Khi đường huyết không ổn định

12-12-2019 13:57 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khi đường huyết quá thấp hoặc quá cao đều nguy hiểm cho người bệnh. Nếu đường huyết xuống thấp dưới 60 mg/dl có thể dẫn đến tình trạng hôn mê, thậm chí tử vong. Còn nếu đường huyết cao hơn 180mg/dl thì ngoài hôn mê, còn có thể gây tổn thương nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể…

Khi hạ đường huyết

Sự nguy hiểm khi bị hạ đường huyết (ĐH): Hạ ĐH là khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống dưới 4mmol/l, không đủ cho cơ thể hoạt động. Hạ ĐH hiếm gặp ở những người bình thường nhưng khá phổ biến ở những bệnh nhân ĐTĐ, chủ yếu là do biến chứng của điều trị. Khi bị hạ ĐH các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Dù cơ thể có khả năng huy động năng lượng từ các nguồn khác như từ lipid, protid nhưng cũng chỉ tạm thời và không đủ. Đặc biệt là não và hồng cầu là hai cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế hạ ĐH nặng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương não nặng, thậm chí gây tử vong. Do vậy việc phát hiện và điều trị hạ ĐH phải càng nhanh càng tốt.

Khi đường huyết không ổn địnhNgười bệnh đái tháo đường cần luôn giữ đường huyết ở mức an toàn

Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng của người bị hạ ĐH cũng gần giống như khi bị đói nhưng nặng hơn nhiều. Các triệu chứng này xuất hiện qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu (ĐH giảm xuống còn 4-3 mmol/l): Bệnh nhân có cảm giác đói, vã mồ hôi, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực và lo sợ… Đa số các bệnh nhân bị hạ ĐH nhận biết và tự điều trị ở giai đoạn này.

Giai đoạn sau (ĐH giảm xuống còn 3-2 mmol/l): Bệnh nhân có cảm giác yếu, mệt, đau đầu, nhìn mờ và lơ mơ.

Giai đoạn cuối, một số ít bệnh nhân (khi ĐH giảm xuống < 2 mmol/l): Người bệnh sẽ đi vào hôn mê, có thể bị co giật.

Lưu ý, những bệnh nhân mắc ĐTĐ đã lâu và đã có các biến chứng thần kinh, tim mạch hoặc những bệnh nhân đã bị hạ ĐH nhiều lần thì các triệu chứng trên rất mờ nhạt, thậm chí có thể không có bất cứ triệu chứng nào. Một số bệnh nhân ĐTĐ đang được dùng các thuốc điều trị suy tim, tăng huyết áp… thì các triệu chứng của hạ ĐH cũng rất mờ nhạt do hầu hết bị thuốc này làm giảm đi rất nhiều hoặc làm mất hoàn toàn các triệu chứng. Bệnh nhân có thể đột ngột đi vào hôn mê mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào.

Hạ ĐH cũng có thể xảy ra khi đang ngủ nên khi mê thấy ác mộng nhiều, sáng ngủ dậy thấy người ướt đẫm mồ hôi, rất mệt, khó chịu, đau đầu…

Mức đường máu an toàn là:

Trước bữa ăn: 90 – 130 mg/dL ( 5,0 – 7,2 mmol/L).

Sau bữa ăn 1 – 2 giờ: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L).

Trước lúc đi ngủ: 110 – 150 mg/dL (6,0 – 8,3 mmol/L).

Khi nghi ngờ bị hạ ĐH cần phải kiểm tra ĐH ngay. Nếu ĐH dưới 4 mmol/l thì đã bị hạ ĐH. Tuy nhiên một số trường hợp người bệnh ĐTĐ có những dấu hiệu giống như hạ ĐH nhưng khi đo thì thấy ĐH không thấp (từ 4-6 mmol/l). Những trường hợp này là do trước đó ĐH của họ thường xuyên cao nên khi ĐH giảm thì một số cơ quan có cảm giác bị “thiếu” giả tạo và phát ra những dấu hiệu như khi ĐH hạ thấp. Do đó cần phải kiểm tra ĐH để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng.

Xử trí khi bị hạ đường huyết: Đối với những bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ và trung bình phải nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường (150ml), 100ml nước ngọt (cocacola), uống 100ml- 150ml nước hoa quả (cam), để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi người bệnh tỉnh táo trở lại nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đối với trường hợp hạ đường huyết nặng, hôn mê thì phải nhanh chóng chuyển tới bệnh viện chuyên khoa. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể tự khỏi không để lại di chứng gì.

