Trước đó, theo Điều tra sức khỏe học đường toàn cầu (GSHS) 2019, ở Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ 13-17 tuổi bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử đã ở mức 2,57%.
Nguyên nhân của vấn đề trên một phần do sự thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử cộng với việc tiếp cận mua bán sản phẩm dễ dàng và bị chi phối bởi những nguồn thông tin quảng cáo sai lệch từ nhà sản xuất, người bán hàng. Do vậy, việc cung cấp thông tin khoa học chính xác cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử là cần thiết.
Trước thực tế này, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức chương trình ngoại khóa nhằm cung cấp kiến thức khoa học cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử đồng thời mở ra cơ hội để các em được thể hiện ý kiến, quan điểm về các sản phẩm này.
Nỗ lực từ phía nhà trường để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi thuốc lá điện tử
Trong tháng 10, đã có 5 trường THCS & THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội hưởng ứng hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Loại bỏ thuốc lá điện tử trong môi trường học đường” là THCS Chương Dương, THCS Trưng Vương, THPT Kim Liên và THCS & THPT Wellspring.
Hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thuốc lá điện tử đã xâm nhập vào trường học, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng học tập, sự phát triển lành mạnh của học sinh. Đáng báo động hơn, nhiều học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ngay tại trường học, thậm chí rủ rê các bạn dùng thử với tâm lý “hút cùng cho vui”, “hút để giải trí”.
Tại buổi sinh hoạt ngoại khóa vừa diễn ra, các thầy cô trường phổ thông liên cấp Wellspring cho biết, năm ngoái trường đã xử lý một trường hợp học sinh lớp 6 sử dụng thuốc lá điện tử và có hành vi mua bán sản phẩm với các bạn học.
Bởi vậy, các thầy cô đều nhấn mạnh những hoạt động ngoại khóa về tác hại thuốc lá điện tử ở thời điểm này là cần thiết để kết nối các em học sinh, phụ huynh, nhà trường, các tổ chức xã hội,...cùng thảo luận tìm ra giải pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi thuốc lá điện tử không chỉ tại trường học mà cả ngoài cuộc sống.
Quan điểm của học sinh về thuốc lá điện tử: Cần loại bỏ hoàn toàn khỏi xã hội
Qua các phần thảo luận, có thể thấy phần lớn học sinh đã từng nghe hoặc nhìn thấy thuốc lá điện tử. Thế nhưng, cho đến khi tham gia buổi ngoại khóa, rất nhiều học sinh mới lần đầu tiên được tiếp cận những thông tin khoa học chính xác về hàng ngàn hóa chất độc hại có trong sản phẩm này.
“Những quảng cáo trên mạng không hề nhắc tới hoặc có cảnh báo về hóa chất trong thuốc lá điện tử cũng như nguy cơ bệnh tật cho người dùng. Chỉ đến khi tham dự buổi ngoại khóa, nghe chia sẻ của các chuyên gia em mới biết được trong thuốc lá điện tử có chứa cả thành phần như thuốc chống đông, thuốc diệt chuột, chất tẩy”- một học sinh lớp 8 trường THCS Wellspring chia sẻ.
Về giải pháp nhằm loại bỏ thuốc lá điện tử trong môi trường học đường, theo các em học sinh, việc nâng cao nhận thức về thuốc lá điện tử là cần thiết nhưng chưa đủ để ngăn chặn sự tấn công của loại thuốc lá mới nổi này. Thuốc lá điện tử xuất hiện tràn lan, được bày bán từ ở trong những cửa hàng hiện đại cho đến vỉa hè, vị trí thường rất gần địa điểm vui chơi cho thanh thiếu niên hoặc khu vực trường học. Do đó, học sinh có thể mua và sử dụng thuốc lá điện tử một cách dễ dàng mặc dù đây là các sản phẩm bất hợp pháp.
“Em mong muốn loại bỏ hoàn toàn thuốc lá điện tử ra khỏi xã hội. Nói không với thuốc lá điện tử không chỉ thể hiện qua lời nói mà cần phải hành động” một học sinh lớp 12 THPT Wellspring thể hiện quan điểm.
Rất nhiều các quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình theo chính sách cấm các sản phẩm thuốc lá mới đã ghi nhận những kết quả khả quan. Nhằm ngăn chặn nguy cơ tạo ra một “thế hệ nghiện nicotine”, Bộ Y tế đã kiến nghị cấm toàn bộ việc nhập khẩu, lưu thông thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Đây cũng là quan điểm nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các chuyên gia, nhà giáo dục, nhà khoa học trong Tọa đàm về tác hại của thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên được tổ chức vào ngày 12/10 vừa qua. Các đại biểu đề nghị Việt Nam nên học tập kinh nghiệm quốc tế, trong đó có 5 quốc gia trong khu vực ASEAN đã cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia từ đó sớm ban hành chính sách, quy định về các sản phẩm này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc cho phép thêm thuốc lá điện tử lưu hành là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.