Khi dùng thuốc chữa vi nấm

15-02-2019 19:03 | Dược
google news

SKĐS - Vi nấm chia ra nấm men nấm sợi tơ và loại hỗn hợp. Nấm xâm nhập vào bên ngoài gây bệnh da gọi là “nấm nông”, xâm nhập vào bên trong gây bệnh mạn gọi là “nấm sâu”; một số chỉ gây bệnh khi có điều kiện thuận lợi gọi là “nấm cơ hội”. Khi dùng thuốc chữa vi nấm cần phải chọn đúng thuốc, kiên trì điều trị...

Nấm không lây, hiếm khi truyền từ người này sang người khác. Tuy nhiên, trong môi trường bị nhiễm nấm những người cơ địa giống nhau có thể cùng mắc bệnh.

Các nhóm thuốc

Thuốc chống vi nấm có nhiều nhóm trong đó gồm 5 nhóm chính thường dùng:

Nhóm azol:

Gồm hai phân nhóm imidazol, triazol. Chúng ức chế tổng hợp ergosterol ở thành thế, phá hủy thành tế chất của vi nấm làm cho nấm không tồn tại được. Mặt khác nhóm azol còn có cơ chế ức chế hô hấp nội sinh, tương tác với phospho lipid màng, ức chế việc chuyển nấm men thành dạng sợi.

Loại tác dụng tại chỗ: có ketoconazol, clotrimazol, miconazol, tioconazol, butoconazol (phân nhóm imidazol); terconazol (phân nhóm triazol). Chúng được dùng trong nhiễm nấm candida ở âm đạo, miệng; trong nhiễm pityasis versicolor ở thượng bì. Dùng dạng kem bôi da hay đặt âm đạo, viên nhét niệu đạo, dung dịch bôi, viên kẹo ngậm tan chậm.

Khi dùng thuốc chữa vi nấm

Loại tác dụng toàn thân: có ketoconazol (phân nhóm imidazol); fluconazol, iltraconazol (phân nhóm triazol ).

- Fluconazol: dù uống hay tiêm fluconazol cũng hấp thu gần hoàn toàn, thâm nhập được vào màng não (dù có viêm hay không) và các mô khác; khi uống nó cũng thâm nhập vào sừng, thượng bì, biểu bì. Do đó được dùng cho nhiễm nấm toàn thân và tại chỗ như nhiễm candida miệng - thực quản, âm đạo, máu, tủy xương; nhiễm cryphtococcus neforman (gây viêm màng não và ở các vị trí khác), nhiễm nấm Histoplasma capusulatum (gây hội chứng ở phổi giống cúm hay lao). Nó gây ra một số tác dụng không mong muốn như: nôn mửa, đau bụng, dị ứng (nghiêm trọng với người nhiễm HIV), rụng tóc (nếu dùng liều cao và hết khi ngừng dùng). Có thể gây sốc phản vệ, hoại tử tế bào gan, giảm bạch cầu đa nhân trung tính. Nó không ảnh hưởng đến sinh sản và thai.

- Iltraconazol có hiệu quả tương đương có trường hợp hơn hẳn fluconazol (như nhiễm Blastomycosis, nhiễm Histoplasma capusulatum toàn thân). Dạng iltraconazol tiêm tĩnh mạch có hiệu quả tốt cho người có độ hấp thu đường uống kém.

- Ketoconazol trước đây dùng nhiều do giá thành hạ, tuy nhiên phổ kháng nấm hẹp.

Nhóm polyen macrolid:

Gồm có samphotericin B, nistatin, griseopulvin.

Loại tác dụng tại chỗ: khi dùng tại chỗ thuốc không có tác dụng với nấm sợi tơ nhưng lại có tác dụng với nấm hạt men candida ở da và niêm mạc: Nistatin amphotericin B dưới dạng nhũ dịch có tác dụng với nấm candida ở miệng và dưới dạng viên dẹt có tác dụng với candida âm đạo.

Loại tác dụng toàn thân:

Amphotericin B (dưới dạng phân tử): chèn vào màng tế bào chất, làm kết cụm màng này, bám vào sterol làm cho tính bán thấm của màng này tăng, hình thành các lỗ hổng để cho kali nội bào chạy ra ngoài, làm cho tế bào vi nấm bị hỏng và chết đi. AmphotericinB có hiệu quả với trường hợp nhiễm nấm Histoplasma capsulatum, Candida, Cyphtococus neforman.

Dạng tiêm tiêm truyền tĩnh mạch hay tiêm vào tủy là dạng phức hợp polyen có chứa thể keo, chuyển hóa rất chậm và không chịu ảnh hưởng của suy gan, suy thận. Độ thấm vào não tủy kém nhưng lại thấm khá hơn vào dịch màng phổi màng bụng, dịch khớp. Khi bắt đầu truyền do độ dung nạp người bệnh có thể sốt rét run có thể rối loạn chức năng hô hấp tuần hoàn. Khắc phục bằng cách cho uống trước thuốc hạ nhiệt (paracetamol) hay cho hydrocortison vào dịch truyền hoặc bắt đầu với liều thấp rồi tăng dần. Thuốc gây tăng urê huyết, giảm kali và magiê máu, nôn mửa, viêm tĩnh mạch có thể gây suy thận.

- Griseopulvin: có tác dụng với nấm sợi tơ nhưng không hiệu quả với nấm hạt men. Nó không có tác dụng tại chỗ khi dùng dưới dạng bôi nhưng khi uống nó lại có thể đi đến da và tóc để phát huy hiệu quả. Nó có thể gây nhức đầu dị ứng, độc cho gan, gây rối loạn tiêu hóa, gây nhạy cảm với ánh sáng.

Khi dùng thuốc chữa vi nấm

Nhóm allyamin:

Gồm có terbinarin, natifin. Thường dùng terbinafin.

Terbinafin (biệt dược: lamisil): Terbinarin ngăn cản sự chuyển đổi squalen epoxidase, một emzym nằm trong quá trình tổng hợp lanosterol tiền thân của ergosterol, làm cho việc tổng hợp ergosterol bị trở ngại. Khi màng tế bào thiếu hụt chất này sẽ thay đổi tính bán thấm và bị li giải.

Terbinafin được dùng để điều trị nấm da đùi, bàn chân vận động viên (nấm pedis), nấm da (coporis), nấm móng (dematophyse, candida). Về mặt hiệu lực, terbinafin tương tự như iltraconazol nhưng hơn hẳn griseopulvin trong điều trị nấm móng. Thuốc dù dùng tại chỗ hay uống đều tích lũy cao ở da, móng, mỡ. Thuốc có một số tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, phát ban viêm gan, giảm tế bào máu nhưng hiếm gặp.

Nhóm Fluticosin:

Thuốc làm đình trệ quá trình tổng hợp AND làm cho vi nấm phát triển mất cân bằng và chết. Phổ kháng nấm hẹp dễ bị kháng, cần dùng phối hợp với amphotericin B. Dược dùng trong các bệnh nhiễm nấm nặng. Khi dùng phối hợp với amphotericin B thì sẽ phát huy tác dụng trong các bệnh nấm nguy hiểm và kéo dài như trong điều trị viêm màng não do nhiếm nấm Cryphtococcus, bệnh nhiễm nấm có họ Dematiace ở hệ thần kinh trung ương nhất là bệnh do Xylohypha bantiana.

Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, thâm nhập tốt vào dịch tủy, bài tiết tốt qua đường tiểu. Thuốc gây độc cho người suy giảm chức năng thận (làm thương tổn thận dễ dẫn đến tích lũy thuốc) thuốc còn chuyển thành chất gây hại tủy xương nên làm giảm bạch cầu đa nhân trung tính, giảm tiểu cầu, viêm đại tràng, có thể gây dị ứng nhưng hiếm gặp. Lưu ý khi người bệnh bị suy giảm chức năng thận hay suy tủy thì không nên dùng, nếu cần dùng thì phải có điều kiện dịnh lượng được fluticosin trong máu để theo dõi tác động của nó đến thận và tủy xương.

Nhóm axít:

Gồm các axít như: salicylic benzoic. Nhóm này chỉ chữa các nhiễm nấm nhẹ ngoài da (như: nấm ăn chân, lang ben). Vì có tính axít nên tránh dùng cho trẻ em (da còn non) và tránh dùng ở vùng nhạy cảm (như niêm mạc) tránh bôi vào vết thương hở.

Những lưu ý

Chỉ dùng thuốc khi có dấu hiệu lâm sàng rõ và xét nghiệm có vi nấm. Ví dụ cũng là viêm âm đạo nhưng nếu do vi khuẩn phải đặt kháng sinh cloramphenicol nhưng nếu do nấm thì phải dùng kháng nấm clotrimazol. Nhiễm nấm histoplasma capsulatum mạn biểu hiện giống như lao (ho ra đờm, sốt nhẹ, đôi kho có ho ra máu) không thể dùng thuốc lao mà phải dùng thuốc kháng nấm amphotericin B.

Phải chọn đúng thuốc và dạng bào chế: tại móng nếu bị nấm móng trichophyton phải uống griseopulvin nhưng nếu bị viêm quanh móng do nấm candida phải bôi cream miconazol.

Phải kiên trì theo đúng liệu trình điều trị. Chẳng hạn nấm móng do trichophyton phải dùng griseopulvin uống từ 6 - 12 tháng. Nấm candida phải dùng 2 - 3 đợt mỗi đợt 6 - 12 ngày. Bệnh không khỏi phải xem lại liều thời gian dùng không vội đổi thuốc.

Phải kết hợp với điều kiện vệ sinh môi trường. Chẳng hạn: bệnh “nước ăn chân” thực chất là bệnh do vi nấm, ngoài việc dùng thuốc phải hạn chế việc tiếp xúc với nước, giữ tay chân sạch và khô ráo vi nấm không phát triển được sẽ khỏi bệnh.

Cần lưu ý đến một số tính độc (như nói trên), cần tránh các tương tác gây bất lợi.


DS.CKII. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn
Tags: