Khi nào cần đưa trẻ khám thóp?

27-07-2016 11:25 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Bé em được 15 tháng tuổi nhưng thóp của bé chưa đóng và có vẻ phồng hơn bình thường, khiến em rất lo lắng.

Bé em được 15 tháng tuổi nhưng thóp của bé chưa đóng và có vẻ phồng hơn bình thường, khiến em rất lo lắng. Vậy xin bác sĩ cho biết khi nào thì thóp của bé đóng hết và có cần đưa đi khám không ạ?

Nguyễn Minh Hà (Minhha14@gmail.com)

Thóp trước là vùng có hình tứ giác ở phía trước đầu của trẻ sơ sinh, nằm giữa 2 đường tăng trưởng (khớp sọ) nơi các xương sọ giao nhau. Ở trẻ sơ sinh, nhờ có thóp mà xương sọ có thể phát triển tương ứng với sự tăng trưởng nhanh chóng của não bộ. Ngay sau khi sinh, thóp trước có kích thước 2,5cm x 2,5cm và có thể rộng tới 5cm x 5cm, nếu vùng thóp rộng hơn như vậy, cần đưa bé đi khám bác sĩ. Không có gì nguy hiểm khi bạn chạm vào thóp của bé. Khoảng trống giữa các xương được che phủ bởi một màng xơ vững chắc, giúp bảo vệ não một cách an toàn. Bạn có thể gội đầu cho bé và thực hiện các động tác thông thường như đội mũ, chải đầu mà không lo gây tổn thương cho thóp. Thóp trước thường rộng ra trong thời gian từ tuần thứ 2 tới tháng thứ 3 rồi dần dần đóng lại. Bình thường thóp trông phẳng hoặc hơi trũng một chút. Thóp đầy hoặc phồng lên là điều không bình thường. Thóp phồng đồng nghĩa với việc não đang chịu một sức ép lớn hơn bình thường và cần đi khám bác sĩ ngay. Đa số trường hợp thóp trước đã đóng khi bé được 19 tháng tuổi. Tuy nhiên thóp có thể đóng bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ 4-26 tháng. Nếu bé đã 27 tháng mà thóp trước vẫn chưa đóng bạn cần đưa bé đi khám bác sĩ. Thóp đóng trước 4 tháng (thóp đóng sớm) rất hiếm khi xảy ra, nhưng cũng cần khám bác sĩ ngay. Đối với trường hợp của bé nhà bạn thóp chưa đóng hết thì bình thường nhưng đối với thóp phồng thì không thể kết luận được. Để yên tâm có thể đưa bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để khám.

BS. Thu Thủy


Ý kiến của bạn