Khi lọn tóc trở thành cám vàng

26-11-2010 10:12 | Quốc tế
google news

Trước đây, tóc người đã được thu mua để phục vụ cho ngành công nghiệp làm tóc giả. Giờ đây, tóc người lại càng có giá trị hơn khi ngành công nghiệp thẩm mỹ phát triển hơn, với các công nghệ “nối tóc” làm đẹp ngày càng được nhiều người khá giả ở các nước ưa chuộng.

Trong ngành công nghiệp thẩm mỹ tóc toàn cầu, những mớ tóc hoe vàng tự nhiên đang ngày càng có giá trị. Và với những phụ nữ nghèo sở hữu mái tóc hoe vàng ở Nga và một số nước lân cận, họ đang thực sự có trong tay những “cám vàng” từ “vốn tự có” của mình.

Để đến được thị trấn Mosalsk người ta phải đi theo con đường với đầy những “ổ gà” và xuyên qua những ngôi làng với những túp lều xác xơ và những cánh đồng bất tận bỏ hoang. Nơi đây cho thấy không gì khác hơn là sự nghèo nàn, đói khổ. Thế nhưng bên trong thị trấn ấy, vẫn đang có một nghề “hái ra tiền”, ấy là nghề... bán tóc. Phần lớn những người hành nghề thu mua “tóc người” là những người làm ăn nhỏ. Với tiền mặt trong tay, họ “tha thẩn” trên các con đường, ngõ hẻm nơi vùng quê này để thu mua những mớ tóc hoe vàng của những người phụ nữ vốn không có nhiều lựa chọn trong phương thức làm kinh tế, sau đó bán lại cho những chủ buôn tóc tên tuổi như Mr. Kuznetsov. Tóc sau đó sẽ được xử lý và xuất khẩu đi nhiều nước giàu có trên thế giới.

Công nghệ nối tóc phát triển mạnh

Trước đây, tóc người đã được thu mua để phục vụ cho ngành công nghiệp làm tóc giả. Giờ đây, tóc người lại càng có giá trị hơn khi ngành công nghiệp thẩm mỹ phát triển hơn, với các công nghệ “nối tóc” làm đẹp ngày càng được nhiều người khá giả ở các nước ưa chuộng. Tóc đen thì ở Trung Quốc và Ấn Độ khá dồi dào nhưng tóc hoe và tóc các màu khác lại có giá trị hơn. Một phần vì nguồn cung khan hiếm hơn; mặt khác thì đây là những loại tóc dễ nhuộm để thích hợp với bất cứ màu tóc tự nhiên nào khác của phụ nữ trên khắp thế giới.

Mỹ là nơi có thị trường tóc lớn nhất thế giới, nơi có hàng chục nghìn cửa hiệu thẩm mỹ đang quảng cáo các dịch vụ “nối tóc”. Theo dự báo của Great Lengths – một công ty của Italia chuyên cung cấp tóc vào Mỹ, thị trường bán lẻ tóc nối dài của Mỹ có thể đạt 250 triệu USD mỗi năm, tương đương khoảng 3% thị trường các sản phẩm chăm sóc tóc của Mỹ. Một khảo sát năm 2009 của Tạp chí American Salon Magazine cho thấy, giá trung bình để một khách hành thực hiện nối tóc thẩm mỹ là 439 USD. Tuy nhiên mức giá tại các cửa hàng là rất khác nhau. Có những cửa hàng mức giá rẻ hơn giá trung bình trên nhiều, nhưng khách hàng cũng có thể phải trả tới vài ngàn USD để nối tóc ở những salon cao cấp.

Ngành thẩm mỹ nối tóc cũng đang rất phát triển tại châu Âu. Ước tính khoảng 20% lượng tóc thu mua ở Nga được tiêu thụ tại chính thị trường này, tập trung chủ yếu ở Thủ đô Moscow và thành phố St.Petersburg. Công ty Belli Capelli của Kuznetsov là               doanh nghiệp kinh doanh tóc lớn nhất ở Nga. Doanh thu trung bình hàng năm của công ty lên tới 16 triệu USD. Gõ đôi giày cho rơi hết bùn đất bám, ông chủ Kuznetsov bước lên chiếc Land Rover sang trọng và bắt đầu một tua đi quanh các cơ sở sản xuất của mình tại Mosalsk và thị trấn kế bên nơi những công nhân của ông đang bận rộn với các công việc từ rửa, sấy, chải đến phân loại tóc theo màu sắc và độ dài. Dừng lại tại một chiếc bàn phân loại tóc, nơi đang có khoảng 500 bím tóc đã phân loại xong, Mr. Kuznetsov nhặt lên một vài bím tóc và bình phẩm: “Loại tóc giá trị nhất là tóc có màu hoe vàng mật ong. Nó có thể thay đổi màu dưới ánh sáng và rất mềm mượt”. Ông Kuznetsov cũng khẳng định: “Loại tóc hoe vàng của người Nga là tốt nhất trên thế giới”.

Một cơ sở thu mua và xử lý tóc tại Nga.

Và áp lực thiếu hụt nguồn cung ngày càng tăng

Dịch vụ thu mua tóc nói chung và tóc hoe vàng nói riêng không mới. Nó phát triển theo sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Thu mua tóc hoe vàng được chuyển dịch từ Tây Âu từ những năm 1960, 1970 sang Ba Lan những năm 1980 và sang Nga, Ukraine những năm 1990. Tuy nhiên, có thể nói nguồn cung tóc hoe vàng thuần khiết ngày càng khan hiếm trong khi công nghệ nối tóc ngày càng phát triển đang khiến giá của nó ngày càng đắt hơn. “Không khó để hiểu tại sao người dân ở Ukraine bán tóc của mình nhiều hơn hàng trăm lần so với người dân ở Thụy Điển” - David Elman, đồng chủ sở hữu của công ty Virgin Hair Company chuyên nhập khẩu tóc có trụ ở ở Kiev, Ukraine cho biết. “Họ không làm việc đó cho vui mà thường là chỉ những người có khó khăn về tài chính mới quyết định bán tóc của mình”. Tại thị trấn Mosalsk, một bím tóc hoe có độ dài 16 inch (40,64 cm) – là độ dài tối thiểu để người mua nhập vào – đã có giá là 50 USD.

Một trong các thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành thẩm mỹ “hái ra tiền” này chính là làm thế nào để có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các khách hàng vốn không tiếc tiền cho “nâng cấp” sắc đẹp. Chính vì vậy mà hoạt động cạnh tranh giữa các công ty thu mua tóc hay giữa những cá nhân nhỏ lẻ trong quá trình thu gom tóc ngày càng gia tăng, thậm chí đã có những “luật rừng” được áp dụng và đổ máu đã xảy ra. Như vụ tranh giành biên giới làm ăn giữa những “người buôn tóc” đã xảy ra tại khu vực Dãy núi Ural năm 2006, khiến 1 người bị bắn. Chủ buôn tóc Kuznetsov khẳng định, mặc dù cho đến thời điểm hiện tại ông chưa thấy có đối thủ cạnh tranh “không lành mạnh” nào nhưng ông vẫn “cẩn thận” bố trí lực lượng bảo vệ canh giữ “kho tóc” của mình đề phòng bất chắc xảy ra.

Ước tính khoảng 70% số tóc thu mua được ở Nga đến từ các phụ nữ đã cất giữ những mớ tóc mà họ đã cắt đi trước đó. Ví dụ, một số phụ nữ Nga và Ukraine vẫn giữ truyền thống từ xa xưa là “xuống tóc” sau khi sinh hạ đứa con đầu lòng của mình và giữ lại làm kỷ niệm. Nhưng sau đó nhiều năm, nhất là khi gặp phải những khó khăn về tài chính thì họ có thể quyết định bán nó đi. 30% còn lại thường được mua qua thỏa thuận trực tiếp giữa người mua và những người đang để tóc dài nay muốn thay đổi sang tóc ngắn. Tại Nga, những thương vụ như vậy thường hay diễn ra và thành công ngay tại chính các cửa hiệu cắt tóc, vì người bán sẽ được thợ cắt tóc cắt sửa rất chỉn chu. “Một số phụ nữ quyết định cắt đi mái tóc dài của mình để thay đổi kiểu tóc mà lại kiếm được tiền bán tóc, một số khác thì cắt đi để bán vì họ thực sự cần tiền” - Sergei V. Kotlubi, một người chuyên thu mua tóc ở khu vực giáp thành phố Novosibirsk ở Siberia, Nga cho biết.

Đỗ Lê


Ý kiến của bạn