Hà Nội

Khi nào áp dụng Đông y điều trị và dự phòng hen phế quản?

SKĐS - Bệnh hen phế quản cần được kiểm soát tốt, sử dụng các thuốc dự phòng để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Vậy khi nào dùng Đông y điều trị và dự phòng bệnh hen phế quản?

1. Đông y tham gia điều trị hen phế quản ở giai đoạn nào?

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số, tương đương khoảng 4 triệu người mắc và khoảng 3.000 – 4.000 người tử vong mỗi năm. Quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Việt Nam.

Hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm long hô hấp và hẹp đường thở, thường gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến 1-18% dân số tùy theo mỗi quốc gia. Bệnh hen ảnh hưởng đến 358 triệu người trên toàn thế giới. Hiện chưa có đủ bằng chứng về nguyên nhân gây ra bệnh, tuy nhiên di truyền và yếu tố môi trường sống đóng vai trò quan trọng.

Khi nào áp dụng Đông y điều trị và dự phòng hen phế quản? - Ảnh 1.

Khoảng 4 triệu người Việt Nam mắc hen phế quản.

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, các trường hợp bệnh hen phế quản trung bình và nặng cần can thiệp bằng các phương pháp tây y, giúp người bệnh kiểm soát tốt và kịp thời cắt cơn hen cấp.

Đối với các trường hợp bệnh hen phế quản ở thể nhẹ có thể điều trị bằng đông y hoặc kết hợp đông y với tây y để điều trị bệnh.

2. Đông y phòng và trị hen phế quản như thế nào?

Hen phế quản Đông y còn gọi là bệnh suyễn.

Hen phế quản là một bệnh khá phổ biến do cảm phải ngoại tà, ăn uống, tình chí thất thường, làm việc quá sức...

Về tạng phủ do sự thay đổi hoạt động của tạng phế và thận vì phế khí tuyên giáng và thận nạp khí; nếu phế khí nghịch, thận không nạp khí gây các chứng khó thở, tức ngực...

Bệnh có liên quan mật thiết với đàm. Trên lâm sàng thấy các hiện tượng đờm nhiều, khó thở, tức ngực, cảm giác như trong phổi có dịch nước trào dâng lên từng cơn…

Bệnh xảy ra mạn tính hay tái phát, lúc lên cơn thường là chứng thực, ngoài cơn thuộc chứng hư. Vì vậy khi chữa bệnh phải phân biệt tiêu bản, hoãn cấp mà xử trí. Khi lên cơn phải dùng  thuốc cắt hen (tây y) để hết cơn, kết hợp với các phương pháp châm cứu, xoa bóp thuốc đông y... Khi hết cơn phải chữa vào gốc bệnh tức là tỳ, phế, thận để đề phòng tái phát.

Khi nào áp dụng Đông y điều trị và dự phòng hen phế quản? - Ảnh 3.

Lá hen hỗ trợ điều trị bệnh hen phế quản.

Trong điều trị hen phế quản, bên cạnh các phương pháp của y học hiện đại, có thể kết hợp điều trị hen phế quản bằng thuốc nam nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giúp giảm liều, giảm độc tính của thuốc hóa dược. Các loại thuốc nam như cây lá hen, lá cúc tần, hạt tía tô, gai bồ kết…

Các bài thuốc trị hen phế quản như "Ngọc bình phong tán" gia giảm, "Quế chi gia hoàng kỳ thang"… Tùy vào từng thể bệnh hen phế quản, giai đoạn bệnh, thể trạng bệnh mà các thầy thuốc đông y lựa chọn bài thuốc phù hợp.

Ngoài ra, còn có các món ăn bài thuốc hỗ trợ bệnh hen phế quản như rau hẹ xào trứng, cao tỏi, canh lạc nhân đường phèn lá dâu… Các món ăn này giúp người bệnh hen phế quản hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh, tăng cường sức đề kháng.

