Khi lòng dũng cảm bị thói vô cảm đe dọa

29-12-2013 21:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nói như vậy nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi, nhiều lúc không hẳn lòng dũng cảm của con người có thể phát huy. Vì sao vậy?

Nói như vậy nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi, nhiều lúc không hẳn lòng dũng cảm của con người có thể phát huy. Vì sao vậy?

Ngay trong đời sống sinh hoạt, ai đó không thể vô cảm chỉ khoanh tay đứng nhìn khi thấy ngọn lửa cháy đến gần nhà mình. Nhưng dễ có mấy ai dũng cảm dám lao vào ngôi nhà cháy ngùn ngụt để cứu người. Thêm nữa, đã có người làm nhiều việc không công để giữ gìn mạng sống cho người khác. Họ đã tự nguyện hàng ngày đứng ra canh giữ, không cho mọi người đi lại trong khi tàu hỏa sắp đến. Hoặc có những em học sinh đã cõng bạn bị tật nguyền đến lớp hàng cây số đường rừng... Quả đó là những người hết sức tình cảm và lấy tinh thần tương thân tương ái để giúp đỡ mọi người. Họ đã nỗ lực vượt qua chính mình, chịu thiệt thòi, vất vả và gian khổ để sống cho người khác. Lòng dũng cảm vì cộng đồng như vậy dễ phát huy khi không có sự đối kháng trực diện và không nguy hại đến sự sống còn của họ.

Dương Chí Dũng và đồng bọn đã lấy nhiều tỷ đồng của nhân dân để mua đống sắt vụn.

Nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi khi miếng cơm manh áo của họ bị đe dọa. Ắt hẳn khi đó họ sẽ đứng trước sự thử thách hết sức cam go, thậm chí có nguy cơ đến sự sống còn thì lòng dũng cảm của họ sẽ bị tắt ngóm, tinh thần họ sẽ bị mụ mị vì sự toan tính. Lúc đó, họ hoàn toàn trở nên vô cảm trước những hành động xấu xa tiêu cực của thế lực đen hay mafia trong xã hội. Tôi hết sức tán thành một số luận điểm với tác giả Duy Anh trong bài viết mới đây, ở diễn đàn này, với tiêu đề “Tôi vô cảm, anh có mắc kê nô”. Tác giả có đoạn viết: “Phải chăng luật chưa nghiêm hay đó là sự quan liêu và thói vô cảm của chính những người thi hành pháp luật. Từ thói vô cảm này đã đẻ ra nguyên tắc sống “mắc kê nô” trong cuộc sống”.

Nhìn lại vụ án do Dương Chí Dũng gây ra vừa qua mới hay sự việc đã xảy ra sờ sờ trước mắt, trước đó hàng mấy năm trời, nhưng hầu như nhiều người đã sống với sự an toàn cao nhất với nguyên tắc 3 không: Không thấy - Không nghe - Không nói. Đó là sự vô cảm đã được nhân đôi. Một là sự vô cảm của Dương Chí Dũng với đồng bọn đã lấy nhiều tỉ đồng của nhân dân đi mua một đống sắt vụn về, chỉ nhằm mục đích lấy tiền hoa hồng chia nhau đút túi. Thêm nữa là sự vô cảm, hay nói khác đi là thiếu dũng khí của những người có liên quan, cho dù biết hết đấy, nhưng sợ quyền lực đe dọa. Họ cố giữ miếng cơm manh áo của gia đình, vợ con, sẵn sàng thực hiện 3 không và trở nên vô cảm.

Còn không ít những vụ đại án nữa đã được phát hiện, nhưng để pháp luật thẳng tay trừng trị không đơn giản chút nào. Bởi còn nhiều thế lực vô cảm vây chung quanh. Như vậy, ta có thể nói thói vô cảm trong đời sống sinh hoạt được hình thành có điều kiện. Nguyên nhân chính là lòng dũng cảm không được bảo vệ. Đơn cô thế cô. Không có lá chắn pháp lý bảo hộ. Còn thói vô cảm của thế lực dẫn tới tệ nạn tham nhũng và tội ác lại được che đậy dưới danh nghĩa vì nước vì dân. Nhìn vào thực tiễn, cộng với ý thức cộng đồng dễ bị phân hóa, do vậy, thói vô cảm được nhân lên.

Cùng với đó, hệ lụy của thói vô cảm để lại di chứng dài lâu. Về ý thức hệ, để khôi phục lại lòng dũng cảm của mọi người và xóa đi thói vô cảm thì phải mất vài thế hệ. Để tạo dựng một tư duy “sạch”, dũng cảm, cần huy động ngoài những tổ chức hoạt động của nhiều kênh giáo dục khác nhau, đòi hỏi thời gian trải nghiệm và thử thách không thể một sớm một chiều. Nếu nói về sự hiển hiện của những di chứng cụ thể cũng có thể nói để khắc phục cũng phải mất nhiều năm, vì nhiều cái tồn đọng không dễ giải quyết, nào là nợ công, nào tiền thuế, nào tiền kho bãi hay tiêu hủy di vật phế phẩm.

Cái ụ nổi cũ nát có thể đưa vào lò nung, biến hóa thành vật dụng rẻ mạt, nhưng thói vô cảm của thế lực thì biến hóa không dễ. Trả giá nào đây? Điều đó đòi hỏi sự dũng cảm của những người có trách nhiệm xử lý. Dương Chí Dũng không nhận tội, cho dù đã hội đủ chứng cứ pháp lý, liệu có thi hành án nổi? Nếu không, lòng tin của mọi người sẽ bị lung lay và lòng dũng cảm lại bị thói vô cảm đè bẹp.

Sự chênh vênh giữa lòng dũng cảm và thói vô cảm, thờ ơ thật sự mong manh, trước những quan hệ phức tạp không đáng có trong xã hội. Chính vì nó - thói vô cảm của các cấp quản lý - mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giải thể. Hàng chục ngàn công nhân làm thuê luôn luôn nơm nớp lo sợ chủ chạy trốn hay bị chủ đánh đập. Ai bảo vệ họ khi những người lao động bị bóc lột sức lực và bị chủ ăn quỵt ngay trên đất nước mình. Chính vì thế, thói vô cảm của thế lực mới là điều nguy cấp. Và chính nó là nhiễm sắc thể tạo nên tế bào mầm sống “3 không” hay “mũ ni che tai” trong đời sống dân sinh.

Ngọc Anh


Ý kiến của bạn