Đã qua rồi cái thời “nhà nhà thích xem kịch”, có giai đoạn, các sân khấu kịch nói gặp không ít khó khăn, từ cơ sở vật chất đến con người. Dù kịch nói chưa có được vị trí cao trong đời sống văn học - nghệ thuật của khán giả nhưng nỗ lực vượt khó của người làm nghề rất đáng trân trọng. Họ không chỉ giới thiệu, quảng bá và duy trì sự tồn tại của thể loại văn học và sân khấu còn khá mới mẻ này tại các sân khấu trong nước, mà còn mạnh dạn mang nhiều tác phẩm “made in Vietnam” giới thiệu đến công chúng nước ngoài, để rồi từ đây, kịch nói Việt đang bước sang một trang mới.
Đi qua khủng hoảng
Mặc dù nước Pháp không phải xứ sở khai sinh ra kịch, nhưng tại đây, kịch đã nhiều lần đạt tới độ phồn thịnh, sản sinh ra những trường phái, tác giả, tác phẩm mẫu mực, bởi vậy Pháp luôn giữ vị trí quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của lịch sử sân khấu nhân loại. Và tất nhiên, kịch nói vào Việt Nam những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX như là kết quả của quá trình tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp từ nền sân khấu Pháp. Lúc này, vấn đề đặt ra cho người làm nghề không phải là thừa nhận tính hiển nhiên này mà là phân tích sự du nhập ấy diễn ra trên thực tế như thế nào, đồng thời rút ra những kinh nghiệm của bộ môn nghệ thuật có nguồn gốc ngoại lai đã biến cải, cấu trúc lại ra sao trong điều kiện cụ thể của môi trường mới. Những bài học này thật hữu ích vì chúng ta, một lần nữa, cũng đang bước vào cuộc hội nhập văn hóa toàn diện và sâu sắc với thế giới hiện đại, không phải thụ động như hồi đầu thế kỷ XX mà mang tính chủ động, xuất phát từ chiến lược văn hóa lâu dài.
Nhà hát kịch Việt Nam từng đưa vở diễn Hamlet của đại thi hào Shakespeare đi biểu diễn tại Singapore.
Khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật được nâng cao, khán giả Việt Nam luôn chờ đợi và đòi hỏi những tác phẩm sân khấu ở mức độ “khó hơn”, đòi hỏi kỹ năng xử lý âm thanh - ánh sáng tốt hơn, kỹ năng đưa các vấn đề được dư luận quan tâm lên sân khấu có đủ độ nóng không, có tính dự báo không, có trúng vào điều mà họ đang quan tâm, chờ đợi hoặc mơ ước hay không...?
Thời gian giữa những năm 80 đến nửa đầu những năm 90 của thế kỷ XX, sự khủng hoảng về khán giả của sân khấu diễn ra trên cả nước. Nhiều tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên dần dần bỏ nghề. Một phần do khán giả dành quan tâm cho các loại hình giải trí khác, phần nữa là sự hoạt động thiếu hiệu quả, không nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của khán giả nên vẫn duy trì tổ chức, hoạt động theo quán tính cũ, thiếu sự nhạy bén cần thiết trong cơ chế thị trường của các đơn vị nghệ thuật sân khấu. Một thực tế đáng buồn là để lôi kéo khán giả đến rạp, không ít đơn vị sân khấu chấp nhận chiều thị hiếu thấp của khán giả, cẩu thả trong dàn dựng tác phẩm...
Sau giai đoạn khủng hoảng ấy, kịch bản văn học và đội ngũ sáng tác kịch bản văn học đã có nhiều chuyển biến theo hướng đa dạng, gắn bó chặt chẽ với sân khấu kịch và những yêu cầu mang tính chất kinh doanh của các sân khấu. Kể từ năm 1990 trở lại đây, kịch nói đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Từ chỗ rơi vào khủng hoảng về khán giả, kịch nói đã tìm được hướng đi và phát triển. Hiện nay, kịch nói giữ vị trí đầu tiên trong hoạt động sân khấu các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
“Cú hích” từ những chuyến xuất ngoại
Qua thời khủng hoảng, kịch nói không ngừng thay da đổi thịt, mới đây, trong chuyến lưu diễn tại xứ sở bạch dương theo lời mời của Bộ Quốc phòng Nga (đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Chiến thắng phát-xít Đức), Nhà hát Kịch Quân đội đã có nhiều đêm diễn ý nghĩa với những tác phẩm âm nhạc và các trích đoạn kịch phục vụ cán bộ, chiến sĩ Nga cùng cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập tại Liên bang Nga. Hai vở diễn mà Nhà hát Kịch Quân đội Nhân dân Việt Nam lần đầu tiên sang Liên bang Nga trình diễn là vở kịch dựa theo tác phẩm văn học nổi tiếng của Nga nói về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Và nơi đây Bình minh yên tĩnh và vở kịch của Việt Nam Dưới cát là nước. Cả hai đêm diễn đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả là các cựu chiến binh, các chiến sĩ quân đội và nhiều người bạn Nga yêu mến đất nước, con người Việt Nam.
Vở diễn Dưới cát là nước đã gây một ấn tượng rất mạnh mẽ khi gắn trong đó là những giai điệu âm nhạc mang đặc trưng của dân tộc Việt Nam, nội dung vở kịch xúc tích, dễ hiểu mà thể hiện được rất rõ ý tưởng về sự bao dung, khát khao vươn tới tình yêu, cuộc sống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt sự thể hiện của các nghệ sĩ rất xúc động đã cuốn hút người xem trong một đêm diễn rất thành công.
Mới đây, Nhà hát Kịch Quân đội đã có nhiều đêm diễn ý nghĩa với những tác phẩm âm nhạc và các trích đoạn kịch phục vụ cán bộ, chiến sĩ Nga cùng cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập tại Liên bang Nga.
Ông Nikolai, được một người bạn mời đến xem vở kịch Việt Nam Dưới cát là nước lần đầu tiên sang Nga biểu diễn, đã bày tỏ: “Tôi đã có ấn tượng rất mạnh mẽ khi xem ngay từ những hình ảnh đầu tiên. Nội dung vở kịch cũng rất diệu kỳ, lãng mạn. Vở kịch đã nói lên những khó khăn nhưng cũng thể hiện sự hướng tới tình yêu cao đẹp... Các diễn viên cũng diễn thật tuyệt vời, gây xúc động mạnh mẽ. Tôi rất thích và xin cảm ơn các bạn”.
Trước đó, hầu hết các vở kịch, các chương trình nghệ thuật của Việt Nam có điều kiện đi biểu diễn ở nước ngoài là do nhận được lời mời và đài thọ kinh phí từ phía các chính phủ, các quỹ văn hóa hoặc nhận được kinh phí từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để tham gia các liên hoan nghệ thuật ở các nước, khu vực. Năm 2014, Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân từng đưa vở kịch Đông du đi lưu diễn ở Nhật theo lời mời của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Năm 2016, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã dàn dựng thành công vở Hamlet để phục vụ khán giả Singapore. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ được thể hiện mình trong những vai diễn tầm cỡ và để xứng đáng với thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam. Chuyến lưu diễn ấy giống như một “cú hích” để kích thích niềm đam mê sáng tạo và lòng khát khao chinh phục đỉnh cao nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt. Chương trình lưu diễn này cũng nằm trong định hướng chiến lược phát triển lâu dài của Nhà hát Kịch Việt Nam, trên hành trình đi tìm lại giá trị của chính mình, nhằm kéo khán giả trở lại với sân khấu kịch bằng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Để có được những “cú hích” này phải kể đến sự đóng góp của những nhà tài trợ - những người đồng hành đáng trân trọng của nghệ thuật. Họ luôn góp phần đưa đến cho khán giả yêu sân khấu kịch trong và ngoài nước những món ăn tinh thần đạt tới nghệ thuật đỉnh cao... Nếu không có cái “bắt tay” với doanh nghiệp, ắt hẳn việc Nhà hát Kịch Việt Nam mang Hamlet đi công diễn ở nước ngoài là điều... không tưởng. Có thể nói, bài toán khó của kịch nói đã tìm được đáp án thỏa đáng.