Khi đường huyết tăng cao

Khi ĐH cao hơn 180mg/dl có thể gây tổn thương nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ khi ĐH rất cao (trên 300mg/dl (16,5 mmol/l) thì người bệnh mới có một số triệu chứng như mệt mỏi, đi tiểu nhiều và khát nước… Còn khi ĐH cao trong khoảng 126 – 300 mg/dl (7-16,5 mmol/l) thì các triệu chứng gần như rất khó nhận ra bởi nó không gây ra đau đớn, mệt mỏi hay cảm giác khó chịu. Đó chính là lý do bệnh ĐTĐ lại gây ra nhiều tổn thất do các biến chứng mà nó gây nên. Trong đó, hậu quả đáng lo ngại nhất là biến chứng nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu.

Nhiễm toan ceton: Khi cơ thể không có đủ insulin, đường trong máu tăng cao nhưng cơ thể bị “thiếu thốn” năng lượng. Để bù đắp, não chỉ huy cơ thể sử dụng năng lượng thay thế bằng cách phá vỡ các chất béo, hậu quả tạo ra sản phẩm thải là ceton (có tính acid) vào trong máu. Khi ceton tích tụ quá nhiều, sẽ dẫn tới biến chứng cấp tính nhiễm toan ceton. Đây là biến chứng phổ biến hơn ở người bệnh đái tháo đường type 1, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở người bệnh đái tháo đường type 2. Khi bị biến chứng này, bệnh nhân có thể bị lú lẫn, mất nước…

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu: ­­­­Xuất hiện khi đường huyết cao hơn 600mg/dl (33mmol/l), có thể kèm hoặc không kèm nhiễm toan ceton ở người bệnh đái tháo đường type 2. Ở giai đoạn này, cơ thể không thể sử dụng được đường từ máu, cũng như từ chất béo, lập tức lượng đường được tăng đào thải ra ngoài qua nước tiểu, khiến người bệnh tiểu tiện thường xuyên.  Nước từ tế bào bị kéo vào lòng mạch, gây mất nước trầm trọng, làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu. Khi bị hội chứng tăng áp lực thẩm thấu, bệnh nhân có thể bị ảo giác, mất thị lực, co giật…

Nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu là tình trạng đe dọa tính mạng và người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức, nếu chậm trễ có thể dẫn tới hôn mê và đe dọa tới tính mạng.

Khi đường huyết không ổn định

Đường huyết bao nhiêu là an toàn?

Giữ ĐH trong vùng an toàn đóng vai trò then chốt trong phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh ĐTĐ và các biến chứng do bệnh gây ra. Theo Hiệp hội ĐTĐ Mỹ, đối với đa số bệnh nhân ĐTĐ, mức đường máu an toàn là:

Trước bữa ăn: 90 – 130 mg/dL ( 5,0 – 7,2 mmol/L).

Sau bữa ăn 1 – 2 giờ: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L).

Trước lúc đi ngủ: 110 – 150 mg/dL (6,0 – 8,3 mmol/L).

Tuy nhiên, tùy từng bệnh nhân và mức độ biến chứng mà vùng an toàn của đường huyết cũng khác nhau, do đó mỗi bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ của mình để biết vùng đường huyết an toàn mà bản thân cần đạt tới.

Làm thế nào để có vùng đường huyết an toàn?

Để giữ mức ĐH an toàn cần tuân thủ một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý do bác sĩ hướng dẫn: Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, lựa chọn cách luyện tập phù hợp để đạt được hiệu quả và an toàn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này của bạn; dùng thuốc điều trị ĐTĐ (uống và/hoặc tiêm) đúng cách, đúng giờ hàng ngày; kiểm tra ĐH thường xuyên và ghi kết quả vào sổ tay, kịp thời xin ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn, tập luyện và thuốc nếu có sự thay đổi mức ĐH; vệ sinh cá nhân sạch sẽ, kiểm tra kỹ bàn chân hàng ngày trước khi đi ngủ, phát hiện mọi bất thường như vết cắt, vết phỏng, vết chai,  chỗ bị đau, bị sưng, bị đỏ…; bỏ hút thuốc lá ngay…


TS. Phạm Thuý Hường
Ý kiến của bạn