Khi “gấu Nga” nổi giận

24-05-2018 10:45 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mối quan hệ giữa Mỹ, các nước phương Tây với Nga luôn ở trong tình trạng đối đầu do những căng thẳng chính trị Nga Mỹ liên quan tới vấn đề Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề Ukraine hay các biện pháp trừng phạt liên tiếp giáng xuống đầu Nga…. , khiến “chú gấu Nga” bị chọc giận và mới đây có những phản ứng.

Dồn dập các biện pháp trừng phạt chống Nga

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nước Nga phải hứng chịu hàng loạt các biện pháp trừng phạt của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Ukraine… Riêng với Mỹ người ta đang thấy Chính quyền của Tổng thống D.Trump ngày càng cứng rắn hơn với Nga, bất cứ động thái nào của Nga cũng có thể “dính” đòn trừng phạt của Mỹ như những cáo buộc về can thiệp bầu cử Mỹ, việc sử dụng  vũ khí hóa học ở Syria, buộc tội Nga “vi phạm hiệp ước tên lửa” khi nước này công bố một số loại vũ khí chiến lược mới của mình…  Ngay cả hành động Nga xây một cây cầu nối Nga với Crimea cũng khiến nước này phải nhận trừng phạt từ Ukraine, châu Âu cũng coi hành động này là xâm phạm chủ quyền của Ukraine bởi tới thời điểm này hầu hết các quốc gia thuộc Liên hợp quốc vẫn công nhận Crimea là lãnh thổ của Ukraine mặc dù nó đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Trong một động thái mới nhất, Ủy ban quốc tế Nghị viện Anh kêu gọi Chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại một số lượng lớn những người có liên quan đến Chính quyền Nga nhất là sau căng thẳng Nga và Anh trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, tạo ra một làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao Nga ở khắp nơi trên thế giới. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng, một khi nước này rời khỏi khối, Anh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga.

Ngay cả người phát đi các lệnh trừng phạt Nga, Tổng thống Mỹ D.Trump cũng phải thừa nhận quan hệ Nga Mỹ đang ở mức tệ chưa từng thấy, đồng thời kêu gọi Nga Mỹ ngừng chạy đua vũ trang, đổi lại Mỹ sẽ giúp Nga khôi phục nền kinh tế. Hầu hết các biện pháp trừng phạt 4 năm qua nhằm vào Nga mà Mỹ đang áp dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng, các quan chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp… Theo dự báo GDP của Nga năm 2018 chỉ đạt từ 1,5-2%, nếu các biện pháp này kéo dài nền kinh tế Nga sẽ chịu nhiều hậu quả.

Các nhà lãnh đạo Nga đang cho thấy nước này miễn dịch với các đòn trừng phạt.

Cú phản đòn của Nga

Đáp lại các cơn bão trừng phạt hiện nay dội xuống đầu mình, “con gấu Nga” quyết định không ngủ đông, Duma Quốc gia Nga vừa thông qua đạo luật “về các biện pháp đối phó trước các hành động không thân thiện của Mỹ và các quốc gia khác”. Đạo luật này cho phép áp dụng các biện pháp phản trừng phạt để đáp trả lại những hành động không thân thiện đối với Nga của Mỹ và các quốc gia khác đã ủng hộ trừng phạt chống Nga.

Các biện pháp trừng phạt đáp trả có thể được áp dụng đối với các quốc gia, các tổ chức pháp lý của quốc gia đó, cũng như các quan chức và công dân quốc gia đó. Tuy nhiên các biện pháp phản trừng phạt này không được áp dụng cho các nhóm hàng hóa thiết yếu mà Nga và các nước khác không sản xuất được, cũng như đối với hàng hóa mà công dân Nga nhập khẩu cho mục đích cá nhân. Theo đó, các thực thể nước ngoài bị cấm cung cấp dịch vụ, hàng hóa, tạo việc làm trong các cơ quan nhà nước Nga, không được phép tham gia vào quá trình tư nhân hóa tại Nga… Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được trình lên Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua trước khi trình lên Tổng thống Nga ký ban hành thành luật.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga không chỉ tổn hại cho các bên đối đầu mà các nước liên quan cũng bị ảnh hưởng. Như vấn đề mua bán vũ khí từ Nga của Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác đang bị tác động rất lớn, dù Mỹ kêu gọi các nước chuyển sang làm ăn với doanh nghiệp Mỹ, nhưng điều này không nhận được sự ủng hộ, họ không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ hay Nga.

Về mặt chính trị, các biện pháp trừng phạt vô hình chung lại khiến Nga bắt tay và càng trở nên gần gũi với các quốc gia như Trung Quốc, Iran, Venezuela hay Triều Tiên – những nước Mỹ đang phải đau đầu đối phó trên nhiều mặt trận.  Rõ ràng, đòn trừng phạt là con dao hai lưỡi không chỉ ảnh hưởng tới bản thân Nga mà còn cả các nước liên quan.


Hải Yến (Theo FPRI, Reuters)
Ý kiến của bạn