Sự cân bằng khó khăn
Tại các nhà máy ở Malaysia, trong các tiệm cắt tóc tại Philippines hay các tòa tháp văn phòng của Singapore, các cơ quan quản lý đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại, tìm cách cân bằng giữa việc ngăn chặn virus với việc lưu thông lực lượng lao động và dòng tiền.
Điều đó dẫn đến một loạt các thử nghiệm bao gồm điều động quân đội hỗ trợ cung cấp lương thực cho người dân, phong toả theo từng khu vực và chỉ cho phép những người đã chủng ngừa đầy đủ được tới nhà hàng, văn phòng.
Krystal Tan, nhà kinh tế của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand cho biết: "Đó là một sự cân bằng khó khăn giữa chống dịch và đảm bảo sinh kế. Phải lưu ý rằng ngay cả Singapore cũng phải vật lộn với tình trạng ca mắc COVID-19 gia tăng dù có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới". Theo bà Tan, rủi ro dịch bệnh mà việc mở cửa mang lại tại những quốc gia có mức độ bao phủ tiêm chủng còn thấp là rất cao.
Những hy vọng dần biến mất
Tỷ lệ tử vong hàng ngày bởi COVID1-19 ở nhiều quốc gia Đông Nam Á đã vượt qua mức trung bình toàn cầu, khiến các nước này bị đẩy xuống vị trí cuối cùng trong Bảng xếp hạng khả năng phục hồi sinh động do tạp chí Bloomberg (Mỹ) thực hiện.
Tuy nhiên, các quan chức trong khu vực này ngày càng lo lắng về tình trạng kinh tế nếu các hạn chế xã hội kéo dài quá lâu. Malaysia đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng năm 2021, từ 3% đến 4% khi các ca mắc COVID-19 mới hàng ngày đạt mức kỷ lục. Niềm hy vọng phục hồi của Thái Lan về sự hồi sinh du lịch cũng đang nhanh chóng biến mất.
Theo nhà kinh tế Wellian Wiranto của Oversea-Chinese Banking Corp, các quốc gia Đông Nam Á đang bị hao mòn kinh tế bởi các đợt phong toả xã hội liên tiếp và cảm giác kiệt quệ ngày càng tăng của người dân khi khủng hoảng kéo dài.
"Bất kỳ hy vọng nào về việc mở lại biên giới để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại và du lịch qua các nước ASEAN khác nhau cũng là một giấc mơ xa vời" – chuyên gia Wiranto nhận định. Bên cạnh đó, sự kiên nhẫn của người dân tại Đông Nam Á đang giảm dần, đặc biệt là khi họ đã chiến đấu với virus lâu hơn hầu hết thế giới.
Chuyển sang hạn chế có mục tiêu
Thay vì áp dụng phong toả toàn xã hội hoặc khu vực, Philippines đang tìm cách áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển theo khu vực.
Tại Malaysia, chỉ những người có thẻ tiêm vaccine mới có thể vào các trung tâm mua sắm và nơi thờ cúng, hoặc đến các rạp chiếu phim.
Các nhà hàng ở Singapore được yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm phòng của thực khách. Tại Manila, các quan chức đang xem xét "bong bóng vaccine" cho nơi làm việc và phương tiện giao thông công cộng. Theo đánh giá, những chiến lược này có thể giúp giảm thiệt hại cho nền kinh tế.
Dự đoán đại dịch trong 6 tháng tới
Các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đều nhận định rằng trong vòng từ 3 – 6 tháng tới, phần lớn dân số thế giới sẽ được tiêm vaccine COVID-19 trước khi đại dịch kết thúc. Số ít thiếu may mắn có thể mắc COVID-19 hơn 1 lần. Cuộc chiến giữa vaccine và các biến chủng virus mới sẽ không kết thúc cho đến khi COVID-19 tác động đến tất cả mọi người.
"Tôi cho rằng những đợt bùng phát dịch sẽ xảy ra trên khắp thế giới. Sau đó nó sẽ suy giảm. Và rồi chúng ta sẽ lại chứng kiến các đợt bùng dịch mới trong mùa thu và mùa đông năm nay" - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ Michael Osterholm, đồng thời là tư vấn cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết.
Do đó, theo các chuyên gia, khi mà hàng tỷ người trên thế giới vẫn còn chưa được tiêm vaccine COVID-19 và cơ hội tiêu diệt virus gần như bằng không, có thể dự báo sẽ có thêm các đợt bùng phát dịch trong lớp học, phương tiện công cộng hay các nơi làm việc trong những tháng tới bởi các nền kinh tế tiếp tục với quá trình mở cửa.
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội