Bởi vậy, nếu các nhà hát, trường nghệ thuật không có hành động, chính sách để thu hút tài năng trẻ vào học, đào tạo thì khoảng trống nguồn nhân lực “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống trong tương lai khó lấp đầy.
Vì đâu nên nỗi?
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, tình trạng thí sinh dự thi vào các trường nghệ thuật có ngành đào tạo về nghệ thuật truyền thống không nhiều mà ngày càng có xu hướng giảm. Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu nước ta về lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, 6 năm qua, trường không thể tổ chức được khóa diễn viên tuồng nào vì không có hồ sơ dự tuyển. Mùa tuyển sinh năm học 2017-2018, Khoa Kịch hát dân tộc của trường chỉ tuyển được đủ chỉ tiêu môn diễn viên cải lương, các môn diễn viên chèo, múa rối phải đào tạo thấp hơn chỉ tiêu để bảo đảm chất lượng đầu vào. Môn nhạc công kịch hát truyền thống chỉ 2 em đăng ký nên phải dừng đào tạo.
Cảnh trong một vở diễn tốt nghiệp của sinh viên lớp nghệ thuật biểu diễn chèo (hệ Trung cấp) thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Trong khi đó, đại diện Trường cao đẳng Múa Việt Nam cho biết, chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu bộ môn kịch múa, ballet, huấn luyện, biên đạo. Tương tự, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội với các bộ môn biểu diễn nhạc cụ đàn tỳ bà, sáo, đàn bầu... rất ít người trẻ đăng ký học. Ngoài ra, Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam mỗi năm tuyển 35 chỉ tiêu nhưng cũng khó tìm được tài năng trong số hàng nghìn hồ sơ dự tuyển.
Sở dĩ người trẻ thiếu mặn mà với nghệ thuật truyền thống cũng như ít đăng ký vào các trường nghệ thuật kể trên vì nhiều lý do. Theo NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, các bộ môn tuồng, chèo, cải lương… vừa khó về mặt chuyên lẫn mặt cảm thụ. Đây là những bộ môn đòi hỏi người học phải có độ am hiểu tương đối về văn hóa, lịch sử, xã hội và hơn hết là tình yêu với nghề. Vì thế, các cơ sở đào tạo vừa phải chật vật tuyển sinh vừa phải chọn lọc rất kỹ càng trong số ít ỏi những hồ sơ đăng ký thi tuyển. “Hơn nữa, nghệ thuật truyền thống có độ khó cao, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát, diễn xuất, hình thể, vũ đạo… Với đặc thù như vậy cộng với tâm lý thích nổi tiếng nhanh cũng như đầu ra khó khăn khiến cho nghệ thuật truyền thống ít thu hút lớp trẻ”, NSƯT Thu Huyền đánh giá.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long lại cho rằng, một trong những lý do chính mà sinh viên đến với các trường đào tạo nghệ thuật nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng là ngoài việc cần có một sự kiên trì để trải qua quá trình học tập bài bản thì cơ hội để tìm kiếm được một công việc tốt, thu nhập cao rất khó đạt được.
Để người trẻ “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống
Nhằm thu hút thế hệ trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, trên thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2013/NĐ-CP quy định bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, trong đó ghi rõ: “Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc”. Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL cũng như các trường nghệ thuật đã có những chính sách, hành động cụ thể trong thời gian qua nhằm tìm ra những người trẻ có đam mê nghệ thuật truyền thống để tuyển sinh, đào tạo.
Gần 3 năm trở lại đây, “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020” của Bộ VH-TT&DL đã được thực hiện. Trong thời gian đào tạo, các nhà hát sẽ phối hợp mời các nghệ sĩ của Nhà hát và giỏi của ngành tham gia đào tạo chuyên môn. Theo dự án, các em được hỗ trợ không mất tiền ở, còn được miễn 100% học phí cả 4 năm học. Đồng thời, các em được sắp xếp bố trí chỗ ở, sinh hoạt ngay tại nhà hát giúp các em có nhiều cơ hội rèn nghề từ việc tham gia xem các nghệ sĩ tập, tham gia vở diễn và có nhiều điều kiện để tập luyện trên sân khấu.
Trong khi đó, nhiều trường đã chủ động hơn trong khâu tuyển sinh như Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho học sinh, sinh viên tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm để quảng bá hoạt động của nhà trường, đồng thời giới thiệu các chương trình đào tạo trên trang mạng xã hội để học sinh dễ tiếp cận. Đại diện Trường cao đẳng Múa Việt Nam mới đây cho biết, trường vừa tổ chức tuyển trực tiếp tại trường, vừa tiến hành sơ tuyển và chung tuyển hệ trung cấp, cao đẳng tại các tỉnh: Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… Ngoài ra, Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam nhiều năm gần đây đã trực tiếp đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa để phổ biến về chế độ học bổng theo quy định hiện hành dành cho học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù để các bạn trẻ cân nhắc, lựa chọn và mạnh dạn dự thi vào trường.