Dứa có làm kích thích chuyển dạ không?
Dứa có chứa bromelain. Viên uống có chứa bromelain không được khuyến nghị dùng khi đang mang thai bởi nó có thể phá vỡ protein trong cơ thể và dẫn đến chảy máu bất thường. Tuy nhiên, lượng bromelain trong một quả dứa không ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. Trên thực tế, để tạo ra ảnh hưởng đến thai kỳ, bạn phải ăn từ 7-10 trái dứa cùng một lúc, và điều này hầu như không thể xảy ra.
Do vậy, bạn lưu ý nhé: Ăn dứa với mức độ vừa phải, như một trái cây sẽ không có tác động tiêu cực lên thai kỳ của bạn.
Dứa có thể trở thành một phần của bữa ăn trong thai kỳ không?
Bữa ăn lý tưởng trong thai kỳ sẽ được tạo nên từ các loại thực phẩm trong tháp dinh dưỡng. Cùng với việc uống nhiều nước, bạn nên cố gắng ăn đủ nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và khỏe mạnh để có được sức khỏe tốt nhất.
Thực phẩm thuộc các nhóm sau đây sẽ giúp em bé của bạn có thêm vitamin và chất khoáng để tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh:
- Ngũ cốc
- Trái cây và rau xanh
- Protein (thịt, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại đậu)
- Các chế phẩm từ sữa
Các yếu tố tuổi tác, chiều cao, cân nặng và các yếu tố dinh dưỡng khác sẽ quyết định lượng thức ăn bạn nên ăn là bao nhiêu. Ví dụ, với một người phụ nữ 25 tuổi, nặng khoảng 63kg, cao khoảng 1.63m thì nên ăn khoảng 250 gam trái cây và rau quả một ngày trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, lượng trái cây và rau quả khuyến nghị tăng lên khoảng 275gam. Một phụ nữ cao khoảng 1.75m có thể sẽ phải cần đến khoảng 300g rau quả một ngày.
Vậy bạn nên ăn những gì? Phụ thuộc vào từng mùa, có rất nhiều loại trái cây và rau quả bạn có thể ăn. Các lựa chọn tốt nhất bao gồm: táo, cam, đậu xanh, mơ, xoài, dứa, khoai lang, rau cải, bí đỏ...
Nếu bạn không có sẵn rau quả tươi, bạn có thể sử dụng rau quả đông lạnh, đóng hộp hoặc rau quả sấy khô để thay thế
Đưa dứa vào bữa ăn của như thế nào?
Mỗi trái dứa chứa hơn 100% lượng vitamin khuyến nghị bạn cần trong ngày. Dứa cũng là nguồn cung cấp rất tốt các chất sau:
- Folate
- Sắt
- Magie
- Mangan
- Đồng
- Vitamin B6
Đây là những loại dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của em bé nói riêng và rất tốt cho sức khỏe của bạn nói chung.
Nếu bạn muốn bổ sung thêm dứa vào bữa ăn trong thai kỳ của bạn nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu, bạn có thể thêm dứa bằng rất nhiều cách:
- Cắt các miếng dứa tươi và thêm vào món sữa chua để ăn sáng
- Chế biến dứa thành sinh tố
- Làm salad với dứa
- Làm kem dứa
- Kết hợp dứa với các món xào hoặc dùng để làm bánh pizza
Nguy cơ của việc ăn dứa trong khi mang thai
Ăn dứa có thể không nguy hiểm hoặc không làm bạn sinh non, nhưng nếu ăn một lượng dứa rất lớn (khoảng 7 - 10 quả cùng một lúc) có thể sẽ đem lại cho bạn ảnh hưởng không mong muốn như đã trao đổi ở trên.
Nên thận trọng nếu dạ dày của bạn nhạy cảm. Axit trong dứa có thể làm bạn bị ợ nóng hoặc trào ngược axit. Tốt nhất, bạn nên ăn dứa với lượng vừa phải thôi nhé. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu bạn bị nghén nhiều như nôn hoặc ợ nóng, hãy rất hạn chế loại quả này.
Nếu bạn không thường xuyên ăn dứa nhưng lại xuất hiện các triệu chứng dị ứng sau khi ăn dứa, bạn nên hỏi bác sỹ hoặc đi khám ngay. Các triệu chứng dị ứng bao gồm:
- Ngứa hoặc sưng phù miệng
- Phản ứng dị ứng trên da
- Khó thở như kiểu hen suyễn
- Ngạt mũi, chảy nước mũi.
Các phản ứng này thường sẽ xuất hiện sau khi ăn dứa vài phút đến vài giờ. Bạn sẽ dễ bị dị ứng với dứa hơn nếu bạn cũng dị ứng với phấn hoa hoặc cao su.
Bạn cần nhớ điều gì?
Ăn dứa trong khi mang thai không gây sảy thai hoặc sinh sớm. Bạn có thể thưởng thức dứa tươi với một lượng vừa phải. Nếu bạn lo lắng về việc ăn dứa, hãy trao đổi với bác sỹ về mối lo ngại của bạn để được tư vấn kịp thời về dứa cũng như các loại thực phẩm, hoa quả khác có thể giúp bạn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và an toàn cho thai nhi cũng như chính bạn.