Từ chuyên ngành ngoại khoa….
“Ông nội là bác sĩ quân y nên ngay từ nhỏ, mình đã được làm quen với các dụng cụ y khoa: ống nghe, máy đo huyết áp, kim tiêm…”, ThS.BS.Vương Vũ Việt Hà (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện) bắt đầu câu chuyện. Tuổi thơ của Hà gắn liền với những câu chuyện về cấp cứu bệnh nhân ngay tại chiến trường đầy bom đạn. Hình ảnh bác sĩ quân y băng mình qua lửa đạn cứu chữa cho các thương bệnh binh luôn ở trong tâm trí của cậu bé. Vì thế, ngay từ nhỏ, Hà mong ước sau này được khoác trên mình màu áo trắng của thầy thuốc - giống như ông nội của mình…
Ước mơ ấy đã thôi thúc Hà thi vào Học viện Quân y. Năm 2012, tốt nghiệp với chuyên ngành bác sĩ đa khoa, Hà tiếp tục xin học chuyên khoa sơ bộ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. Hồ Chí Minh). Cho đến tận lúc bấy giờ, Hà vẫn luôn mong mỏi được cầm dao mổ, phẫu thuật cứu bệnh nhân…
Nhưng cũng tại thời điểm đó Hà liên tiếp nhận được tin từ vợ chồng người bạn thân lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có con, phải điều trị hiếm muộn. Rồi vợ chồng người chú họ sau nhiều năm mong mỏi, cuối cùng cũng có con nhờ phương pháp hỗ trợ sính sản. Rồi có lần, Hà bắt gặp nụ cười rạng ngời hạnh phúc của một cặp vợ chồng đã đứng tuổi, nâng niu em bé nhỏ xíu trên tay bước ra từ phòng khám hiếm muộn, không hiểu sao, trong Hà lại có một suy nghĩ... Rồi quyết định: Chuyển chuyên ngành.
Bén duyên với hiếm muộn…
Thời gian đầu khi nghe Hà nói về nguyện vọng chuyển sang hiếm muộn, đồng nghiệp, bạn bè, gia đình phản đối ghê lắm, vì Hà vốn thích và đã học nhiều năm về ngoại khoa. Còn với hiếm muộn, Hà hoàn toàn ngoại đạo.
Thế nhưng, không gì có thể làm nhụt chí của chàng bác sĩ trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết. Hà lao vào học. Ngoài những kiến thức cơ bản học được từ các thầy cô, Hà tìm sách, tài liệu trong nước, nước ngoài để nâng cao kiến thức về chuyên ngành. Và cơ hội đã đến để bác sĩ trẻ được thỏa sức thực hiện đam mê. Năm 2013, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện (BVBĐ) thành lập, BS. Vương Vũ Việt Hà được tuyển dụng và làm việc từ đó đến nay. Vì là “lính mới” nên Hà được các đồng nghiệp ở BVBĐ hỗ trợ rất nhiều: Cử đi học về hiếm muộn ở Bệnh viện Từ Dũ, đi học nâng cao ở nước ngoài…
ThS.BS. Vương Vũ Việt Hà trong một ca mổ...
Rồi ca bệnh điều trị hiếm muộn đầu tiên của BS. Việt Hà cũng đến: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Mặc dù đây là phương pháp phổ biến, đạt hiệu quả khoảng 20%-25%, nhưng Hà hồi hộp và lo lắng lắm. Thông thường sẽ biết kết quả vào ngày thứ 10-14 sau khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Nhưng mới sang ngày thứ hai, Hà đã thấp thỏm nhìn điện thoại. Đêm trước ngày có kết quả, Hà không ngủ được. Thế rồi cảm xúc vỡ òa, khi điện thoại rung chuông, kèm dòng tin nhắn: “Bác sĩ ơi, em hai vạch rồi…”. Đến bây giờ Hà cũng không thể quên được cảm xúc khi ấy. “Khó tả lắm. Cứ lâng lâng như nhận tin của người yêu vậy…”, BS. Việt Hà mỉm cười nhớ lại.
“Đứa con đầu lòng” ấy chính là động lực để BS. Việt Hà tiếp tục tiến bước trên con đường mình đã chọn.
Đừng bỏ cuộc khi còn hy vọng
Đến nay đã điều trị và giúp hàng nghìn cặp vợ chồng có con, nhưng BS. Việt Hà không thể quên được câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Doãn Cương, chị Bùi Thu Thảo ở Sơn La. Vợ chồng anh Cương lấy nhau từ 2013. Bạn bè cùng trang lứa lần lượt đón đứa con đầu lòng rồi đứa thứ hai, học mẫu giáo rồi vào lớp 1… Nhưng anh chị thì vẫn không có tín hiệu gì. Sốt ruột, anh chị đưa nhau đi khám tại bệnh viện tỉnh, rồi xuống Hà Nội. Nhưng ở đâu anh chị cũng nhận được cái lắc đầu. Cho đến cuối năm 2017, khi đã quá mệt mỏi và thất vọng sau những ngày đằng đẵng tìm kiếm con, vợ chồng anh Cương đã tìm đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản BVBĐ chỉ với nguyện vọng duy nhất là “xin tinh trùng trong ngân hàng tinh trùng của bệnh viện”…
Chị Thảo nhớ lại: “Lúc ấy chồng em nản lắm rồi, nhưng BS. Nhã, BS. Hà đã gặp riêng em để động viên chồng em làm phẫu thuật kiểm tra tinh trùng từ mào tinh hoàn. Nhưng để vận động chồng em chấp nhận thực hiện phẫu thuật này là cả một quá trình. Em phải dùng mọi cách từ vỗ về, nịnh nọt, đến giận dỗi, dọa nạt và nhờ cả bạn bè người thân tác động thêm vào. Sau gần 3 tháng, anh ấy mới đồng ý làm…”.
Tư vấn cho cặp vợ chồng hiếm muộn.
“Thời điểm đó, phương pháp vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn là một kỹ thuật mới, được áp dụng tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản BVBĐ không lâu. Cũng không thể chắc chắn được rằng việc phẫu thuật tìm tinh trùng sẽ có kết quả. Nhưng ở trường hợp vợ chồng anh Cương chỉ còn cách duy nhất này để tìm cơ hội có con của chính mình. Vậy là chúng tôi thống nhất: Còn hy vọng còn điều trị.”. Và kết quả đã không phụ lòng của cả bác sĩ và vợ chồng anh chị: Tỷ lệ tinh trùng của anh Cương lên tới 0,6% và hoàn toàn có thể có con. BS. Việt Hà không giấu được nỗi xúc động khi nhắc lại chuyện cũ: “Mình và cả kíp mổ cũng không thể nào kìm được niềm vui, thông báo cho anh Cương ngay lập tức khi ca mổ vẫn chưa kết thúc. Anh Cương nắm chặt bàn tay của mình, giọt nước mắt lăn dài, nghẹn ngào: “Cám ơn bác sĩ, cám ơn bác sĩ…”.
“Đừng bỏ cuộc khi vẫn còn hy vọng …”. Chính nhờ câu động viên, tận tình của các bác sĩ ở nơi đây mà vợ chồng anh Cương đã có một cái kết đẹp như câu chuyện cổ tích khi chào đón 2 bé gái kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Trao niềm vui nhận nụ cười
Gần 10 năm theo đuổi nghề hiếm muộn không phải là quãng thời gian quá dài nhưng cũng không hề ngắn. Với BS.Việt Hà thời gian này đã mang đến cho anh rất nhiều kỷ niệm vui và đôi khi là nỗi buồn khi gặp ca bệnh mà không thể giúp gì cho họ được. BS. Việt Hà nhớ lại cách đây hơn 2 năm, vợ chồng anh chị L.A. (Hà Nội) tìm đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản BVBĐ với khát khao có con. Sau khi làm tất cả các xét nghiệm, đưa ra quyết định làm thụ tinh ống nghiệm. Nhưng lần 1, lần 2… rồi đến lần thứ 5, chuyển phôi vẫn không thành. “Mình thấy bất lực khi không tìm được nguyên nhân thất bại. Mỗi lần trả lời bệnh nhân là một lần khó khăn. Bởi khi ấy, mình phải đối diện và bắt gặp sự chán nản, mệt mỏi, thất vọng tràn đầy trong đôi mắt người vợ và bờ vai rũ xuống của người chồng…”.
Nhưng đó chỉ là một nỗi buồn xen giữa hàng nghìn câu chuyện vui trong những năm tháng theo đuổi ngành hiếm muộn của BS. Việt Hà. Trong tất cả các chuyên ngành y khoa, hiếm muộn là ngành được ưu ái hơn cả. Bởi những câu chuyện sau điều trị hiếm muộn thường là niềm vui, nụ cười. Vất vả, bận rộn, mệt mỏi, công việc xoay tròn… nhưng khi thấy bệnh nhân trên tay bế em bé đến chào thì mọi mệt nhọc, căng thẳng dường như tan biến.
Chào đón em bé chào đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản...
Niềm vui lại nhân lên trong những ngày cuối năm 2020, ThS.BS. Vương Vũ Việt Hà và đồng nghiệp ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVBĐ đã nhận được giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc 2020 với Công trình nghiên cứu “Giảm tỷ lệ đa thai ở bệnh nhân trẻ: Giải pháp chuyển một phôi ngày 5 đông lạnh”. Trước đó, nghiên cứu này đã được các bác sĩ của BVBĐ báo cáo tại Hội nghị Sản phụ khoa châu Á năm 2019 (Aspire 2019), được các đồng nghiệp trong và ngoài nước đón nhận, đánh giá cao. Đây là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của BS. Hà và đồng nghiệp.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi cuộc điện thoại của một bệnh nhân. Khẽ mỉm cười, BS. Việt Hà bảo: “Tin vui chị ạ. Bệnh nhân mới điều trị báo đã đậu thai…”. Niềm vui nào hơn khi gieo hạt mầm hạnh phúc và nhận được những trái ngọt yêu thương! Chia tay BS. Việt Hà trong buổi chiều cuối đông, nhưng tôi thấy ấm áp lạ thường khi nhận thấy ẩn mình giữa cái giá lạnh se sắt thấp thoáng đó đây những nụ đào chúm chím chờ ngày nở bừng trong gió xuân…