Nguy hiểm do hít khói xảy ra sau khi hít thở khói độc thải ra từ động cơ ôtô, xe máy; các nhiên vật liệu cháy... Tổn thương phổi và đường hô hấp còn do hít thở phải nhiệt độ cao, các khí CO, cyanid và các hơi độc khác. Để tránh các tai nạn thương tâm như vụ tử vong của 9 người ở thành phố Hải Phòng ngày mồng 4 Tết vừa qua, Sức khỏe&Đời sống giới thiệu với bạn đọc bài viết sau đây.
Tổn thương do hít khói và nhiệt
Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ: tỷ lệ tử vong do hít khói là trên 50% trường hợp bị bỏng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong 10% không có thương tổn do hít khói. Hít phải khí CO gây tử vong 75% trường hợp do hỏa hoạn, đặc biệt trong một phòng đóng kín cửa. Mỗi năm có hàng trăm người vô ý thiệt mạng vì ngộ độc khí CO do các thiết bị chạy bằng nhiên liệu gặp trục trặc khi vận hành hoặc sử dụng ở trong phòng kín. Tại Việt Nam, các tai nạn chết người do ngộ độc khí CO đã từng xảy ra trong các trường hợp: nổ máy xe hơi và xe máy trong phòng kín; đốt bếp than, bếp gas sưởi ấm khi ngủ ở phòng kín; xuống giếng cạn để làm vệ sinh trước mùa mưa; vào làm vệ sinh ở bể làm mắm (khô cạn có nắp kín nên khi CO tích tụ dưới đáy bể gây tử vong )… |
Tử vong do khói xảy ra rất nhanh
Khí CO không màu, không mùi nên chúng ta không thể nhìn hay ngửi thấy nhưng ở nồng độ cao nó có thể gây chết người trong vài phút. Khí CO được sinh ra khi đốt bất kỳ loại nhiên liệu nào như khí đốt (gas), dầu lửa, gỗ hoặc than. Nếu các thiết bị đốt nhiên liệu được sử dụng đúng cách thì lượng khí CO sinh ra thường không tới mức độ nguy hiểm. Nhưng khi các thiết bị hoạt động không chính xác hoặc sử dụng trong phòng đóng kín cửa, nó có thể sinh ra CO ở mức độ gây nguy hiểm chết người trong thời gian rất ngắn.
Khói chủ yếu là khí CO2 và CO, chúng khuếch tán ra làm giảm nồng độ O2 của không khí từ 25% xuống còn 5-10%. Khí CO và hydrogen cyanid (HCN) ngăn cản sự thu nhận và sử dụng O2 của cơ thể nên nạn nhân bị giảm ôxy máu nặng ở tế bào.
Không nên đốt củi sưởi trong nhà đóng kín cửa vì dễ bị ngộ độc do hít phải khí CO. |
Làm sao biết mình bị ngộ độc khí?
Triệu chứng của ngộ độc khí CO: ở mức ngộ độc trung bình, nạn nhân cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu, tử vong nếu mức độ ngộ độc này kéo dài. Ngộ độc nhẹ có biểu hiện thở dốc, buồn nôn, đau đầu nhẹ… Người bị ngạt thường ở trong phòng đóng kín cửa trong khi đang có khói của xe máy hay xe ôtô đang nổ máy, đốt lò than… Nạn nhân hoặc đã tử vong, bất tỉnh, có các vết bỏng… Các dấu hiệu tổn thương do hít khói là: chảy nước mắt, viêm kết mạc, ho, khạc ra đờm có than, tiếng thở khò khè, tiếng thở rít, khó thở, nói khàn, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng ở mặt, cháy lông , tóc… Nếu nạn nhân bị nhiễm độc khí CO có biểu hiện nhiễm độc tùy mức độ như sau: dưới 10%, không có triệu chứng; khoảng 10%: đau đầu; trên 30%: đau đầu gia tăng, rối loạn thị giác, nôn mửa, trụy tim mạch; trên 60%: hôn mê; từ 90% trở lên: tử vong chỉ trong vài phút.
Xét nghiệm thấy nồng độc carboxyhemoglobin trên 60%, nồng độ này thường liên kết với một tỷ lệ vong 50%.
Biến chứng có thể gặp là tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tràn khí màng bụng, tràn khí dưới da, giãn phế quản, nhuyễn khí quản, hẹp khí quản…
Biện pháp xử lý, cấp cứu nạn nhân
Trước hết cần mở cửa, bật quạt thổi khói tản ra, tắt động cơ xe máy, dập tắt các chất đang cháy, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi vùng khói và nhiệt. Nếu thấy những triệu chứng nghĩ rằng có thể là do ngộ độc khí CO: cho nạn nhân thở không khí trong lành ngay tức thì, hoặc chuyển nhanh tới phòng cấp cứu. Điều trị chống ngạt là chủ yếu: thở ôxy 100%, ngay cả khi không có triệu chứng, vì ôxy có tác dụng tống xuất CO ra khỏi cơ thể nhanh. Mở hoặc thông nội khí quản đối với các bệnh nhân bị suy hô hấp. Dùng máy hút dịch tích cực để loại bỏ chất bồ hóng trong đường hô hấp. Những bệnh nhân bị bất tỉnh hay có trạng thái tâm thần bị biến đổi, cần vận chuyển đến cơ sở có điều kiện trị liệu ôxy tăng áp.
Khi tới bệnh viện, cho nạn nhân bị ngộ độc CO thở ôxy 100%, đặt ống thông nội khí quản nếu trạng thái tâm thần bị biến đổi, thở ôxy tăng áp.
Lưu ý rằng không nên sử dụng kháng sinh dự phòng hay corticosteroids trong điều trị thương tổn do hít khói.
Phòng ngừa ngộ độc khí: không bao giờ để xe hơi hoặc xe máy nổ máy trong gara, trong nhà ngay cả khi mở cửa. Không bao giờ đặt máy phát điện trong nhà, hay ở gầm sàn nhà. Nên nhớ rằng dù mở các cửa chính và cửa sổ hoặc dùng quạt vẫn không ngăn ngừa khí CO tích tụ trong nhà. Máy phát điện phải để cách xa cửa sổ và cửa chính đang mở. Không bao giờ đốt than, củi trong nhà, trong lều, trong xe đóng kín cửa. Không bao giờ dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm. Không bao giờ sử dụng thiết bị đốt khí gas không có thông hơi trong phòng kín hoặc trong phòng ngủ.Trong trường hợp ngạt khí do hỏa hoạn, nạn nhân cần tìm khăn ướt ấp ngay vào mũi để bảo vệ đường hô hấp trong khi tự tìm cách thoát ra hoặc chờ người đến cứu.
BS. Phạm Văn Thân