Hà Nội

Khi hiến máu rất bình thường - khi nhận máu thật thiêng liêng

09-06-2017 14:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mỗi ngày, trên cả nước có đến hàng vạn người bệnh cần truyền máu, có những người bệnh đã từng hiến máu và giờ lại được nhận máu, có người bệnh mà lượng máu truyền mỗi ngày có thể tính bằng lít.

Mỗi ngày, trên cả nước có đến hàng vạn người bệnh cần truyền máu, có những người bệnh đã từng hiến máu và giờ lại được nhận máu, có người bệnh mà lượng máu truyền mỗi ngày có thể tính bằng lít

Đã từng hiến máu và giờ lại được nhận máu

Từ cuối năm 2016, em Đỗ Thị Thoa (23 tuổi - ở Thái Nguyên) đã gắn bó với Khoa Điều trị hóa chất - khoa điều trị dành cho bệnh nhân ung thư máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Từ khi mắc bệnh, Thoa thường xuyên đau đầu, chóng mặt, xuất huyết dưới da… thậm chí có lúc bạn còn phải nhập viện cấp cứu và phải truyền rất nhiều máu, nhiều tiểu cầu. Tuy mới điều trị hơn 6 tháng nhưng đến nay, Thoa đã được truyền hơn 30 đơn vị máu. Thoa chia sẻ cảm giác sau mỗi lần truyền máu: “Khi thiếu máu cơ thể rất mệt mỏi, đau đầu nhưng chỉ cần truyền 2 đơn vị máu là thấy đỡ ngay”.

Chỉ mới năm ngoái thôi, em Đỗ Thị Thoa vẫn rất khỏe mạnh và còn đi hiến máu

Vừa mới cách đây không lâu, Thoa vẫn là một bạn trẻ rất khỏe mạnh và còn có 3 lần tham gia hiến máu. Thoa tâm sự: “Em đã từng đi hiến máu và cũng lại là người được nhận máu. Khi là sinh viên năm thứ nhất, em đi hiến máu theo phong trào thôi. Những lần hiến máu sau em mới nghĩ: chỉ mong máu của mình có thể giúp được chút chút cho ai đó. Nhưng đến khi được nhận máu em mới thấy cái chút chút ấy to lớn đến dường nào. Chỉ một đơn vị máu thôi nhưng đã có thể cứu sống được cả mạng người rồi. Một đơn vị máu lúc cho đi thì bình thường nhưng khi nhận lại cảm thấy rất thiêng liêng. Em thật sự rất biết ơn và muốn cảm ơn những người hiến máu, cảm ơn nhiều lắm ạ”.

Những lần truyền hóa chất đã khiến tóc Thoa rụng hết

Lượng máu truyền mỗi ngày có thể tính bằng lít

Nếu như Thoa là một cô gái ở lứa tuổi đôi mươi đầy ước mơ thì chị Trần Thị Hiển, một người cùng phòng bệnh thân thiết của Thoa đã là người mẹ của hai con nhỏ. Vào ngày Tết thiếu nhi những năm trước, chị vẫn thường đưa các con đi chơi thì năm nay chị lại đang nằm viện trong nỗi nhớ con. Sau những ngày dài mệt mỏi tới mức không gượng dậy được vì phải truyền hóa chất, cũng chính một phần nhờ truyền những đơn vị máu mà sức khỏe của chị được hồi phục.

Đến nay chị cũng không thể nhớ mình đã truyền bao nhiêu đơn vị máu, chỉ nhớ rằng những đợt đầu, mỗi ngày lượng máu truyền vào cơ thể chị có thể tính bằng lít được. Với chị, những người hiến máu có tấm lòng thật cao quý, mỗi giọt máu cho đi đã đem đến cho chị niềm tin, niềm hy vọng, để chị được trở về với gia đình, với những đứa con thơ bé bỏng đang ngóng chờ mẹ “đưa các con đi chơi bù” sau ngày 01/6.

Chị Hiển chia sẻ nỗi nhớ con trên trang cá nhân

Những người bệnh như chị Hiển, em Thoa khi mới phát hiện bệnh đều rơi vào trạng thái chán nản, đau khổ, có khi còn oán hận ông trời và tự trách chính bản thân mình. Nhưng sau khi vượt qua cú sốc, được điều trị, được truyền máu, hầu hết người bệnh đều bĩnh tĩnh hơn, mạnh mẽ hơn: “Giờ có bệnh rồi, buồn cũng không giúp gì cho bệnh của mình được. Mình phải cố gắng suy nghĩ tích cực, sống lạc quan để những người thân không phải lo lắng cho mình nhiều nữa” (chia sẻ của em Thoa).

Tinh thần lạc quan đã trở lại với những người bệnh như chị Hiển, em Thoa

Và bên cạnh gia đình, các y bác sỹ, chính người hiến máu là những người đã góp phần cứu sống người bệnh, tiếp thêm cho những người bệnh sức mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần để chiến đấu với bệnh tật và trở về với những người thân yêu của mình.

Nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã tình nguyện hiến máu, từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hội Truyền máu quốc tế đã thống nhất lấy ngày 14 tháng 6 hàng năm là "Ngày Quốc tế Người hiến máu”. Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ nhà bác học đã phát hiện hệ nhóm máu ABO - giáo sư Karl Landsteiner người Mỹ gốc Áo, Ông sinh ngày 14/6/1858. Phát minh này mở ra một kỷ nguyên mới cho công tác an toàn truyền máu và hiến máu trên thế giới.
Từ năm 2008 tại Việt Nam, các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Người hiến máu – 14/6 đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chỉ đạo, tổ chức hàng năm, gồm nhiều hoạt động ở cấp quốc gia và tại các tỉnh,thành phố trên cả nước. Đã có hàng nghìn tập thể, gia đình, dòng họ, cá nhân tiêu biểu hiến máu nhiều lần và tích cực tham gia vận động hiến máu được tôn vinh.
Năm 2017, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức các hoạt động cấp quốc gia tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ X (2008 – 2017); đồng thời đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu lần thứ XIII kỷ niệm Ngày Quốc tế Người hiến máu - 14/6. Các hoạt động chính thức được diễn ra từ ngày 12-14/6/2017 tại Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế và Phú Thọ với thông điệp "Hiến máu cứu người – xin hiến thường xuyên”. Tham dự chương trình có các đại biểu trong nước, đại biểu đến từ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế

Trương Hằng
Ý kiến của bạn