Khi ma túy đội lốt bánh ngọt

03-11-2014 08:00 | Thời sự
google news

“Bánh lười” (hay còn gọi là Lazy Cakes) được làm tương tự những loại bánh ngọt khác với nguyên liệu là bơ, đường, sữa, trứng...

“Bánh lười” (hay còn gọi là Lazy Cakes) được làm tương tự những loại bánh ngọt khác với nguyên liệu là bơ, đường, sữa, trứng... Tuy nhiên, ít ai biết, thành phần đặc biệt để làm nên loại bánh này chính là cần sa. Đặc biệt, với việc sử dụng chỉ cần nhai và nuốt giống như người ta ăn một chiếc bánh ngọt, du nhập vào Việt Nam, “bánh lười” đang trở thành mối nguy hại mới.

Dễ sử dụng, lạ, rẻ

Theo Thượng úy Giang Văn Nam - Đội phó Đội Phòng chống tội phạm về tiền chất và ma túy tổng hợp (Đội 4, Phòng PC47-Công an Hà Nội), thời gian gần đây, xuất hiện nhiều du học sinh đem ma túy tổng hợp loại mới về nước. Cách đây không lâu, vào đầu tháng 3/2014, Đội 4 bắt quả tang các đối tượng mua bán “bánh lười”, xuất xứ từ châu Âu. Ngay sau đó, CQĐT đồng loạt bắt, khám xét các đối tượng Trần Diễm Phương (SN 1992), Trần Việt Lộc và Võ Trung Đức, thu giữ 21 bánh chất dẻo màu nâu (nghi “bánh lười”) có trọng lượng 2,7kg, gần 900g cần sa cùng nhiều vật dụng chế xuất. Khai nhận với lực lượng chức năng, Trần Diễm Phương khai do có thời gian sinh sống ở Hà Lan nên biết đến Lazy Cakes. Phương tự “học hỏi”, nắm được công thức chiết xuất tinh chất ma túy có trong cần sa để làm “bánh lười”. Sau khi về nước, Phương bàn với Lộc và móc nối với Đức để mua cần sa thảo mộc sản xuất loại bánh này. Khi các đối tượng đang định mở rộng quy mô, địa bàn sản xuất thì bị công an bắt giữ.

Bánh lười, một dạng ma túy mới nhiều hiểm nguy.

Bánh lười, một dạng ma túy mới nhiều hiểm nguy.

Du nhập vào Việt Nam qua các du học sinh và đang ngày càng được nhiều “dân chơi” ưa chuộng, bánh lười được coi như một thú chơi mới. Một ưu điểm nữa để loại bánh này được nhiều “dân chơi” tìm đến đó là lạ và rẻ (khi về Việt Nam có giá khoảng 100.000 - 120.000đ/chiếc). Đặc biệt, bánh được sử dụng như ăn một loại bánh ngọt thông thường nên rất dễ “qua mặt” các vị phụ huynh. Theo tìm hiểu, trong thành phần của “bánh lười” có búp cây cần sa (còn gọi là pin, cỏ) xay nhuyễn rồi trộn bơ. Sau đó, hỗn hợp trên được trộn với sôcôla, bột mì, trái cây rồi đem nướng. Khoảng 20 phút sau khi ăn, chất kích thích sẽ ngấm qua máu vào người, người ăn sẽ có cảm giác dễ chịu, đầu óc được giải phóng. Ngoài ra, loại bánh này còn dễ làm người sử dụng buồn ngủ, thích nằm một chỗ và cười.

Gây tổn hại đến sức khỏe

Theo ông Đặng Anh Tuấn - Giáo viên Bộ môn Pháp luật - Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, những năm gần đây trên thế giới và khu vực đã xuất hiện một loại tệ nạn đáng báo động, đó là tình trạng thanh, thiếu niên lạm dụng một số chất gây nghiện tồn tại dưới dạng các dung môi hữu cơ có tác dụng giống như những tiền chất ma túy và một số loại thảo dược thuộc họ cần sa đang trở nên phổ biến và hệ quả là sau khi sử dụng các loại chất này gây ra tác hại ghê gớm về sức khỏe con người. Tệ nạn này thời gian qua đã lây lan, du nhập vào một số thành phố lớn ở nước ta và đang được một số thanh, thiếu niên, kể cả học sinh phổ thông lạm dụng như một thú giải trí nguy hiểm. Người sử dụng “pin” (cần sa) lâu dài sẽ tổn thương các tế bào não và có thể làm người sử dụng bị suy nhược thần kinh, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung. Qua cơn “phê” thuốc, cảm giác đầu tiên của người hút “pin” là đói, khát đến cồn cào nên uống nhiều nước hoặc đói. Ngoài ra, nếu những người sử dụng các chất ma túy khác khi bị cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành xét nghiệm nhanh tại chỗ bằng các loại thuốc thử thông thường sẽ cho kết quả dương tính, nhưng đối với người sử dụng “pin” khó xét nghiệm có dính chất ma túy hay không vì một số xét nghiệm nhanh hiện nay không phản ứng với loại “pin” này.

Trên một website nước ngoài, Lazy Cakes đã được các bác sĩ đưa ra nhiều khuyến cáo vì thành phần chính của “bánh lười” là cỏ, có chứa melatonin - một loại hormon được sản xuất trong cơ thể và giúp chúng ta dễ ngủ hơn. Nhưng số lượng melatonin trong “bánh lười” có chứa hàm lượng melatonin gấp nhiều lần so với lượng melatonin được sản xuất trong cơ thể của một người. Chính vì quá nhiều melatonin nên có thể gây suy hô hấp và khiến người dùng lâm vào trạng thái mê man, gây tổn hại đến sức khỏe.

Có thể khẳng định rằng, “bánh lười” thực chất là một loại chất gây nghiện. Đặc biệt, một điểm lưu ý đối với các bậc phụ huynh là loại chất gây nghiện này được ngụy trang dưới hình thức một chiếc bánh ngọt thông thường. Tuy chỉ gây ra ảo giác nhẹ với người sử dụng, song điều nguy hiểm hơn là những con nghiện của loại chất gây nghiện này thường có xu hướng sử dụng các loại nặng hơn như ketamin, hay ma túy đá và từ đây hệ lụy sẽ là khôn lường đối với gia đình và xã hội.

Anh Nguyên

 


Ý kiến của bạn