mới có hiệu quả tăng cường miễn dịch.


BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn