Hà Nội

Khi dùng thuốc ít ai để ý đến những rủi ro này

05-08-2021 18:56 | Dược

SKĐS - Để dùng thuốc an toàn, người bệnh cần biết và nhận biết những rủi ro nếu gặp phải, qua đó xử trí kịp thời, thích hợp.

Tác phụ phụ - một rủi ro cần phải phòng ngừa

Thuốc bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn dùng để trị bệnh nhưng thuốc cũng gây ra những rủi ro cho người sử dụng.

Bên cạnh tác dụng điều trị (mong muốn) thì thuốc có thể gây ra một số bất lợi (rủi ro) không mong muốn cho người sử dụng. Các bất lợi này rất đa dạng và hầu hết là khó chịu.

Một số bất lợi thường gặp về tiêu hóa như: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, viêm loét dạ dày…; về thần kinh như: Chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, kích động, vật vã, lo lắng, lú lẫn, thay đổi ứng xử…; bất lợi biểu hiện trên da như: Phát ban, ngứa, nổi mẩn… Các tác dụng phụ của thuốc có thể từ nhẹ (thoảng qua rồi hết) đến vừa hoặc nặng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi dùng thuốc ít ai để ý đến những rủi ro này - Ảnh 1.

Đau đầu là một trong những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.

Những rủi ro này thường được thể hiện rất rõ trong tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua những thông tin này.

Vì vậy, khi dùng thuốc mỗi chúng ta cần phải đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng để nhận diện các bất lợi có thể xảy ra, biết cách phòng ngừa (khi có thể). 

Trong quá trình sử dụng thuốc nếu thấy có bất thường, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết, hoặc đi khám để được xử lý kịp thời, thích hợp khi cần thiết.

Tương tác bất lợi giữa thuốc với thức ăn hàng ngày

Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có thể làm ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, do đó làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh. Đây cũng là một vấn đề mà chúng ta cần phải chú ý trong quá trình dùng thuốc.

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc đều bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Một số thuốc bị ảnh hưởng bởi thực phẩm chúng ta ăn vào, nên nếu uống cùng lúc với bữa ăn có thể khiến cơ thể không hấp thụ được thuốc. Hoặc một số loại thực phẩm có thể làm chậm hoặc giảm sự hấp thu của thuốc.

Khi dùng thuốc ít ai để ý đến những rủi ro này - Ảnh 2.

Tương tác giữa thuốc và thức ăn có thể mang lại rủi ro cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, thức ăn có thể gây phản ứng làm thay đổi tác dụng của thuốc. Nó cũng có thể tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm tác dụng phụ của thuốc.

Một ví dụ của điều này là ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi với thuốc giảm cholesterol (mỡ máu) sẽ gây tương tác bất lợi nguy hiểm, nên tuyệt đối không dùng cùng.

Hoặc nếu bạn dùng thuốc ức chế men chuyển (ACE) - một trong những nhóm thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp phổ biến nhất hiện nay, bạn nên tránh thực phẩm giàu kali, chẳng hạn như chuối vì có thể dẫn đến tăng kali máu quá mức.

Mặt khác, một số loại thuốc cần phải sử dụng cùng thức ăn để khắc phục tác dụng phụ như: Buồn nồn hoặc chóng mặt của thuốc. Điều này thường xảy ra với một số loại thuốc kháng sinh.

Vì vậy, để tránh bất lợi này, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc mới nào, xem loại thuốc đó có bị ảnh hưởng bởi thức ăn hay không. Nếu bị ảnh hưởng cần chú ý tới thời điểm uống thuốc.

Người bệnh cũng có thể đọc các thông tin cảnh báo phòng ngừa trên nhãn thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết điều này.

Theo đó, có một số loại thuốc bị ảnh hưởng bởi thức ăn thì cần phải uống lúc dạ dày rỗng, thường là vào thời điểm 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn. 

Đối với thuốc được hấp thu tốt hơn khi ăn thì cần phải uống trong hoặc sau khi ăn.

Khi uống thuốc cần uống với một cốc nước đầy (khoảng 150-200ml), nuốt nguyên viên thuốc (trừ khi có hướng dẫn khác). 

Không khuấy thuốc vào thức ăn hoặc tách viên nang, trừ khi bác sĩ yêu cầu. Điều này có thể thay đổi cách thức hoạt động của thuốc.

Không pha thuốc vào đồ uống nóng, vì nhiệt có thể ảnh hưởng tới hoạt động cua thuốc. Và đặc biệt là không được uống thuốc cùng với rượu.


DS Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn