Hà Nội

Khi nào bướu cổ cần điều trị?

28-05-2018 14:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Do rất phổ biến nên bướu cổ thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ngay cả khi điều trị để ngăn ngừa biến chứng về sau cũng không hiệu quả, nên không phải lúc nào cũng cần điều trị.

Bướu cổ là gì?

Bướu cổ là danh từ chung để chỉ bướu xuất phát từ tuyến giáp, trong y học gọi là bướu giáp, bao gồm nhiều loại như phình giáp lan tỏa hay có hạt, viêm giáp, cường giáp, suy giáp, bướu lành, ung thư. Tất cả được xếp làm 3 nhóm: bướu lành, ung thư và rối loạn chức năng tuyến giáp, mỗi nhóm lại có nhiều loại.

Tuyến giáp hình như con bướm nằm ở phần dưới trước cổ, dưới lớp da và cơ, tựa trên khí quản (đường thở). Tuyến giáp bình thường hoặc khi to nhẹ,chúng ta nhìn hoặc sờ không thấy. Ngoài ra, phía sau tuyến giáp còn có thực quản dẫn thức ăn từ miệng xuống bao tử, đặc biệt còn có dây thần kinh hồi thanh điều khiển thanh quản khi phát âm và các tuyến phó giáp, là hai cấu trúc hết sức quan trọng cần phải tìm và bảo tồn trong lúc mổ.

Khi nào bướu cổ cần điều trị?Khi bị bệnh sẽ gây ra những bất thường ở cổ

Ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Bệnh bướu cổ rất phổ biến, có thể đến 70% dân số mắc phải, nhưng hầu hết bướu cổ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe do bướu cổ thường là loại phình giáp không có rối loạn chức năng tuyến giáp, còn gọi phình giáp đơn thuần.

Ngay cả khi bướu giáp rất to cũng ít khi gây nuốt vướng hoặc khó nuốt (do chèn vào đường ăn), khó thở (do chèn vào đường thở) vì bướu thường lớn ra phía trước và hai bên.

Bệnh bướu cổ rất phổ biến, có thể đến 70% dân số mắc phải

Một số ít trường hợp bướu to gây chèn ép, hoặc ung thư xâm lấn xung quanh hay di căn, hoặc có rối loạn chức năng tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bướu chèn ép hoặc xâm lấn gây khó thở, khó nuốt, khàn tiếng, đau nhức. Khi bướu gây rối loạn chức năng dẫn đến tăng cân hoặc sụt cân, mệt mỏi, hồi hộp ở ngực, rung tay, đổ mồ hôi...Tuy nhiên, nhiều bệnh khác cũng gây ra các bất thường này, khi thăm khám bác sĩ sẽ xác định bệnh. Cũng nên chú ý, đôi khi có bướu cổ và các cảm giác khó chịu vùng cổ nhưng không phải do bướu gây ra, do bệnh khác, nghĩa là có hai bệnh một lúc.

Làm sao biết được mình bị bướu cổ?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nên khi bị bệnh sẽ gây ra những bất thường ở cổ hoặc bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Khi thấy cổ to ra hoặc có các dấu hiệu kể trên hoặc có bất cứ thay đổi nào trong cơ thể nên đến cơ sở y tế thăm khám, bác sĩ có nhiệm vụ xác định bệnh bướu cổ hay bệnh cơ quan khác.

Các phương pháp điều trị?

Nói chung, điều trị bướu cổ bao gồm các phương pháp: uống thuốc, thuốc xạ trị, mổ hoặc chỉ theo dõi mà không điều trị gì.

Uống thuốc: tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các loại khác nhau, như thuốc nội tiết tố tuyến giáp, thuốc iốt, kháng giáp, kháng sinh, thuốc corticoid, ức chế thụ thể Beta...

Thuốc xạ trị là dạng iốt phóng xạ, thuốc này có tác dụng phá hủy tế bào tuyến giáp.

Mổ là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, tùy loại bướu cổ mà lựa chọn một trong các phương pháp cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp. Nên nhớ chỉ cắt bướu, còn gọi là bóc nhân giáp, ngày nay không còn sử dụng nữa do không đảm bảo lấy hết gốc rễ và an toàn phẫu thuật, hoặc khi cần mổ lại vì kết quả ác tính sau lần mổ trước sẽ khó khăn và dễ gây biến chứng khàn tiếng hoặc tê tay chân.

Ngoài ra, trong một số trường có thể chọc hút bằng kim để rút nướccho trường hợp bướu chứa nước (trong chuyên môn gọi là nang giáp).

Theo dõi: khi bướu lành, nhỏ, không gây khó chịu, thường được chọn theo dõi, không cần bất cứ điều trị gì và theo thời gian hầu hết không gây biến chứng. Phương pháp theo dõi là tái khám định kỳ, mỗi 1 - 2 năm đi khám một lần nếu  bản thân không thấy bất cứ thay đổi nào trên cơ thể.

Khi nào bướu cổ cần điều trị?Sau khi cắt bướu

Khi nào bướu cổ cần điều trị?

Do rất phổ biến nên bướu cổ thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ngay cả khi điều trị để ngăn ngừa biến chứng về sau cũng không hiệu quả, nên không phải lúc nào cần điều trị.

Các trường hợp phải điều trị:

- Suy giáp TSH > 10 mIU/ml (Viêm giáp mạn, bán cấp, thay thế).

- Cường giáp/nhiễm độc giáp lâm sàng (bệnh cường giáp, viêm giáp bán cấp/mạn, phình giáp hạt, u tuyến ).

- Ung thư, nghi nhờ ung thư ≥ 1 cm.

- Ung thư  < 1cm có di căn.

- Bướu lành có dấu hiệu chèn ép.

Ngay cả khi bướu giáp rất to cũng ít khi gây nuốt vướng hoặc khó nuốt, khó thở vì bướu thường lớn ra phía trước và hai bên

Các trường hợp cân nhắc điều trị:

- Cường giáp/nhiễm độc giáp dưới lâm sàng.

-Ung thư, nghi ngờ ung thư nhỏ  <1cm.

- Bướu lành to không dấu hiệu chèn ép.

Các trường hợp không cần điều trị:

- Suy giáp nhẹ TSH < 10 mIU/mL.

- Bướu lành nhỏ.

Khi nào mổ?

Điều đầu tiên cần nhớ là không phải tất cả các loại bệnh bướu cổ đều phải mổ.

Chỉ mổ trong các trường hợp:

- Bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt, hoặc gây mất thẩm mỹ.

- Ung thư hoặc nghi ngờ ung thư.

- Rối loạn chức năng tuyến giáp loại cường giáp: mổ là một lựa chọn với 2 phương pháp uống thuốc hoặc iốt phóng xạ.

Không mổ trong các trường hợp:

- Bướu lành nhỏ.

- Bướu lành to nhưng không chèn ép khó thở khó nuốt, không khó chịu vùng cổ.

- Bướu lành không gây mất thẩm mỹ, tính thẩm mỹ do bệnh nhân quyết định.


BS.CKII. NGUYỄN HỮU HÒA
Ý kiến của bạn