Hà Nội

Khi nào cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ?

21-01-2019 08:34 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Tôi có con nhỏ 2 tuổi, cháu vẫn ăn uống và phát triển bình thường. Nhưng tôi nghe bạn mách rằng nên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho con để tăng cường sức khỏe và phát triển chiều cao.

Tôi có con nhỏ 2 tuổi, cháu vẫn ăn uống và phát triển bình thường. Nhưng tôi nghe bạn mách rằng nên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho con để tăng cường sức khỏe và phát triển chiều cao. Tôi có nên bổ sung cho con không và nên dùng loại nào? Tôi xin cảm ơn!

Hoàng Quỳnh Phương (Hà Nội)

Nếu con bạn vẫn ăn uống đầy đủ và phát triển bình thường, bạn lại cho con ăn một chế độ ăn đa dạng thực phẩm và cho con tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời... thì việc bổ sung thường quy các vitamin và khoáng chất là không cần thiết.

Khi nào cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ?

Trong một cuộc khảo sát về thói quen ăn uống ở trẻ nhỏ và trẻ trước tuổi đến trường tại Mỹ cho thấy: Nhiều trẻ em được bố mẹ bổ sung vitamin và khoáng chất có hàm lượng vitamin A, kẽm, folate quá mức cần thiết. Một nghiên cứu khác cho thấy, việc bổ sung vitamin và khoáng chất đã đóng góp vào việc làm dư thừa lượng vitamin và khoáng chất ở trẻ từ 2 - 18 tuổi. Và điều này hoàn toàn không mang lại lợi ích cho sức khỏe của trẻ.

Mặc dù việc bổ sung multivitamin và khoáng chất với liều khuyến cáo chuẩn cho trẻ em cũng không gây hại gì. Tuy nhiên, nếu trẻ phải dùng thuốc để chữa bệnh có thể xảy ra việc tương tác với multivitamin và khoáng chất là điều có thể xảy ra. Việc tích lũy một liều lớn các vitamin hay khoáng chất nếu vượt quá mức độ khuyến cáo cho phép mỗi ngày nên được tránh vì tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Khi bổ sung các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là dưới dạng các viên kẹo nhai cho trẻ em cần lưu ý để xa tầm với của trẻ.

Chỉ nên bổ sung vitamin và khoáng chất cho những trẻ em có nguy cơ về dinh dưỡng bao gồm: trẻ sống trong môi trường thiếu thốn; trẻ biếng ăn hoặc chế độ ăn không cân đối; trẻ bị ngộ độc chì; trẻ chậm tăng trưởng; những trẻ không tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và/hoặc không được cung cấp đủ vitamin D; những trẻ chỉ ăn/uống sữa bò và/hoặc các sản phẩm từ sữa bò không giàu vitamin D; những trẻ có bệnh  mạn tính mà ảnh hưởng tới sự hấp thu dưỡng chất (ví dụ trẻ bị bệnh gan làm không hấp thu được mỡ nên được bổ sung các vitamin tan trong mỡ như A, D, E, K. Những trẻ bị thiếu máu huyết tán thì nên được bổ sung acid folic). Đối với trẻ đang cố gắng giảm cân hoặc có một chế độ ăn kiêng quá khắt khe (ví dụ  những trẻ ăn chay trường, tránh tất cả các chế phẩm từ thịt, trứng, sữa, chế phẩm từ sữa) thì nên được cung cấp vitamin B12, sắt, vitamin D...


BS. Trần Công
Ý kiến của bạn