Khi nào cần bổ sung vitamin B6?

17-01-2012 16:28 | Dược
google news

Vitamin B6 còn có tên là pyridoxine, có vai trò quan trọng trong chuyển hóa protein, glucid và lipid. Vitamin B6 còn tham gia tổng hợp acid gamma - aminobutyric (GABA) trong hệ thần kinh trung ương

Vitamin B6 còn có tên là pyridoxine, có vai trò quan trọng trong chuyển hóa protein, glucid và lipid. Vitamin B6 còn tham gia tổng hợp acid gamma - aminobutyric (GABA) trong hệ thần kinh trung ương và tham gia tổng hợp hemoglobulin. Nhu cầu hàng ngày cho trẻ em là 0,3 - 2mg, người lớn khoảng 1,6 - 2mg và người mang thai hoặc cho con bú là 2,1 - 2,2mg. Khi bị thiếu hụt vitamin B6 có thể dẫn đến thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm da tăng bã nhờn, khô nứt môi.

Có nhiều nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt vitamin B6 như do dinh dưỡng (khi thiếu hụt do dinh dưỡng, ít gặp trường hợp thiếu đơn độc một vitamin nhóm B, vì vậy, bổ sung vitamin dưới dạng hỗn hợp có hiệu quả hơn dùng đơn lẻ. Trong trường hợp này tốt nhất vẫn là cải thiện chế độ ăn), do rối loạn hấp thu, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hoặc rối loạn do thuốc gây nên. Với người bệnh điều trị bằng isoniazid (thuốc chống lao) hoặc phụ nữ uống thuốc tránh thai, nhu cầu về vitamin B6 hàng ngày sẽ nhiều hơn bình thường.

Vì vậy, trong các trường hợp khi nhu cầu cơ thể tăng cao, nghiện rượu, bỏng, suy tim sung huyết, sốt kéo dài, cắt bỏ dạ dày, lọc máu, cường tuyến giáp, nhiễm khuẩn, bệnh đường ruột (như tiêu chảy, viêm ruột), kém hấp thu liên quan đến bệnh về gan - mật cần bổ sung vitamin B6 bằng thuốc.

DS. Hoàng Thu


Ý kiến của bạn