Các bài tập khí công, các bài tập thở, tập ho tống đờm, các bài tập vỗ rung… cũng giúp tăng cường chức năng hô hấp, phòng ngừa các cơn hen tái phát ở bệnh nhân hen phế quản.

Xoa bóp, bấm huyệt giúp bệnh nhân hen phế quản sống khỏe cùng bệnh hen, ngăn ngừa các cơn hen cấp. Bấm các huyệt như vân đột, đản trung, thiên môn… giúp hỗ trợ điều trị cắt cơn và dự phòng tái phát.

Khi nào áp dụng Đông y điều trị và dự phòng hen phế quản? - Ảnh 4.

Rau hẹ xào trứng hỗ trợ điều trị bệnh hen phế quản.

Châm cứu là một biện pháp hỗ trợ điều trị hen phế quản. Châm bổ các huyệt: Thiên đột, chiên trung, phong môn, định suyễn, liệt khuyết, tam âm giao, phong long, túc tam lý.

Cứu các huyệt: Phế du, cao hoang, thận du.

Nhĩ châm: Châm các huyệt bình suyễn, tuyến thượng thận, giao cảm, thần môn, phế du.

Bên cạnh đó, người bệnh hen phế quản cũng cần biết những điều nên và không nên trong cuộc sống để sống khỏe cùng bệnh hen phế quản. Người bệnh cũng cần chú ý những thực phẩm nào nên ăn và nên tránh, giúp cải thiện bệnh, không làm trầm trọng thêm bệnh.

Khi nào áp dụng Đông y điều trị và dự phòng hen phế quản? - Ảnh 5.

Day bấm huyệt đản trung hỗ trợ điều trị hen phế quản.

Để phòng ngừa các cơn hen tái phát, người bệnh cần:

  • Luyện tập thường xuyên: Nhằm dễ dàng thích nghi được với sự thay đổi thời tiết. Đặc biệt là trời lạnh, ẩm, gió nhiều tác động vào cơ thể là yếu tố tác động làm cơn hen dễ tái phát.
  • Về dinh dưỡng: Chú ý cơ thể phản ứng với loại thức ăn gì (da gà, trứng, nhộng, cua, ốc, tôm ...). Cơn hen có thể xuất hiện do ăn uống, ngửi hoặc hít phải một số mùi vị nào đó.
  • Về yếu tố tâm lý: Lo lắng, buồn phiền, tức giận, sợ hãi… đều là yếu tố bất lợi cho người bệnh hen. Sống an nhiên, thoải mái, lạc quan để cơn hen không hoặc ít có cơ hội xuất hiện.
  • Tránh lông động vật, phấn hoa Không nuôi và chơi với các động vật nhiều lông nhỏ như chó, mèo, và các dị nguyên khác như phấn hoa, môi trường nhiều khói bụi…
  • Cơn hen có thể xuất hiện do gắng sức, mệt mỏi; phòng ngừa cơn hen tái phát cần thực hiện chế độ lao động, sinh hoạt phù hợp; giữ gìn sức khỏe, tăng cường sức đề kháng là yếu tố rất quan trọng, cơ thể khỏe thì cơn hen lui.

Tóm lại, khi bệnh hen phế quản ở thể trung bình và nặng người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các phương pháp điều trị của y học hiện đại để kiểm soát và ngăn ngừa cơn hen cấp ác tính có thể xảy ra, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với các thể hen nhẹ có thể kết hợp các phương pháp chữa bệnh của Đông y. Đặc biệt, để dự phòng cơn hen cấp, Đông y có thể tham gia tích cực vào quá trình này bằng nhiều phương pháp khác nhau giúp người bệnh sống khỏe cùng bệnh hen.

Xem thêm video đang được quan tâm:

6 thói quen sau ăn hại dạ dày ghê gớm, người Việt hay mắc phải.



Hải Long
Ý kiến của bạn