Khi nào cần can thiệp dao kéo trong điều trị ung thư đường tiêu hóa?

PGS TS Nguyễn Thanh Long

PGS TS Nguyễn Thanh Long

Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức - Giảng viên kiêm nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội

22-05-2018 09:17 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Theo thống kê cho thấy, ung thư đường tiêu hoá (ung thư đại tràng, dạ dày, …) là loại ung thư phổ biến và gây tử vong nhiều nhất. Tuy nhiên, ung thư đường tiêu hoá có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp chính xác, kịp thời. Phóng viên Báo Sức khỏe &Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Thanh Long - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức - Giảng viên kiêm nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa và sự thay đổi của bệnh trong vài năm gần đây?

PGS. TS. Nguyễn Thanh Long: Phải nói rằng bây giờ sơ đồ bệnh tật thay đổi rất nhiều, bệnh đường tiêu hóa trước kia chủ yếu là bệnh viêm nhiễm, nhiễm trùng, viêm loét dạ dày. Ví dụ như bệnh viêm loét dạ dày những năm trước đây chủ yếu là viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhân đến cơ sở y tế thường trong tình trạng cấp cứu bị chảy máu, thủng dạ dày nhưng hiện nay tình trạng này hầu như ít gặp hơn.

Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân đến khám rất nhiều và tỷ lệ ung thư rất cao. Trong số ung thư thì tỷ lệ bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ rất cao đứng thứ 3-5 trong tỷ lệ ung thư thường gặp, trong đó ung thư dạ dày là thường gặp nhất. Theo thống kê thì bệnh nhân ung thư càng trẻ hoá, tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam ngày càng gia tăng.

PV:  Vậy xin ông cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

PGS. TS. Nguyễn Thanh Long: Ung  thư có nhiều yếu tố trong đó người ta thường xác định được là chế độ ăn uống, hóa chất độc hại, gen di truyền, tuổi tác, ô nhiễm môi trường, lối sống,... Chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, chất xơ có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày liên quan đến tiền sử nhiễm vi khuẩn HP, chất nitrosamin trong dưa chua muối và thịt hun khói. Ung thư thực quản liên quan đến thói quen uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá...

Những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa nhưng không được điều trị đúng, bệnh trở thành mạn tính được đánh giá có nguy cơ bị ung thư cao hơn. Hoặc những khối u (polyp) lành tính nếu không cắt bỏ sớm, để lâu dễ chuyển sang ác tính. Ở nước ta, do đời sống kinh tế phát triển, nhiều người có lối sống hiện đại như: ăn thức ăn nhanh, các hóa chất tồn dư trong thực phẩm nhiều, thiếu ngủ, thừa cân béo phì, không vận động... khiến cho gia tăng tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Long - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức, Giảng viên kiêm nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội

PV. Xin ông cho biết dấu hiệu sớm nhất của căn bệnh này.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Long: Ở mỗi bệnh nhân thì có những dấu hiệu khác nhau, nhưng nhìn chung các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư là ăn uống kém hoặc ợ nóng, đau hay khó chịu trong bụng, nôn ói, tiêu chảy hay táo bón; Trướng bụng sau ăn, chán ăn, bệnh nhân ăn khó tiêu, gầy sút cân, đau vùng thượng vị... Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều bệnh nhân đến phòng khám ở giai đoạn muộn và không có triệu chứng sớm, vì vậy, sàng lọc sớm ung thư và khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng.

PV. Khi bị ung thư một số người rất sợ phẫu thuật, họ cho rằng khi can thiệp dao kéo trong điều trị ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa sẽ làm ung thư dễ di căn hơn. Ý kiến của bác sĩ thế nào về quan niệm này?

PGS. TS. Nguyễn Thanh Long: Điều trị ung thư là điều trị phối hợp nhiều phương pháp: hóa trị, xạ trị, phẫu thuật... Trong đó điều trị ung thư đường tiêu hóa thì phẫu thuật chiếm vai trò chủ đạo và là lựa chọn hàng đầu. Kết quả điều trị bằng phẫu thuật phụ thuộc nhiều yếu tố: thứ nhất là phẫu thuật phải đảm bảo triệt căn, được phát hiện xử trí sớm, thể trạng bệnh nhân, các bệnh lý phối hợp... như vậy có thể nói nếu sử dụng dao kéo trong điều trị ung thư khiến dễ di căn hơn là không đúng.

Phát hiện sớm, điều trị sớm thì khả năng sự sống kéo dài, vấn đề thứ hai là quan niệm ung thư có thể dụng phương pháp ngoại khoa ở các giai đoạn, giai đoạn sớm có thể mổ chữa khỏi, muộn hơn không chỉ cắt được khối u, sau đó kết hợp xạ trị, hóa trị... giải quyết được những biến chứng của khối u gây ra: thủng, vỡ khối u, gây tắc ruột, thậm chí ung thư giai đoạn muộn rồi bệnh nhân không ăn uống được thì vẫn phải mổ để đặt uống vào để đưa thức ăn hoặc tắc ruột rồi thì chúng ta đưa ruột ra ngoài (hậu môn giả) để cứu bệnh nhân trước khi bệnh nhân bị suy kiệt. Theo nghiên cứu thì đa số bệnh nhân ung thư đến bệnh viện thì đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3) thậm chí 4, ung thư phát hiện ở giai đoạn 1 (ung thư ở trên bề mặt niêm mạc) chưa có di căn hạch thì rất thấp 4-5%, đó là điều rất đáng tiếc.

PV: Thưa ông, việc can thiệp ngoại khoa điều trị ung thư có thể khỏi bệnh ung thư không?

PGS. TS. Nguyễn Thanh Long: Phẫu thuật trong điều trị ung thư đường tiêu hóa là phương pháp điều trị chính, kết quả của phẫu thuật phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị có thể khỏi nhưng giai đoạn muộn thì phải phối hợp nhiều phương pháp khác như xạ trị, hóa trị, tăng cường miễn dịch.. Phát hiện sớm, phẫu thuật càng sớm thì thời gian sống sau mổ càng kéo dài.

Theo thống kê, nếu phát hiện sớm trên 90% bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa sống thêm từ 5 năm trở lên, còn nếu phát hiện muộn, khi khối u đã di căn thì tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ từ 3 – 20%. Và ở giai đoạn muộn có thể khỏi, nhưng giai đoạn muộn cần phối hợp nhiều phương pháp để kéo dài sự sống.

PV. Ông có chia sẻ gì cho bệnh nhân đã mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa?

PGS. TS. Nguyễn Thanh Long: Được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, khi phát hiện ung thư thì không điều trị theo mách bảo, không tự điều trị mà cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ.

Để phòng bệnh, quan trọng nhất là chế độ ăn uống đường sinh hoạt, ăn uống hợp vệ sinh, tránh thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại, rượu bia,  những thức ăn có nhiều đồ chiên nướng. Đối với ung thư dạ dày tránh thức ăn kích thích và khi có những biểu hiện nghi ngờ thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Thanh Long!


Khánh Mai
Ý kiến của bạn
Tags: