Đánh trúng tâm lý khán giả
Các bộ phim đề tài tình cảm, gia đình chiếm vị thế áp đảo và luôn đủ sức “đè bẹp” những tác phẩm khác phát cùng thời điểm. Ví dụ, Về nhà đi con thể hiện sự lấn át gần như tuyệt đối so với bộ phim đề tài mới lạ, từng được VFC kỳ vọng rất nhiều là Mê cung. Sống chung với mẹ chồng đôi lúc cũng thể hiện sự vượt trội so với bộ phim cực kỳ thành công cả về mặt kịch bản lẫn diễn xuất của các diễn viên là Người phán xử. Và thời điểm này, Hướng dương ngược nắng đủ sức làm lu mờ bộ phim Hồ sơ cá sấu.
Phim Hướng dương ngược nắng đề cập tới các mối quan hệ vốn dĩ được coi là nhạy cảm với người Việt. Đó là ngoại tình, những đứa con ngoài giá thú, mối quan hệ giữa con riêng, con chung, tư tưởng trọng nam khinh nữ, cuộc chiến giành quyền thừa kế gia sản khổng lồ. Những nhân vật trong phim luôn bị giằng xé giữa yêu thương và thù hận. Ai cũng có những toan tính cho bản thân mình, không ngại dùng thủ đoạn để đạt được mục đích, nhưng dù thành công hay không, trong tâm hồn họ cũng có những mảnh vỡ không thể hàn gắn được.
NSND Thu Hà với tạo hình nhân vật Bạch Cúc trong phim Hướng dương ngược nắng đang “gây bão” màn ảnh nhỏ.
Bên cạnh kịch bản hấp dẫn, diễn xuất của dàn diễn viên trong Hướng dương ngược nắng được nhận định là thỏa mãn mong đợi của khán giả. Nổi bật phải kể đến NSND Thu Hà, NSND Mạnh Cường cùng những gương mặt diễn viên trẻ rất hot hiện nay như Hồng Đăng, Hồng Diễm,..
Trước đó, màn ảnh nhỏ Việt Nam từng có nhiều bộ phim tạo nên “cơn sốt” trong suốt một thời gian dài, không chỉ hút khán giả mà còn khiến họ “đứng ngồi không yên” trước mỗi tập phim sắp lên sóng. Có thể kể đến như: Quỳnh búp bê, Về nhà đi con, Gạo nếp gạo tẻ, Bán chồng, Những cô gái trong thành phố,... Tất cả đều mang hơi thở cuộc sống, gần gũi với khán giả khi đi sâu vào khía cạnh tình cảm, đời sống và những góc khuất trong xã hội một cách chân thật.
Trong đó, đề tài gia đình, phụ nữ, hôn nhân, tình yêu luôn được khán giả quan tâm. Đặc biệt, vấn đề nữ quyền trong nhiều bộ phim truyền hình luôn gây được sức hút lớn, khi “đánh trúng” vào tâm lý của hầu hết phụ nữ. Ở những bộ phim như Quỳnh búp bê, Bán chồng, Hoa hồng trên ngực trái..., khán giả đã thấy được số phận của những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Có những lúc họ bị đẩy vào bước đường cùng, rơi vào cạm bẫy, đau khổ tủi nhục đến tận cùng, thế nhưng họ vẫn phải tự mình đứng lên làm lại cuộc đời, với ý chí mạnh mẽ và quyết tâm buông bỏ những thứ không thuộc về mình. Tất cả đã tạo sự đồng cảm nơi khán giả, đủ sức lay động trái tim, khiến người xem cùng thổn thức với đời sống nhân vật.
Ngôn tình - thế giới mộng mơ dành cho khán giả nữ
Nhiều nhà phê bình văn học, điện ảnh chung quan điểm cho rằng, có một bộ phận lớn công chúng thích thưởng thức những tác phẩm giải trí, dễ hiểu, thậm chí có khía cạnh sến sẩm. Bởi vậy, suốt nhiều năm, dòng phim ngôn tình của Hàn Quốc có đời sống riêng và lấn át thời lượng phát sóng trên các kênh truyền hình của nước ta. Tất nhiên, các nhà làm phim Việt Nam cũng rất nhanh nhạy với mảng đề tài này, họ thừa biết nó có sức hút “khủng” như thế nào. Đa số các phim truyền hình “made in Vietnam” gần đây đều xoáy vào những câu chuyện tình yêu, những cô nàng lọ lem có tình cảm với công tử con nhà giàu; những cô gái bệnh tật, quay cuồng vì yêu và rồi được người mình yêu cứu giúp, tình cảm càng thêm mặn nồng. Những ấn tượng trong vài năm qua của dòng ngôn tình Việt phải nhắc đến Yêu, Taxi em tên gì, Tuổi thanh xuân, Zippo, mù tạt và em,...
Hồng Diễm - diễn viên trong nhiều phim truyền hình được khán giả ưa thích.
Một trong những bộ phim Việt thấm đẫm vị ngôn tình chính là Hoa hồng trên ngực trái. Ở tập 40 của phim, phân cảnh Bảo (Hồng Đăng) đến gặp Khuê (Hồng Diễm) ở đầu ngõ và đề nghị được ôm cô đã khiến họ trở thành cặp đôi ngọt ngào nhất màn ảnh năm 2019. Ngay sau khi phim kết thúc, clip trích đoạn Khuê và Bảo chính thức đến với nhau sau vài giờ đăng tải trên fanpage Hoa hồng trên ngực trái đã đạt 1 triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận của khán giả.
Thực tế, sự phát triển ồ ạt của tiểu thuyết, phim ngôn tình ở châu Á đã và đang khiến cho các nhà sản xuất ăn nên làm ra. Một chuyên gia nhận định, giữa cuộc sống nhiều bận rộn, áp lực thì khán giả thích xem những bộ phim lãng mạn, cảnh đẹp, diễn viên xinh. Điều đó cũng đánh thức họ hồi tưởng về những tình yêu lãng mạn.
Cũng như sách, phim ngôn tình hướng tới lượng công chúng trẻ, được cho là những người sẵn sàng chi tiền mua vé, hoặc dành thời gian xem phim. Bởi thế, các nhà làm phim đã cố gắng làm sao để hình ảnh rực rỡ nhất. Ngôn ngữ trẻ trung, thời thượng của lớp trẻ đương đại được đặt đúng chỗ trong phim dễ tạo sự sảng khoái cho người xem, kể cả một bộ phận khán giả là phụ nữ trung niên. Thậm chí, nhiều khán giả không muốn phim kết thúc vì thích được đắm chìm mãi trong thế giới mộng mơ mà họ không thể có được ngoài đời thực.
“Tức sôi máu” vẫn không bỏ phim
Dõi theo phim truyền hình, có lẽ khán giả dễ nhận ra những tình tiết thiếu logic trầm trọng hay cường điệu một cách lố bịch, nhưng họ không thể từ bỏ. Phim truyền hình vẫn trở thành đặc sản không thể thiếu vào “giờ vàng” mỗi tối. Khán giả không ngớt trầm trồ khi chứng kiến màn đấu đá không từ thủ đoạn thâm độc nào, giả dạng người khác thành công chỉ bằng cách đổi kiểu tóc hoặc thêm nốt ruồi... giữa đường do biên kịch cố ý sắp đặt. Sự giật gân mà phim truyền hình tạo ra biến trải nghiệm của khán giả không khác gì chuyến tàu lượn siêu tốc. Tất cả góp phần thúc đẩy độ kịch tính và cảm giác hồi hộp cho họ, khiến họ không thể rời mắt khỏi màn hình vì sợ bỏ lỡ một cú “lật kèo” bất ngờ nào đó.
