Khi nào cần dùng nitrate?

18-01-2016 18:59 | Dược
google news

SKĐS - Vừa rồi gia đình tôi có người phải nhập viện cấp cứu do nhồi máu cơ tim. Lúc đến cấp cứu, bác sĩ xịt thuốc dưới lưỡi rồi mới chuyển đến bệnh viện.

Vừa rồi gia đình tôi có người phải nhập viện cấp cứu do nhồi máu cơ tim. Lúc đến cấp cứu, bác sĩ xịt thuốc dưới lưỡi rồi mới chuyển đến bệnh viện. Cùng phòng trong bệnh viện cũng có bệnh nhân cùng mắc bệnh như vậy, nhưng lại được tiêm. Tôi hỏi ra thì biết cùng là thuốc thuộc nhóm nitrate. Xin quý báo giúp tôi hiểu rõ hơn về thuốc này và vì sao lại có chỉ định đường dùng thuốc khác nhau. Tôi xin cảm ơn!

Nguyễn Hoàng Hải (Hà Nội)

Các thuốc nhóm nitrate gồm có 2 loại tác dụng khác nhau. Loại tác dụng nhanh dùng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi như natispray, lenitral spray dùng xịt dưới lưỡi; loại tiêm tĩnh mạch như ống tiêm lenitral 10ml chứa 15mg nitroglycerin. Loại chậm dùng đường uống như viên lenitral, viên nitromine... Tác dụng chủ yếu của các thuốc nhóm này là gây giãn tĩnh mạch ngoại vi dẫn đến giảm lượng máu về tim (giảm tiền gánh) kết hợp với giãn các tiểu động mạch dẫn đến giảm sức cản ngoại vi (giảm hậu gánh). Kết quả của các tác dụng này là giảm căng cơ tim, dẫn đến giảm tiêu thụ ôxy của cơ tim. Đối với động mạch vành, thuốc cũng có tác dụng giãn động mạch, do vậy chống được hiện tượng co thắt mạch vành; thuốc cũng có tác dụng làm tăng cường tuần hoàn tới các khu vực cơ tim bị thiếu máu. Khi bị nhồi máu cơ tim, ngay khi xuất hiện đau thắt ngực, tại nhà cần dùng ngay loại xịt hoặc ngậm dưới lưỡi để cấp cứu. Còn tại bệnh viện, có đủ dụng cụ tiêm và bác sĩ chuyên khoa thì bệnh nhân sẽ được sử dụng nitroglycerin dạng tiêm tĩnh mạch bằng bơm tiêm điện với liều khởi đầu thấp và tăng dần tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.

Tác dụng phụ thường gặp của nitroglycerin là nhức đầu, choáng váng, bốc hỏa, hạ huyết áp (nhất là ở người già), nhịp tim nhanh... Do vậy cần lưu ý, nhất là các bệnh nhân sử dụng đồng thời các thuốc có tác dụng hạ huyết áp.

TS. Hải Linh


Ý kiến của bạn