Khi lòng trắc ẩn đến sai địa chỉ

09-09-2019 08:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lòng trắc ẩn trước những cảnh ngộ éo le trở thành hành động từ thiện là nét đẹp truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.

Thế nhưng, lòng trắc ẩn đang bị lợi dụng từ những kẻ lười biếng đã gây sự nghi ngờ trong xã hội khiến những cảnh ngộ nghèo khó trên đường trở nên bơ vơ...

Một chiều Hà Nội mưa, tôi trú trong một bưu cục, thấy một bà tuổi sồn sồn vào nhờ nhân viên ở đây đổi tiền lẻ thành tiền chẵn. Chuyện đổi tiền cũng là bình thường khi bưu cục cần tiền lẻ để trả lại khách nhưng chuyện không bình thường là “bà đổi tiền”, sau khi đổi xong thở dài:

- Chán quá, mưa suốt, kiếm cả ngày chưa được 3 trăm bạc.

3 trăm bạc tức là 300 ngàn đồng và ngạc nhiên hơn đó là thu nhập ngày mưa của bà hành khất khi được cô nhân viên bưu cục giải thích có phần ghen tỵ:

- Chả phải học hành, vốn liếng gì mà thu nhập hơn hẳn chúng em bác ạ! Tháng kiếm không dưới 15 triệu ngon ơ.

- Làm gì được lắm thế! - tôi tỏ ý nghi ngờ...

- Trung bình 10 phút xin được 1 người, 1 tiếng là 6 người nhân chục tiếng là 60 người, mỗi người ít nhất là 5 ngàn trở lên... Họ cứ nhè vào các đôi đang uống nước để các chàng có dịp “ga lăng” thì dăm ba chục là bình thường, không thì cái giá “xua đuổi” khi bị “ám” cũng phải là một chục.

Những tình cảnh éo le, khó khăn thật đang xảy ra trên đường không thiếu nhưng “hành khất giả” với những thủ đoạn lừa đảo đã làm đổ vỡ niềm tin của mọi người.

Những tình cảnh éo le, khó khăn thật đang xảy ra trên đường không thiếu nhưng “hành khất giả” với những thủ đoạn lừa đảo đã làm đổ vỡ niềm tin của mọi người.

Hóa ra Hà Nội và các đô thị bây giờ lại còn có một nghề gọi là nghề hành khất. Đã là “nghề” thì chuyện xin chay chỉ là số nhỏ mà nhiều khi phải có “đạo cụ” làm phương tiện đánh thức lòng trắc ẩn. “Phương tiện” ấy là những đứa trẻ gợi sự xót xa, là những hóa trang thành vết thương lở loét khiến người bị xin thấy rợn mà móc ví cho nhanh.

Người ở đâu vào thành phố thuê trọ định làm “nghề” này không thoát khỏi cặp mắt của “dân xã hội” và không thoát cảnh bị chăn dắt cũng chả thiếu. Họ vừa là tác nhân và cũng là nạn nhân của trò lừa đảo khi được cho thuê trẻ, được dạy nghề, bị bảo kê từ những kẻ khỏe mạnh chiều chiều ngồi thu phế! Bị bảo kê chăn dắt tức là bị trấn khoản thu nhập nhưng ngược lại, đại ca bảo kê và đàn em lại “cấp” cho vị trí “ngon” như ở chùa, các khu di tích thắng cảnh - nơi khách không thiếu tiền mong mình “từ bi hỷ xả” có thể được “chứng” cho những nguyện vọng sẽ hay đã khấn cầu.

Ngồi uống nước ở quán gần chùa nọ, bà bán nước bảo:

- Họ kiếm cũng khá nhưng có ăn được hết đâu. Phải nộp khoán cho “bọn chúng”.

- Không nộp thì sao?

- Thì phải biến đi nơi khác. Và họ chấp nhận miễn là thu nhập hơn ở quê làm ruộng nhiều.

Dò hỏi mới hay không ít người trong đội quân hành khất trước kia không những không nghèo khó mà còn no đủ là đằng khác. Nông thôn đô thị hóa, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị và “quy hoạch” trả cho chuyện mất đất dời nhà không phải là ít. Nhà đất bán đi hoặc được đền bù với cục tiền chưa bao giờ to thế trong nhà như của bắt được rồi con cái xâu xé, lô đề cờ bạc chả mấy “quay về cái máng lợn” và cứu cánh duy nhất là ra thành phố sống nhờ lòng từ thiện, hảo tâm.

Bao bận thành phố ra quân “quét” vấn nạn hành khất, thu gom đối tượng trả về địa phương, nhưng địa phương nào cũng chỉ giữ được người ở lại chứ giữ sao được người đi, nhất là thời nay không còn sổ gạo và tem phiếu ràng buộc. Thế là những cuộc “ra quân” cứ như bắt cóc bỏ đĩa, hết đợt thu gom là thành phố lại “nguyễn y vân”.

Ấy là nói chuyện người ở nông thôn ra thành phố chứ người sống tại thành phố cũng hành khất rất... hiện đại. Họ không ngửa tay xin, không ăn mặc rách rưới, thậm chí rất lịch sự để hành khất theo kiểu hiện đại.

Nhiều cơ quan, anh em hay rủ nhau ra quán nước, bỗng một ngày đẹp trời thấy một người đàn bà ngoại 60 sà vào bàn anh em đang ngồi và hỏi thăm “có phải các cháu ở cơ quan X không?”. Nghe ai đó “Vâng” một câu là người lạ mừng như gặp người quen cũ rồi hỏi thăm rối rít toàn về... những người đã hưu hay chuyển cơ quan khác. Chuyện qua chuyện lại, và rất khéo, người đàn bà nọ nhận từng làm việc ở chỗ các bạn trẻ. Và tất nhiên, đích cuối cùng sau khi thở than mới là câu giãi bày:

- Chồng cô đang nằm viện, tưởng thuốc thang viện phí vài triệu đã đem theo mà vẫn thiếu mất 4 trăm rưởi, nhà lại tít tận...

Thế là lòng trắc ẩn của cánh trẻ nổi lên, người 5-3 chục, có người rút cả 1-2 trăm để cô kịp vào với chú. Vài màn kịch này ngày cũng sêm sêm tiền triệu, tất nhiên “tác giả kiêm diễn viên” cũng phải tìm hiểu chán nhân sự trong cơ quan nọ. Chuyện cầm trên tay sổ y bạ với cái đơn thuốc  trước các cơ quan, hàng quán kêu thiếu đôi ba trăm chả thiếu với đủ chiêu trò.

Lại có thứ “hành khất lịch sự” ăn mặc sạch sẽ như người ở quê ra chăm vợ ở bệnh viện bị mất cắp. Anh ta chả xin, cứ ngồi ở trạm chờ xe bus, gần cổng bệnh viện hay quán trà nước mắt ròng ròng. Kiểu gì cũng có người hỏi thăm mới hay tình cảnh anh này vừa bị mất cắp mà vợ đang nằm phòng cấp cứu. Lòng trắc ẩn rút ra 1-2 ngàn đồng liền bị từ chối “Cảm ơn, nhà cháu không phải ăn xin!”. Lòng trắc ẩn “chợt tỉnh trước cảnh ngộ” và có chút ngượng trước “lòng tự trọng” rút ra 5 chục, 1 trăm ngàn và hơn thế là chuyện thường.

Địa bàn luôn thay đổi, quay vòng và lòng trắc ẩn gặp lại kẻ được cứu giúp ở địa điểm khác cũng đã xảy ra. Định vạch mặt thì chỉ nhận nụ cười hềnh hệch, thậm chí là ánh mắt đe dọa. Thôi thì mình dại và tránh voi chẳng xấu mặt nào, nhỡ làm sao chả đáng nên bực mấy người ta cũng dễ bỏ qua.

