Hà Nội

Khi gia đình có người cao tuổi mắc bệnh lao

18-09-2016 18:55 | Dược
google news

SKĐS - Bệnh lao không từ một ai, nhưng tỉ lệ người cao tuổi (NCT) mắc lao thường cao hơn do đối tượng này có sức đề kháng kém và thường có thêm một số bệnh mạn tính.

Những gia đình có người đang điều trị lao cần quan tâm đến một số vấn đề về phương pháp điều trị và cách phòng tránh để không lây nhiễm cho những thành viên khác.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng tránh bệnh lao cần chú ý giữ gìn sức khỏe, bảo vệ đường hô hấp, tránh tiếp xúc với nguồn lây trực tiếp bằng cách đeo khẩu trang. Nên ăn uống và ngủ, nghỉ điều độ, tập thể dục thể thao ở mức độ thích hợp thường xuyên. Khi thấy các triệu chứng nghi lao nên đến khám để phát hiện kịp thời bệnh lao và chữa trị sớm để chóng lành bệnh. Trong điều trị cần phải kiên trì uống thuốc trị lao đủ thời gian và kiểm tra X-quang phổi, xét nghiệm đờm, theo quy định.

Lao phổi là một bệnh khá phổ biến hiện nay. Tại nước ta mỗi năm có thêm khoảng 130.000 người bị lao và có 20.000 - 30.000 người chết vì lao. Tỉ lệ lao phổi ở NCT khá cao khoảng 25 - 30% nghĩa là cứ 100 NCT thì có 25 - 30 người bị mắc bệnh lao. Lao phổi ở NCT thường đi kèm theo những bệnh khác của tuổi già làm cho việc phát hiện và điều trị sớm gặp nhiều khó khăn.

NCT sức đề kháng giảm nên các vi trùng lao bị nhiễm từ lúc trẻ sau nhiều chục năm ở trạng thái ngủ nhân một cơ hội thuận lợi hoạt động trở lại gây ra bệnh lao. Do bị nhiều bệnh mãn tính nên thường xuyên đến các bệnh viện, trung tâm y tế, nên cũng thường tiếp xúc với các bệnh nhân khác, do đó cũng dễ bị lây nhiễm. Biểu hiện lao phổi ở NCT thường âm thầm, các triệu chứng thường gặp ở bệnh lao như: sụt cân, mệt mỏi, sốt về chiều, thường bị che lấp bởi các tình trạng khác của người già, sốt ít khi cao và người bệnh có thể không nhận ra, cũng có thể gặp tình trạng đổ mồ hôi về đêm và ho ra máu thì ít khi gặp. Chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn. X-quang phổi không điển hình do chồng chéo nhiều bệnh phổi mãn tính khác ở NCT.

NCT có thể kèm theo các bệnh làm cho lao phổi nặng thêm và khó điều trị. Người bệnh đái tháo đường nếu không được điều trị tốt sẽ dễ bị bệnh lao và để điều trị lao tốt phải giữ đường huyết ở mức ổn định thường xuyên. Bởi vì đường trong máu cao là môi trường tốt cho vi trùng lao phát triển.

Triệu chứng bệnh lao phổi
Triệu chứng bệnh lao phổi

NCT thường hay đau khớp do đó thường dùng các loại thuốc giảm đau kháng viêm. Nếu dùng lâu dài loại thuốc có chứa corticoid như: prednisolon, dexamethason, hydrocortison... sẽ bị giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm lao và nhiễm nấm. Vì vậy, không nên tự ý dùng các loại thuốc corticoid. Khi sử dụng corticoid phải thận trọng theo dõi các phản ứng có hại và nhanh chóng báo cho thầy thuốc biết.

Trong quá trình điều trị bệnh lao phổi ở NCT cần lưu ý: bệnh lao phổi có tính lây lan cao, vi trùng trong đờm càng nhiều thì tính lây lan càng cao. Do vậy, trong vòng 3 tháng đầu điều trị, người bệnh cần chủ động phòng tránh lây lan cho người thân bằng cách hạn chế tiếp xúc thân mật, nhất là với trẻ em vì trẻ rất dễ bị nhiễm vi trùng lao. Gia đình người thân cũng cần giải thích động viên đồng thời khéo léo giúp người bệnh không mặc cảm vì sinh hoạt tạm thời cách ly, tình trạng này sẽ giảm dần sau khoảng 2 - 3 tháng điều trị thuốc kháng lao. Khi vi trùng lao trong đờm không còn nữa thì bệnh nhân có thể sinh hoạt lại bình thường với gia đình...

Hiện nay có 5 loại thuốc thường được dùng trong điều trị bệnh lao là Streptomycin, Rifapicin, Isoniazide, Pyrazamid và Ethambutol. Tùy theo tình trạng bệnh mà người bị lao sẽ được dùng phối hợp các loại thuốc này theo công thức của chương trình chống lao quốc gia. Nếu bệnh nhân dùng thuốc không đủ liều, hoặc thường xuyên quên uống thuốc, uống không đủ thời gian sẽ dẫn đến hiện tượng bị kháng thuốc và không còn thuốc để điều trị bệnh này. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh lao cần nghỉ ngơi nhiều, hạn chế căng thẳng về tinh thần, tránh thức khuya dậy sớm.


ThS. LÊ QUỐC THỊNH
Ý kiến của bạn