Không một bộ phim truyền hình nào chỉ toàn là những nhân vật chính diện. Về nhà đi con là bộ phim đánh dấu sự quay trở lại màn ảnh nhỏ sau nhiều năm vắng bóng của nữ diễn viên Quỳnh Nga, nhưng có lẽ cô không ngờ vai diễn của mình lại bị khán giả ghét cay ghét đắng đến như vậy. Đỉnh điểm sau tập 69 của bộ phim được lên sóng, Quỳnh Nga đã không thể kiềm chế nổi cảm xúc khi người thân và chính bố mẹ mình cũng bị dư luận lôi vào chửi mắng vì vai diễn “tiểu tam” của cô. Sau đó, Quỳnh Nga đã phải lên mạng xã hội để gửi thông điệp tới một bộ phận khán giả quá khích, không phân biệt được đâu là nhân vật và đâu là diễn viên: “Các bạn có thể chửi Nhã, chửi mình nhưng đừng lôi cả bố mẹ mình vào để chửi, để châm chọc. Thử đặt trường hợp là bản thân ngày ngày nhận được inbox những lời như vậy đến gia đình mình, các bạn sẽ như thế nào”.
Quỳnh Nga không ngờ vai diễn của mình trong phim Về nhà đi con lại bị khán giả ghét cay ghét đắng đến như vậy.
Dù thầm lặng hay công khai, chỉ trích những nhân vật phản diện trong phim truyền hình là một trong những “thú vui” không có hồi kết của khán giả. Cũng vì thú vui này, họ không muốn bỏ lỡ bất kỳ tập phim nào. Gần đây, nhân vật Kiên trong Hướng dương ngược nắng cũng “khốn khổ” không kém Nhã trong Về nhà đi con. Cụ thể, trong Hướng dương ngược nắng, Hồng Đăng (thủ vai Kiên) từng yêu Châu (Hồng Diễm) say đắm. Nhưng vì hận thù của thế hệ trước đã khiến Kiên “quay xe”. Ở những tập phim gần đây, Kiên bị khán giả ghét cay ghét đắng. Kiên chính là người tuồn bản báo cáo tài chính Cao Dược ra ngoài, hại Châu bị buộc thôi việc. Đã thế lúc gặp lại tình cũ, Kiên còn thản nhiên xát muối vào lòng Châu. Vai diễn này của Hồng Đăng được đánh giá tốt vì sự nhập tâm của nam diễn viên. Tuy nhiên, nhiều khán giả cũng “ném đá” vai diễn này. Đến nay, Kiên được cho là vai diễn bị ghét nhất của Hồng Đăng trên màn ảnh.
Không chỉ tại Việt Nam, xứ kim chi cũng sở hữu nhiều phim truyền hình nổi đình nổi đám vì... bị ghét. Nổi bật gần đây phải kể đến Penthouse 2 - một bộ phim liên tục phá vỡ kỷ lục về tỷ suất người xem. Tuy nhiên, những cú “bẻ lái” ngoạn mục trong phim lại làm khán giả “sôi máu”. Thậm chí, khán giả Việt khi xem phim này đã nhanh chóng liệt kê những nhân vật họ ghét nhất. Ở Hàn Quốc, hội con nhà giàu trong phim cũng bị khán giả liệt vào danh sách đen với hàng loạt pha đụng đâu đánh đó, vừa tàn nhẫn vừa đáng ghét.
Phim truyền hình còn nhiều “sạn”, và không phải phim nào cũng hay, thu hút khán giả từ đầu đến cuối, hoặc “chuẩn” như những lời quảng cáo, PR từ trước đó. Nhưng không thể phủ nhận dòng phim này đang trong giai đoạn “thời tới cản không kịp”. Có thể, sự xuất hiện ngày càng nhiều của phim truyền hình sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh thú vị, từ đó, nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên,... sẽ phải khó tính hơn với chính mình để tạo nên những sản phẩm chất lượng, và đối tượng hưởng lợi từ sự cạnh tranh này chắc chắn là khán giả.