Chuyện xích lô hay taxi chặt chém khách nước ngoài, chở vài km đòi tiền triệu mà dư luận phẫn nộ đầy trên mặt báo và không ít vụ đã bị pháp luật sờ gáy. Thế nhưng, có những người chả phải đi bước nào vẫn có thể kiếm được 5-10 USD “ngon lành và an toàn”. Đó là mấy ông đội mũ phớt, chống ba-toong hoặc mấy anh trung niên biết ngoại ngữ ngồi vườn hoa. Thấy khách Tây là cười rất lịch sự với câu “hôm nay trời đẹp”, “ông bà mới đến?”, “thành phố tôi thế nào?”. Bắt chuyện là đủ thể loại hỏi thăm và ca ngợi về khách, về quê hương khách để rồi cuối cùng “có thể mời tôi ly cà phê?”. Đưa 1-2 USD vẫn là bài “tự trọng”: “tôi không phải hành khất”. Diễn giỏi, ngoại ngữ tốt với câu chuyện éo le gây thương cảm cũng dễ có cả trăm USD.

Chưa kể những kẻ giả sư, giả sãi có cả... giấy giới thiệu của xã (chả biết thật hay giả) đi quyên góp tiền để xây chùa, tu bổ di tích lịch sử... hàng ngày lang thang trên thành phố.

Muôn chuyện hành khất, muôn cách “đẽo” tiền từ lòng trắc ẩn. Những tình cảnh éo le, khó khăn thật đang xảy ra trên đường không thiếu nhưng “hành khất giả” với những thủ đoạn lừa đảo đã làm đổ vỡ niềm tin, băm nát lòng trắc ẩn, như đang ăn cướp những gì người nghèo khó đáng được nhận từ những tấm lòng hảo tâm. Quan trọng hơn, một thành phố văn minh bỗng trở nên nhếch nhác, phản cảm khi đội quân hành khất, kể cả thật và giả như vết mực bẩn bôi lên thành phố.

Chuyện hành khất giả đã bôi bẩn thành phố, song hành khất thật cũng nên vắng bóng trên mọi nẻo đường. Vô cảm và tàn nhẫn khi nói đến điều này chăng? Xin thưa, xã hội văn minh luôn có cơ quan bảo trợ người nghèo thuộc cơ quan, tổ chức như ở ta là Bộ LĐ-TB&XH hay Mặt trận Tổ quốc. Những tấm lòng trắc ẩn nên chăng gửi tiền, quà từ thiện vào đây miễn là đến đúng địa chỉ, không bị bớt xén qua các khâu. Thành phố không phải là mảnh đất đi tìm sự bố thí mà phải là nơi tổ chức, tập hợp những tấm lòng, nối những trái tim và bàn tay thương cảm đến với người, với nơi cần trợ giúp. Những cơn lũ lụt, bão tố, nắng hạn đẩy bà con vào cảnh khó khăn thì chỉ có địa phương là rành rẽ nhất những nơi thiệt hại, người bị thiệt hại. Nhưng hình như đây đó đang có những chuyện chủ tịch xã cũng thuộc diện hộ nghèo hoặc có cả chuyện dân gian nói “tiếc bão không đổ bộ vào địa phương ta, phí cả công thống kê thiệt hại sẵn”!!!? Hình như thế nên những đoàn từ thiện cứ phải đến tận nơi, trao tận tay phần vì yên tâm đặt lòng trắc ẩn tới đúng địa chỉ, phần vì có người cũng mượn từ thiện để đánh bóng tên tuổi, muốn nổi danh. Và thế là bà con vùng sâu vùng xa, nơi đi lại khó khăn đói vẫn đói, nghèo vẫn nghèo. Và lòng trắc ẩn khi chỉ dừng ở nơi khó khăn nhưng... tiện đường (!), ở góc độ nào đó cũng chưa hẳn đến đúng địa chỉ.

Lòng trắc ẩn chỉ đến đúng địa chỉ khi toàn xã hội cùng chung tay lo tới người nghèo khó và ngăn chặn những kẻ ngụy tạo nghèo khó để ăn cắp lòng trắc ẩn. Không lẽ chính quyền địa phương không biết trên địa bàn mình có ai trọ hay đang cư trú đang làm nghề hành khất. Không lẽ chính quyền địa phương không biết trên địa bàn mình có ai, hoàn cảnh nào cần giúp đỡ và họ kêu gọi lòng hảo tâm trước những số phận ra sao?

Lại là chuyện trách nhiệm và công tâm để lòng trắc ẩn được nhân lên khi tìm đặt đúng địa chỉ...


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn