Khi hầu đồng biến dạng,...

09-06-2017 23:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hầu đồng là nghi lễ không thể tách rời trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh.

Hầu đồng là nghi lễ không thể tách rời trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh. Thực tế cho thấy hầu đồng vẫn phát triển mạnh mẽ trong đời sống, tuy nhiên thời gian qua nghi lễ này đang có biểu hiện biến dạng, sai lệch không đúng với giá trị truyền thống.

Giá trị không thể phủ nhận

Thực tế cho thấy, hầu đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian rất phổ biến ở Việt Nam, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Hầu đồng ở nước ta ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, là một hình thức diễn xướng dựa trên việc kết hợp hát chầu văn với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa. Thông qua nghi lễ này, con người hy vọng sẽ giao tiếp được với các đấng thần linh nhằm gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

Dù vẫn phát triển nhưng nghi lễ hầu đồng đang biến dạng là thực tế không thể phủ nhận (ảnh minh họa).

Dù vẫn phát triển nhưng nghi lễ hầu đồng đang biến dạng là thực tế không thể phủ nhận (ảnh minh họa).

Những người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng - người trực tiếp thực hành nghi lễ hầu đồng. Nhiều người tin rằng, thanh đồng là người có khả năng đặc biệt, đóng vai trò trung gian trong mối liên kết giữa con người với các thần linh. Thanh đồng là nhân vật trung tâm của nghi lễ hầu đồng nên bao giờ cũng là người đẹp nhất, nổi bật nhất. Trong nghi lễ hầu đồng có tất cả 36 vỡ diễn xướng (36 giá đồng), mỗi giá nói về huyền tích của một vị Thánh, làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền trong tiếng hát văn và nhạc cung văn. Khi diễn xướng hầu đồng, tùy theo ý nghĩa của từng giá đồng mà các thanh đồng thực hiện những điệu múa khác nhau như: múa tay không, múa tung nước thánh, múa ban lộc, múa dâng đèn, múa quạt, múa kiếm, múa kích, múa cung...

GS. Ngô Đức Thịnh - chuyên gia văn hóa có nhiều năm nghiên cứu về hầu đồng cho rằng, từ bao đời nay, hầu đồng đã trở thành một giá trị tín ngưỡng tâm của người Việt. Hầu đồng là sự tích hợp những giá trị văn hóa dân gian có từ lâu đời: âm nhạc, kiến trúc, văn học, trang phục, vũ đạo. Từ hình thức diễn xướng hầu đồng đã sáng tạo ra một không gian kiến trúc độc đáo của các đền phủ, tượng thờ, các sắc màu ấn tượng đa dạng của trang phục. Về vũ đạo, trong hầu đồng có đến hàng chục các điệu múa như: múa kiếm, dệt gấm, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa... mềm mại và đề cao tính nữ. Nếu xét thuần túy về khía cạnh tôn giáo học, hầu đồng lại mang những nét đặc trưng của Shaman giáo - một loại hình tôn giáo tín ngưỡng phổ quát trên thế giới và gắn với hình ảnh của các ông đồng, bà đồng.

Và nỗi lo biến dạng

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, trải qua thời gian, nghi lễ hầu đồng đang dần bị biến dạng, thương mại hóa ở các đền, phủ trên cả nước. Theo TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, hầu đồng dù sao cũng phải chuẩn, không được biến dạng, kể cả biến dạng về động tác, biến dạng về lời hát văn, đặc biệt là không được thương mại hóa. Thực tế, hầu đồng hiện nay đã có nhiều khác biệt so với trước kia, trong đó GS. Ngô Đức Thịnh cho biết, trên thị trường những năm qua có nhiều cửa hàng “lễ phục thời trang hầu đồng” nhưng đều không đúng với trang phục phục vụ cho nghi lễ hầu đồng.

Trong hầu đồng hiện nay, trang phục lối cổ gần như đã mai một như giá chầu ông Hoàng Mười, thanh đồng lại khoác thêm áo choàng ngoài. Trang phục hầu cô bé hiện nay là mặc áo tứ thân khăn lam, áo lục mà không mặc áo năm thân cài khuy cạnh, có thanh đồng lại mặc áo và khăn đen. Hầu Cô đôi Thượng ngàn, có thanh đồng mặc áo dài theo lối người Trung Châu, không mặc theo lối Thượng ngàn sơn trang. Hầu cô Sáu lên khăn củ ấu, chân quấn xà cạp chứ không lên khăn tết bông hoa. Có thanh đồng giá chầu đệ Tứ lại lên khăn củ ấu giống chầu Thượng... Ngay cả trang sức cũng được các thanh đồng sử dụng chưa hợp lý. Chẳng hạn, trong các giá chầu Thượng ngàn, thanh đồng lại dùng kiềng vàng thay cho kiềng bạc. Các giá quan, có thanh đồng lại quên đeo thẻ ngà. Hầu như không có bộ xà tích được dùng trong việc hầu thánh...

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất trong hầu đồng thời gian qua là hiện tượng thương mại hóa, “mua thần bán thánh” không đúng với truyền thống vốn có. Thời gian qua, các trang mạng xã hội đã đăng tải không ít clip phản cảm về nghi lễ hầu đồng. Đó là clip một cô gái hầu đồng vô ý thức đã nhảy lên ngồi trên bàn thờ tại đền Sòng (Thanh Hóa) hoặc sự ngông cuồng của một thanh niên như bị “ngáo đá” nhập đồng với tư thế gợi dục... Đặc biệt, không ít người vì thiếu hiểu biết, quan niệm đồ lễ hầu đồng cái gì cũng phải to, phải lớn như ngựa, voi làm bằng mã cũng phải đúng kích cỡ như thật, tiền phát lộc mệnh giá phải lớn mong nhận được nhiều lộc, may mắn nên đã bỏ ra một khoản tiền lớn chi cho hầu đồng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị lạc vào các “kịch bản” của nhiều “đồng bóng” nên tiền mất tật mang, tán gia bại sản.

Chính vì nhiều biến dạng kể trên, các nhà nghiên cứu cho rằng, cơ quan quản lý văn hóa phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức những người thực hành di sản và người dân, từ đó giúp tất cả nhận thấy giá trị đích thực của hầu đồng và có thái độ chuẩn mực trong việc đưa di sản này đi đúng hướng, đúng quy chuẩn. Đối với các hành vi lợi dụng hầu đồng để trục lợi, lừa đảo người thiếu hiểu biết... thì cơ quan chức năng cần đưa ra hình thức xử phạt thích đáng để răn đe, tránh lây lan hiện tượng xấu.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn