Hà Nội

Khi nào cần chuyển tuyến người bệnh?

17-08-2014 07:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chuyển tuyến không hợp lý là một trong những nguyên nhân gây quá tải bệnh viện ở tuyến trên trong thời gian qua.

Vậy khi nào cần chuyển tuyến người bệnh?

Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định việc chuyển tuyến của các cơ sở khám chữa bệnh nhằm góp phần điều chỉnh vấn đề này.

Tuyến khám chữa bệnh và việc chuyển tuyến

Bộ Y tế quy định cơ sở khám chữa bệnh gồm 4 tuyến. Tuyến 4 là tuyến xã, phường, thị trấn gồm trạm y tế; trạm xá hay trạm y tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phòng khám bác sĩ gia đình. Tuyến 3 là tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm các bệnh viện hạng 3, bệnh viện hạng 4, bệnh viện chưa xếp hạng; trung tâm y tế có chức năng khám chữa bệnh ở những địa phương chưa có bệnh viện, bệnh xá ngành, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà hộ sinh. Tuyến 2: tuyến tỉnh, thành phố thuộc trung ương gồm bệnh viện hạng 2 trở xuống thuộc Bộ Y tế; bệnh viện hạng 1, bệnh viện hạng 2 thuộc sở y tế, bộ, ngành trừ các bệnh viện đã được xếp theo tuyến 1. Tuyến 1: tuyến trung ương gồm bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng 1 thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng 1 thuộc sở y tế hoặc bộ, ngành.

Việc sự phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh ở trên, việc chuyển tuyến bao gồm chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên, chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong cùng một tuyến. Hình thức phổ biến thường gặp là chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1. Thực tế trong các trường hợp nếu cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên liền kề không đáp ứng đủ điều kiện dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp thì cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới được chuyển người bệnh lên tuyến cao hơn mà không cần theo trình tự quy định.

Điều kiện để chuyển tuyến bệnh viện

Việc chuyển người bệnh từ tuyến này sang tuyến khác cần phải được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế đã ban hành với các điều kiện cụ thể như sau:

Cơ sở khám chữa bệnh được chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi xác định bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh nhưng do điều kiện khách quan cơ sở khám chữa bệnh không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị. Phải căn cứ vào danh mục kỹ thuật để xem xét, nếu cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến trên liền kề không có dịch vụ phù hợp thì cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn. Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến trừ các phòng khám bệnh và cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến 4.

Cơ sở khám chữa bệnh được chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới phù hợp khi người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị qua giai đoạn cấp cứu; xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm và có thể điều trị tiếp tục ở tuyến dưới.

Cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến được chuyển người bệnh qua lại với nhau nếu tình trạng bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh hoặc bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh nhưng do điều kiện khách quan cơ sở khám chữa bệnh không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị. Đồng thời cũng có thể chuyển tuyến nếu bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến dự kiến chuyển đến.

Ngoài ra, trên thực tế còn có thể chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên những địa bàn giáp ranh để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Trong trường hợp này, giám đốc sở y tế có hướng dẫn cụ thể việc chuyển tuyến đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn giáp ranh trong tỉnh, thành phố thuộc quyền quản lý.

Với quy định trên, các trường hợp chuyển người bệnh theo đúng trình tự như vậy được xem là chuyển đúng tuyến; các trường hợp khác chuyển người bệnh không theo đúng quy định này được xem là chuyển vượt tuyến. Đối với các trường hợp người bệnh không đáp ứng điều kiện chuyển tuyến theo quy định nhưng người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân vẫn yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở khám chữa bệnh giải quyết cho người bệnh được chuyển tuyến để bảo đảm quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh của người bệnh. Điều cần quan tâm là cơ sở khám chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi phải cung cấp thông tin đầy đủ để người bệnh và người nhà bệnh nhân biết về phạm vi quyền lợi và mức chi phí khám chữa bệnh khi khám chữa bệnh không theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Trong khi chuyển tuyến, để vận chuyển người bệnh an toàn cần phải xem xét tình trạng cấp cứu hay không cấp cứu của người bệnh. Nếu vận chuyển người bệnh trong tình trạng cấp cứu thì cơ sở khám chữa bệnh phải chuẩn bị các điều kiện để vận chuyển người bệnh như xe cứu thương hoặc phương tiện vận chuyển phù hợp khác, trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu sử dụng cho người bệnh nếu cần trong quá trình vận chuyển; đồng thời phải có nhân viên y tế đi kèm bệnh nhân là bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh có nhiệm vụ theo dõi, xử trí kịp thời diễn biến bệnh lý của người bệnh trong quá trình vận chuyển.

Khắc phục việc chuyển tuyến sai quy định?

Việc quá tải ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên thời gian qua được xác định do một trong những nguyên nhân chuyển tuyến người bệnh không theo đúng quy định. Khi bị ốm đau, bệnh tật; do tâm lý lo ngại của người bệnh và người nhà bệnh nhân, nhất là trường hợp mắc bệnh nặng nên muốn được khám chữa bệnh ở tuyến cao hơn nhằm có cơ hội, điều kiện tiếp cận với bác sĩ điều trị có trình độ tốt và phương tiện chuyên môn kỹ thuật hiện đại. Thực tế một số người bệnh không cần chuyển lên tuyến trên liền kề hay chuyển vượt tuyến nhưng người nhà bệnh nhân vẫn có yêu cầu xin được chuyển mặc dù biết rằng lên tuyến trên phải chịu nhiều tốn kém về viện phí, sinh hoạt và đi lại... Ngoài thực trạng này, việc khám chữa bệnh ban đầu không đúng tuyến quy định dù phải chịu chi phí cao nhưng người bệnh và người nhà bệnh nhân sẵn sàng đáp ứng cũng là nguyên nhân gây nên sự quá tải.

Để khắc phục tình trạng này, ngành Y tế cần đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn tuyến dưới để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh; đồng thời người dân cũng cần biết những quy định chuyển tuyến người bệnh một cách cụ thể để góp phần thực hiện.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH


Ý kiến của bạn