Vai trò của gan trong cơ thể
Vị trí của gan
Gan là một tuyến lớn nhất của cơ thể, nằm dưới cơ hoành phải của ổ bụng, song lại được bảo vệ bởi khung xương của lồng ngực và liên quan với ngực nhiều hơn với bụng. Gan có màu đỏ nâu trơn bóng, mật độ chắc nhưng dễ bị lún, dễ bị nghiền nát và dễ vỡ. Trọng lượng của gan thay đổi theo tình trạng sinh lý và bệnh lý. Gan ở nam giới thường nặng hơn ở nữ giới. Kích thước đo ở chỗ to nhất, gan dài 25 – 28cm, rộng trước sau 16 – 20cm, dày 6– 8cm. Trọng lượng của gan khi sống khoảng 2300 – 2400g.
Vai trò và chức năng của gan
Gan là cơ quan đầu tiên, tiếp nhận các chất dinh dưỡng và hóa chất khác nhau từ hệ thống tiêu hóa, gan đã trở thành “nhà máy lọc máu” chính và quan trọng nhất trong cơ thể. Tất cả mọi thứ khi đưa vào cơ thể sẽ phải đi qua gan trước để được thanh lọc và chế biến thành những vật liệu khác nhau.
Chức năng chuyển hóa: Sự chuyển hóa các chất cơ bản (glucid, lipid, protid) diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong cơ thể, nhưng ở gan quá trình chuyển hóa này diễn ra rất mạnh mẽ.
Chức năng chống độc: Gan được xem như là một lá chắn của cơ thể có tác dụng ngăn chặn các chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ một số chất cặn bã do chuyển hóa chất trong cơ thể tạo nên. Gan thực hiện chức năng chống độc bằng hai cách như sau:
- Bằng các phản ứng hóa học: Đây là cơ chế chủ yếu để biến các chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn rồi đào thải qua đường thận. Các phản ứng hóa học bao gồm phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp và phản ứng oxy hóa khử.
- Bằng cách cố định và thải trừ một số kim loại nặng: Các chất màu đến gan sẽ bị giữ lại không biến đổi gì và đào thải ra ngoài qua đường mật.
Chức năng tạo mật: Mật được sản xuất liên tục từ tế bào gan và được dự trữ cô đặc ở túi mật rồi từ đó được bơm xuống ruột non trong các bữa ăn. Mật có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn tan trong dầu, giúp hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
Chức năng dự trữ: Dự trữ các vitamin tan trong dầu (vitamin A, vitamin D, vitamin E...), dự trữ vitamin B12, dự trữ sắt, dự trữ máu.
Những nguy cơ tổn thương gan
Tuy là một cơ quan lớn, hoạt động bền bỉ nhưng gan cũng là cơ quan dễ bị rối loạn và dễ “mắc bệnh” nhiều nhất do phải làm việc quá sức khi ta đưa vào cơ thể nhiều chất độc hại. Những bữa ăn thiếu sự cân bằng với lượng dư lipid (dầu, mỡ…), những món ăn kém vệ sinh, thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá…, lao động quá sức, việc sử dụng các thuốc như thuốc kháng lao, kháng virus, quá liều paracetamol… hay những công việc phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại đều là những yếu tố nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của lá gan, gây suy giảm chức năng gan.
Khi bị tổn thương, gan không còn khả năng lọc và thải chất độc trong máu gây tích tụ các chất độc, giảm sức đề kháng của cơ thể, đồng thời sẽ kéo theo hệ quả ảnh hưởng đến một loạt các hoạt động sống trong cơ thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Vai trò của mật trong cơ thể
Chức năng quan trọng nhất của mật là giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo cũng như các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, K, E và caroten.
Túi mật là một bộ phận của đường dẫn mật ngoài gan. Trong cơ thể, gan sản xuất mật rồi chuyển xuống ống mật và dự trữ ở túi mật. Đến bữa ăn, túi mật co bóp và chuyển dịch mật trong túi mật vào ruột non giúp tiêu hoá thức ăn.
Cũng tương tự như vậy, muối mật có tác dụng vận chuyển các vitamin tan trong dầu như các vitamin A, D, E và K. Muối mật không bị mất đi mà được tái hấp thu sau khi sử dụng. Khoảng 80-90% muối mật sẽ theo máu chuyển lại về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật. Ngoài muối khoáng, muối mật, trong dịch mật còn có cholesterol và sắc tố mật. Khi không diễn ra sự tiêu hóa, dịch mật sẽ quay ngược trở về túi mật qua ống túi mật. Khi được dự trữ trong túi mật, mật sẽ bị mất bớt nước và trở nên cô đặc hơn. Khi chất béo đi vào tá tràng, túi mật bị kích thích, co bóp và tống mật xuống tá tràng.
Trong một số bệnh như viêm túi mật cấp tính, sỏi túi mật, viêm teo túi mật, u túi mật... người ta có thể phải cắt bỏ túi mật (bằng phẫu thuật mở bụng hoặc cắt bỏ qua nội soi). Khi bị cắt túi mật, dịch mật tiết ra từ gan được đưa thẳng xuống tá tràng, không được cô đặc và dự trữ ở túi mật nên có thể ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và có thể gây ra một số biến chứng.
Siêu âm gan là phương pháp phổ biến phát hiện bệnh.
Các bệnh lý gan mật
Một số các bệnh về gan mật thường gặp: Rối loạn chức năng gan, viêm gan (viêm gan A, B, C, D, E...), gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan, bệnh đường mật, sỏi mật, viêm túi mật, polyp túi mật, áp - xe túi mật, ung thư túi mật…
Những bệnh này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Một số bệnh về gan như xơ gan cổ trướng, ung thư gan… được xếp vào danh mục các bệnh lý đặc biệt nguy hiểm và đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người trên thế giới.
Làm gì để bảo vệ gan mật?
Để gan và mật luôn được khỏe mạnh, cần lưu ý:
Hạn chế rượu bia, thuốc lá: Tuyệt đối không nên uống rượu khi mắc các bệnh về gan. Tốt nhất là không hút thuốc lá.
Dinh dưỡng hợp lý: Chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh và ăn uống đầy đủ, cân bằng các loại chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, ăn nhiều thực phẩm tươi, giàu chất xơ: Rau xanh, trái cây…tránh ăn nhiều đồ chiên, nướng, uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2,5 lít/ngày).
Tăng cường vận động: Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và điều độ là một trong những phương pháp tuyệt vời vì tính đơn giản, hiệu quả, ít tốn kém để giữ cho cơ thể luôn được khỏe mạnh mỗi ngày.
Khám sức khỏe định kỳ: Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để biết tình trạng của gan mật.