Hà Nội

Khi kẻ bắt cóc trẻ báo về đòi tiền chuộc, cha mẹ ứng phó ra sao?

17-08-2023 08:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) khi đối tượng bắt cóc gọi điện để đòi tiền chuộc, cha mẹ nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến.

Thông tin về một cháu bé 7 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) bị bắt cóc đưa lên ôtô khi đang đi xe đạp tại khu vực gần nhà, sau đó, mẹ cháu bé nhận được điện thoại yêu cầu gia đình nộp 15 tỷ đồng để "chuộc" con đang dấy lên nỗi lo ngại trong hầu hết các bậc phụ huynh.

Mặc dù cháu bé đã được giải cứu, đối tượng bắt cóc đã bị tạm giữ và công an đã khởi tố vụ án, tuy nhiên, vụ việc này khiến không ít bậc cha mẹ có con nhỏ sợ hãi.

Ngoài việc dạy trẻ cách phòng tránh bắt cóc thì nhiều bậc cha mẹ lo lắng nếu chẳng may vào tình huống như vậy, khi kẻ bắt cóc trẻ báo về đòi tiền chuộc, gia đình sẽ phải làm gì?

Gia đình phải trình báo với cơ quan công an gần nhất

Chia sẻ về vấn đề này, thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, nếu trẻ bị sa vào tay bọn tội phạm thì chỉ còn cách ứng xử khôn ngoan mới đảm bảo đưa bé trở lại gia đình trong sự an toàn.

Khi kẻ bắt cóc trẻ báo về đòi tiền chuộc, gia đình làm gì để ứng phó? - Ảnh 1.

Thượng tá Đào Trung Hiếu.

Theo thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc (qua thông tin đối tượng báo về đòi tiền chuộc), gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả bị đối tượng ngăn cản báo công an).

"Việc trình báo cần tiến hành bí mật, vì đối tượng có thể đang ở ngay trước nhà để quan sát động thái của gia đình trẻ. Kèm theo đơn trình báo, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc như: họ tên, giấy khai sinh, ảnh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, độ tuổi của cháu bé, tên bố mẹ, địa chỉ, số điện thoại của mình, thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc.

Khi đối tượng gọi điện tới để đòi tiền chuộc, nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Trong khi nói chuyện, cần tỏ ra sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng, luôn miệng xin chúng đừng làm hại đứa trẻ".

Chuyên gia tội phạm học khuyên, phụ huynh cần "diễn" cho khéo, tuyệt đối không được đe dọa sẽ báo công an. Nên tập trung vào việc "mặc cả", thảo luận về thời gian, địa điểm, cách thức giao nhận tiền... để bọn bắt cóc khỏi nghi ngờ.

Sau khi nói chuyện với bọn bắt cóc, cần báo cáo cơ quan công an toàn bộ nội dung đàm thoại, số điện thoại của đối tượng. Cha mẹ trẻ cần hợp tác chặt chẽ với công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án.

Trường hợp đối tượng hẹn thời gian, địa điểm, cách thức đưa tiền, cần báo cáo và làm theo hướng dẫn của công an. "Thường thì đối tượng không bao giờ gặp mặt trực tiếp nhận tiền, mà "điều" gia đình nạn nhân đến vị trí thích hợp, để lại túi tiền rồi ra về. Chúng sẽ đến lấy sau. Do đó, cha mẹ của trẻ cần tỏ ra ngoan ngoãn thực hiện đúng mọi yêu cầu của chúng. Về số tiền chuộc, cần thực hiện theo yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng phá án".

Những nguyên tắc yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc

Cũng qua vụ việc này, TS. Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục đưa ra 6 nguyên tắc trong gia đình mà cha mẹ nên yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an toàn:

Khi kẻ bắt cóc trẻ báo về đòi tiền chuộc, gia đình làm gì để ứng phó? - Ảnh 2.

Nơi bé trai 7 tuổi tại quận Long Biên (Hà Nội) bị bắt cóc.

- Khi muốn đi đâu ra khỏi nhà, nhất thiết cần báo hoặc xin phép cha mẹ.

- Nếu trẻ muốn đi chơi xa, nhất thiết phải xin phép cha mẹ từ trước và có kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi.

- Khi trẻ chờ đợi cha mẹ đến đón ở trường thì cần có một số quy ước. Ví dụ: nếu cha mẹ nhờ ai đó đón hộ thì có một mật mã để trẻ có thể trao đổi với người đón hộ. Điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng có kẻ giả danh người đón hộ mà bắt cóc trẻ để buôn bán.

- Dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà cáp của người lạ.

- Nếu có ai đó cần giúp đỡ, yêu cầu trẻ phải chạy đi báo cho các chú công an, cảnh sát hoặc người lớn đến giúp chứ trẻ không trực tiếp tham gia giúp đỡ vì trẻ chưa đủ khả năng này.

- Trẻ cần thuộc các số điện thoại của những người gần gũi nhất như mẹ, bố, ông, bà, anh, chị, em…

Chuyên gia tâm lý "mách’ cha mẹ cách để phòng tránh con bị bắt cócChuyên gia tâm lý 'mách’ cha mẹ cách để phòng tránh con bị bắt cóc

SKĐS - Vụ bé trai bị bắt cóc mới đây ở Hà Nội đang gây hoang mang dư luận. Đến nay, bé trai may mắn đã được an toàn trở về nhà. Tuy nhiên, qua sự việc này cũng đã cảnh báo các bậc cha mẹ cần chú ý tới con em mình hơn, nhất là nơi công cộng.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn