Vitamin B12 là chất dinh dưỡng tham gia vào nhiều hoạt động trong cơ thể: Giúp sản xuất tế bào hồng cầu, tương tác giảm nồng độ acid amin homocysteine liên quan đến các bệnh tim mạch, Alzheimer, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, quá trình sản xuất năng lượng...
Thiếu vitamin B12 có thể gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, tổn thương hệ thần kinh không hồi phục, thiếu năng lượng trường diễn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…
1. Khi nào cần bổ sung vitamin B12?
1.1. Tê tay, chân
Nếu tay hoặc chân có cảm giác như đang bị kim châm thì đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B12. Vitamin B12 tạo ra myelin, lớp vỏ bảo vệ dây thần kinh. Sự thiếu hụt B12 có thể làm hỏng lớp vỏ bảo vệ bao bọc dây thần kinh này. Dây thần kinh không được che phủ sẽ bị tổn thương, khiến dây thần kinh bị co rút và tạo ra cảm giác tê và châm chích.
1.2. Lạnh tay, chân
Nếu không có đủ vitamin B12, cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể (thiếu máu). Điều đó có thể gây run rẩy và lạnh, đặc biệt là ở tay và chân.
1.3. Sương mù não
Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến trầm cảm, lú lẫn, các vấn đề về trí nhớ và sa sút trí tuệ.
1.4. Suy nhược, mệt mỏi
Thiếu vitamin B12 sẽ khiến cơ thể ít tế bào hồng cầu cần thiết cho việc vận chuyển oxy hơn. Điều này khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi, kiệt sức, choáng váng.
Các triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng do thiếu ngủ, căng thẳng hoặc làm việc quá sức.
1.5. Ăn chay trường
Sự thiếu hụt vitamin B12 rất hiếm xảy ra vì cơ thể có thể dự trữ lượng chất này trong vài năm. Nhưng nếu ăn chế độ ăn không có vitamin B12 kéo dài có thể gây ra hiện tượng thiếu vitamin B12. Điển hình là những người ăn chay trường.
1.6. Người già
Khi già đi, cơ thể hấp thụ vitamin B12 khó khăn hơn. Nếu để tình trạng này kéo dài mà không điều trị, nồng độ vitamin B12 thấp có thể dẫn đến thiếu máu, tổn thương thần kinh, ủ rũ và các vấn đề nghiêm trọng khác.
1.7. Phẫu thuật giảm cân
Một trong những phương pháp giảm cân phổ biến là bắc cầu dạ dày. Phương pháp này sẽ tạo ra một túi nhỏ từ dạ dày, kết nối nó vào ruột non. Khi người bệnh ăn uống, thức ăn sẽ đi vào phần nhỏ của dạ dày được tạo ra và trực tiếp đổ vào ruột non, nơi vitamin B12 phân hủy thành dạng có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, lượng vitamin B12 sẽ bị giảm hấp thu đáng kể. Điều này có thể dẫn tới thiếu máu ác tính và rối loạn thần kinh.
1.8. Loét miệng
Thiếu vitamin B12 có thể xuất hiện những vết loét trên nướu hoặc lưỡi, gây sưng, đỏ và đau. Người thiếu vitamin B12 nặng thường cảm thấy ngứa miệng, bỏng và rát lưỡi, nhất là bề mặt lưỡi,
Các vết loét thường tự khỏi nhưng nên tránh các thành phần có thể gây kích ứng hoặc đau đớn, như giấm, cam quýt và gia vị cay. Ngoài ra, có thể dùng một số loại thuốc không kê đơn để làm dịu cơn đau của loét miệng.
1.9. Đang uống một số loại thuốc
Một số loại thuốc làm giảm mức vitamin B12 hoặc khiến cơ thể khó dung nạp vitamin B12 hơn. Các thuốc gồm: Cloramphenicol, thuốc ức chế bơm proton (lansoprazole và omeprazole), thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng (cimetidine và famotidine), metformin (trị đái tháo đường).
Ngoài ra, thiếu hụt vitamin B12 cũng gây ra các vấn đề tiêu hóa: Chán ăn, sụt cân quá nhiều hoặc táo bón.
Mặc dù cơ thể không tự sản xuất được vitamin B12, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ cung cấp đủ lượng vitamin B12. Nguồn thực phẩm tự nhiên chứa nhiều vitamin B12 bao gồm: Sữa, thịt, hải sản, gan động vật, trứng, ngũ cốc…
2. Trường hợp nào cần bổ sung vitamin B12?
Một số trường hợp cần bổ sung vitamin B12:
- Người có chế độ ăn uống kém.
- Các trường hợp đặc biệt: Người già, phụ nữ mang thai và cho con bú, người từng thực hiện phẫu thuật đường tiêu hóa, cắt bỏ ruột thừa, hút mỡ bụng; người ăn chay; người mắc bệnh rối loạn tiêu hóa (bệnh không dung nạp Gluten, bệnh Crohn…); người đang uống thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, thuốc giảm acid dạ dày, uống quá nhiều đồ uống có cồn…
Lưu ý, tùy từng lứa tuổi, tùy theo mỗi trường hợp mà có nhu cầu bổ sung vitamin B12 khác nhau. Thông thường, người từ 14 - 50 tuổi nhu cầu là 2,4 mcg/ngày. Khi cơ thể có các triệu chứng thiếu hụt vitamin B12, cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra. Tuyệt đối không được tự ý bổ sung vitamin B12 khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C.